Bức tranh sáng của giao thương New Zealand và Việt Nam

MIKE PETERSEN - Đặc phái viên Thương mại và Nông nghiệp New Zealand| 15/02/2015 06:17

New Zealand là quốc gia nhỏ nên rất thận trọng trong việc lựa chọn thị trường cũng như sản xuất hàng nông sản đạt giá trị cao. Đó cũng là lý do giúp quốc gia này có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể khiến bất kỳ đất nước nào trên thế giới phải “ghen tị”.

Bức tranh sáng của giao thương New Zealand và Việt Nam

New Zealand là quốc gia nhỏ nên rất thận trọng trong việc lựa chọn thị trường cũng như sản xuất hàng nông sản đạt giá trị cao. Đó cũng là lý do giúp quốc gia này có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể khiến bất kỳ đất nước nào trên thế giới phải “ghen tị”.

New Zealand và Việt Nam cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu thực hiện tốt, các hiệp định tự do thương mại (FTA) này sẽ tạo ra một khối thương mại lớn nhất thế giới, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nước ASEAN và trên thế giới, cũng như làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại giữa các nước tham gia, hạ thấp dần hàng rào thuế quan, phi thuế quan.

Hiệp định TPP và RCEP cũng nhằm mục đích thiết lập môi trường đầu tư, thương mại thông thoáng trong khu vực, tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại, đầu tư cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cân bằng phát triển kinh tế.

FTA, TPP và RCEP là bước tiến lớn, sẽ có tác động lớn trong việc cải tổ nền thương mại, nông nghiệp trong khu vực. Việc Việt Nam và New Zealand tham gia đàm phán TPP và RCEP rất quan trọng, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ở cả bề rộng và chiều sâu.

New Zealand và Việt Nam đều là thành viên ủng hộ lẫn nhau, cam kết mạnh mẽ về đàm phán, để đưa ra được những thỏa thuận tốt nhất, đặc biệt là thúc đẩy giao thương trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ) luôn là vấn đề nóng trong tất cả các đàm phán thương mại. Với các nhà nhập khẩu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thực sự quan trọng và New Zealand rất nghiêm ngặt trong vấn đề này. SPS cũng là cách hiệu quả để đảm bảo chất lượng các sản phẩm nhập khẩu, xuất khẩu, bảo vệ người tiêu dùng, từ đó làm cho quá trình nhập khẩu hoặc xuất khẩu trở nên dễ dàng hơn.

New Zealand và Việt Nam đã hợp tác khá thành công trong các vấn đề rào cản thương mại kỹ thuật và an toàn vệ sinh dịch tễ, trong khuôn khổ Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Australia - New Zealand. New Zealand và Việt Nam sẽ ký Biên bản thỏa thuận về an toàn thực phẩm, góp phần đẩy mạnh hợp tác hai bên trong lĩnh vực này.

Thế giới đang đối mặt với vấn đề an ninh lương thực, bởi không có quốc gia nào tự sản xuất tất cả các loại lương thực cho chính mình. Ngay cả New Zealand cũng vậy. Tham gia các FTA khu vực, những cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam cũng là cơ hội cho nông nghiệp toàn cầu.

Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp. New Zealand không phải là quốc gia có thể đưa ra tất cả những câu trả lời liên quan đến đổi mới trong nông nghiệp. Hơn nữa, cách vận hành hệ thống nông nghiệp của Việt Nam cũng rất khác so với New Zealand. Ngành nông nghiệp New Zealand đã trải qua quá trình cải tổ lớn vào những năm 1980. Khi đó, Chính phủ New Zealand cắt hoàn toàn viện trợ dành cho nông nghiệp, những trợ cấp cho nông dân cũng chấm dứt.

Quá trình đó đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy làm nông nghiệp của nông dân, không còn trông chờ vào trợ cấp của chính phủ, thay vào đó là định hướng thị trường. Sau cải tổ, ngành nông nghiệp New Zealand rất chuyên nghiệp và trở thành ngành nông nghiệp theo định hướng kinh doanh.

Tại New Zealand, đất được dùng để chăn nuôi cừu, bò, sản xuất sữa, hay trồng rừng đều cần tính tới yếu tố bền vững cho môi trường, khả năng sinh lời cho nông dân. Một điều quan trọng nữa cũng được tính đến trong quá trình cải tổ nền nông nghiệp: New Zealand là quốc gia nhỏ, làm sao cung ứng sản phẩm chất lượng cao cho thị trường thế giới. Đó cũng là lý do New Zealand rất thận trọng trong việc lựa chọn những thị trường có giá trị cao cũng như sản xuất hàng nông sản đạt giá trị cao.

Mọi chuyện không đơn giản là nói Việt Nam phải học những điều gì từ New Zealand để phát triển nền nông nghiệp. Vì vậy, những hợp tác giữa hai nước thời gian tới sẽ theo hai hướng: New Zealand hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam và hợp tác để tạo nên sự khác biệt, sự đổi mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong ngắn hạn, sẽ có thêm chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam sang New Zealand để quan sát và học hỏi hệ thống nông nghiệp của New Zealand, để từ đó rút ra những gì có thể áp dụng được trong cải cách nông nghiệp ở Việt Nam.

Bức tranh giao thương New Zealand và Việt Nam rất sáng và đó là dấu hiệu tích cực. Rất nhiều nông sản của New Zealand có mặt trên thị trường Việt Nam và có sức cạnh tranh khá cao. Việt Nam có rất nhiều nông sản, đặc biệt là trái cây nhiệt đới mà New Zealand không có. Hiện nay, hai nước đã hợp tác trong khá nhiều chương trình nông nghiệp. Xuất khẩu trái thanh long và hợp tác sản xuất thanh long là ví dụ điển hình.

Đó là trái thanh long rất đặc trưng của Việt Nam sử dụng công nghệ, kỹ thuật của New Zealand để tạo ra giống thanh long dễ xuất khẩu hơn và kháng được sâu bệnh. Việt Nam cũng đang phát triển các dự án chăn nuôi bò sữa và các chuyên gia thú y của New Zealand đang nghiên cứu để bò sữa của New Zealand thích ứng được với điều kiện của Việt Nam.

Như vậy, New Zealand không chỉ đưa những sản phẩm, công nghệ cao vào Việt Nam mà còn có những thay đổi để làm sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

New Zealand sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe thú y, an toàn thực phẩm, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nông sản hay giáo dục nâng cao trình độ cho nông dân. Sẽ không có gì ngăn cản được người nông dân làm giàu và có tương lai vững bền hơn. 

>Việt Nam xuất khẩu thanh long sang New Zealand 
>Vinamilk được cấp phép đầu tư sang New Zealand

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bức tranh sáng của giao thương New Zealand và Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO