Bình ổn thị trường vàng: Ai đang có lợi?

VŨ HOÀNG thực hiện| 15/05/2013 08:42

Với các biện pháp mạnh tay này, NHNN dự báo thị trường vàng trong nước sẽ bình ổn sau ngày 30/6 và giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới. Tuy nhiên, dự báo này vẫn khiến nhiều chuyên gia kinh tế e ngại về tính khả thi, dù đã tính tới cả độ trễ của chính sách.

Bình ổn thị trường vàng: Ai đang có lợi?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường với mục đích thực hiện nghị quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế và thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ "vàng hóa" trong nền kinh tế và trên cơ sở đánh giá tình trạng mất cân đối về cung cầu vàng trong nước. NHNN tuyên bố đã sử dụng một phần ngoại tệ thuộc dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung cho thị trường thông qua đấu thầu.

Đọc E-paper

Với các biện pháp mạnh tay này, NHNN dự báo thị trường vàng trong nước sẽ bình ổn sau ngày 30/6 và giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới. Tuy nhiên, dự báo này vẫn khiến nhiều chuyên gia kinh tế e ngại về tính khả thi, dù đã tính tới cả độ trễ của chính sách. 

>>Nhìn vàng qua dự trữ ngoại tệ
 >> L
ăn vàng, thấm vốn!

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Hy sinh hàng chục tỷ USD để lợi ai?

Theo thống kê, lượng vàng trong dân là gần 500 tấn, tạo ra nguồn cung rất lớn. Nếu tính tỷ lệ vàng trong dân so với thu nhập đầu người, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vàng trong dân cao nhất thế giới.

Nếu 500 tấn vàng này được giao dịch thì sẽ tạo ra tình trạng thừa cầu. Trong bối cảnh không hạn chế kinh doanh vàng miếng, lập sàn vàng không có lợi ích nhiều về mặt kinh tế. Tôi cho rằng nên hạn chế bán vàng miếng, chỉ khuyến khích bán vàng nữ trang, phù hợp với nhu cầu thực sự của người dân.

Làm sao để dân bán vàng, gửi tài khoản và đầu tư kinh doanh mới là cách giải quyết rốt ráo sự biến động giá vàng, chứ không chỉ khuyến khích cân đối giá vàng. Khi kinh tế đang suy thoái thì giá vàng tăng là bình thường, nên giá vàng không cần ưu tiên ổn định hàng đầu so với vấn đề giữ được ngoại tệ quốc gia, phát triển kinh tế.

Không vì giá vàng cao mà phải hy sinh ngoại tệ để kéo giá vàng xuống. Bởi vì, không chỉ dân thường mua vàng, mà đáng kể hơn là những nhóm có tiềm lực tài chính, đủ khả năng mua dự trữ và đầu cơ vàng trong tình hình lạm phát hiện nay.

Như vậy, khi xây dựng chính sách vàng, thiết nghĩ NHNN nên đặt lợi ích kinh tế quốc dân lên trên nhóm lợi ích này chứ không đánh đồng như hiện nay để người thiệt vẫn thiệt.

Tiến sĩ Ngô Trí Long

Đấu thầu vàng: Sân chơi chưa bình đẳng

Mục tiêu đấu thầu vàng miếng của NHNN nhằm tăng nguồn cung vàng, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Với vai trò độc quyền xuất nhập khẩu vàng, nên tại thời điểm đưa vàng ra đấu thầu, NHNN có thể mua vàng với giá vàng thế giới, và biết được giá vàng trong nước, từ đó có thể đưa ra giá sàn đấu thầu bao nhiêu tùy thuộc vào ý đồ của mình, có thể sát và không sát với giá vàng thế giới với khoản chênh lệch tùy ý mà không sợ lỗ.

Còn với cách đặt giá sàn trong đấu thầu như hiện nay, cao hơn rất nhiều so với giá thế giới và sát với giá trong nước, thì khó có thể đạt được mục tiêu bình ổn thị trường vàng như nghị quyết Quốc hội đã nêu "khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân".

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí

Quyền giữ vàng được quy định trong Hiến pháp

Với 30 năm là chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tôi chưa bao giờ thấy một ngân hàng quốc gia nào tự nhận vai trò quản lý vàng nguy hiểm như vậy, cộng thêm trách nhiệm phải điều hành lãi suất, nợ xấu..., đó là chưa kể dùng tiền dự trữ để đầu cơ vàng. Hiện NHNN đang đứng trước hai cái khó.

Nếu ngưng đấu giá thì thị trường hỗn loạn, giá vàng tiếp tục tăng. Còn nếu tiếp tục bán thêm vàng dự trữ, có thể chịu lỗ vốn do giá mua vào cao trước đây... Vì vậy, tôi nghĩ NHNN nên trả vàng cho thị trường như trước đây từng làm. Cũng nên cân nhắc chuyện lập sàn vàng quốc gia.

NHNN sẽ điều tiết sàn vàng thay vì giữ vai trò độc quyền như hiện nay. Muốn giảm chênh lệch giá vàng ngay lập tức thì NHNN chỉ cần bỏ Nghị quyết 24, chấm dứt vai trò độc quyền, lập sàn vàng và NHNN điều tiết và Nhà nước thu thuế thông qua sàn vàng. Ngoài khía cạnh kinh tế, kỹ thuật còn có pháp lý, giữ vàng là quyền hợp pháp của dân được quy định trong Hiến pháp.

Điều kiện mà NHNN đưa ra có tỷ lệ đặt thầu tối thiểu từ 500 đến 1.000 lượng vàng tùy phiên, nên những doanh nghiệp nhỏ không thể nào có lực để tham gia đấu thầu. Để tham gia, phải có số vốn 20-40 tỷ đồng, nên chỉ những doanh nghiệp lớn đang cần mua vàng mới có đủ lực tham gia.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình ổn thị trường vàng: Ai đang có lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO