Bộ trưởng “đơn độc”

HÀ CÚC| 14/01/2010 08:39

Tôi thấy rất tủi, đơn độc vì ít người chia sẻ, cho dù môi trường là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững" - lời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên...

Bộ trưởng “đơn độc”

“Tôi thấy rất tủi, đơn độc vì ít người chia sẻ, cho dù môi trường là một trong ba trụ cột chính của phát triển bền vững", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã phải “than thở” như vậy tại Hội nghị Chính phủ mở rộng giữa tuần qua. Ông Phạm Khôi Nguyên cho hay, sau nhiều năm mới lại thấy lãnh đạo các tỉnh quan tâm, bàn bạc đến vấn đề môi trường "một cách sôi nổi". Họ đã bắt đầu nói nhiều đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường bên cạnh việc kêu thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch...

Có thể nói, đây là sự chuyển biến tích cực, ít nhất là về mặt nhận thức, từ giới quan chức địa phương. Còn nhớ, những năm trước, tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, hầu như ai cũng chỉ nói đến các cụm từ "đầu tư xây dựng cơ bản”, “xây dựng hạ tầng”, “khu công nghiệp"... Ngay dự thảo kế hoạch công việc trong năm của Chính phủ cũng chỉ dành một vài dòng chung chung ở phần kết luận để nói về môi trường. Thậm chí, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, không ít người đã cố thuyết phục các đại biểu thông qua một dự án luật, trong đó các điều khoản về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường “có thể được nhân nhượng” sau khi đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Vedan "bức tử" sông Thị Vải

Có lẽ, chỉ sau khi vụ Vedan “bức tử” sông Thị Vải được phanh phui thì vấn đề ô nhiễm môi trường mới bắt đầu "nóng" lên trên cả nước, trong các nghị trường. Tiếp sau đó là phát hiện hàng loạt vi phạm của những nhà máy liên doanh như nhà máy đóng tàu Hyundai, Miwon, thuộc da, thủy hải sản... gây những mối họa khủng khiếp cho môi trường...

Những cái tên Vedan, Miwon hay hành vi khai thác rừng, khai thác quặng bừa bãi tại nhiều địa phương là bề nổi của hiện trạng "nền kinh tế GDP tỉnh" chạy đua chỉ tiêu tăng trưởng. Hầu như tất cả các tỉnh có khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên đều coi đấy là thế mạnh và ra sức khai thác, có nơi Thủ tướng đã phải ra lệnh đình chỉ. Càng phát triển, quá trình công nghiệp hóa các tỉnh này càng đi sâu vào khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên với công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng rất thấp. Cái giá phải trả do hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường xã hội rất cao. Hiện trạng này được minh họa bằng số liệu cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường: 80% cơ sở dùng công nghệ những năm 1980; trong 2.000 làng nghề có tới 1.400 làng gây ô nhiễm; 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, cứ tăng 1% GDP mà không bảo vệ môi trường thì sẽ mất đi 3%; tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường đến cuối năm 2009 được tính toán là khoảng 0,3% GDP và đến năm 2020 sẽ tăng lên 1,2% GDP.

Thế giới đã đi vào giai đoạn “tăng trưởng xanh ít carbon”, định hướng cho nửa thế kỷ tới. Còn ở ta, chậm đến mức mà đến giờ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn than “đơn độc” trong nỗ lực bảo vệ môi trường, và quan chức các tỉnh mới bắt đầu bàn về biến đổi khí hậu. Người ta thường ví tài nguyên đất nước như một thứ của cải mà thế hệ cha ông muốn cất giữ nhằm để lại cho con cháu. Vì vậy, phá hoại tài nguyên sẽ là gánh nặng không chỉ cho môi trường mà cho cả thế hệ mai sau.

Đối với nỗ lực bảo vệ môi trường, quan trọng là ngoài việc có luật môi trường, chính quyền địa phương phải tham khảo ý kiến cư dân vàø phải có những tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ trưởng “đơn độc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO