Biển mang dáng hình những đứa con của mẹ

BÙI HỮU CƯỜNG| 23/12/2011 05:36

Một chiều trên vùng đất Hòa Vang (Đà Nẵng) và Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam), chúng tôi đã gặp những người mẹ, người cha của các liệt sỹ hải quân đã chiến đấu giữ màu cờ Tổ quốc trên các bãi Gạc Ma, Cô Lin và nhiều nơi khác ngoài vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Bao nhiêu năm vẫn đau đáu ngóng ra biển vì trong trùng khơi vẫn có hình hài những đứa con của mẹ.

Biển mang dáng hình những đứa con của mẹ

Một chiều trên vùng đất Hòa Vang (Đà Nẵng) và Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam), chúng tôi đã gặp những người mẹ, người cha của các liệt sỹ hải quân đã chiến đấu giữ màu cờ Tổ quốc trên các bãi Gạc Ma, Cô Lin và nhiều nơi khác ngoài vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Bao nhiêu năm vẫn đau đáu ngóng ra biển vì trong trùng khơi vẫn có hình hài những đứa con của mẹ.

Xin được gọi tất cả các anh là những người anh hùng. Dù tất cả là những lớp lớp người khác lứa tuổi, nhưng tất cả các anh đều đã dâng hiến hết tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho biển và cho đất Việt Nam này vẹn nguyên cương thổ.

Cuối năm 1987, khi biển Đông có biến, trong đêm, loa truyền thanh xã oang oang tuyên dương những gia đình có con em tình nguyện. Cả làng không ngủ, cả xã không ngủ, máu chạy rần rần.

Khi đó, trên quê hương anh hùng Điện Thắng ám ảnh chiến tranh còn chưa quên. Những giọt máu chưa khô, những dòng lệ còn chảy dài sau cuộc chiến tranh chống Mỹ. Người già chưa quên, trẻ con cũng chưa quên. Bom đạn, tù đày, bắt bớ còn lởn vởn như một bóng ma hãi hùng. Nhưng những con nguời trẻ tuổi chưa đến tuổi hai mươi của vùng đất này đã xung phong lên đừờng.

“Ngày nó về ăn Tết âm lịch năm 1988 trông khỏe khoắn, rắn rỏi lắm. Cường còn dặn đi về lần này sẽ tìm cho mệ cô con dâu. Ai cũng hứng khởi, an tâm. Nào ngờ...”, đấy là lời kể của mẹ Trương Thị Ngò, 83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường ở làng quê Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam.

Hỏi mẹ rằng bây giờ con của mẹ ở đâu? Mẹ nhìn mênh mông rồi trả lời không chút ngại ngần: “Con của mẹ ở Trường Sa! Nó ở Trường Sa mãi mãi!”...

Mẹ Ngò với những di vật của người con trai, liệt sĩ Nguyễn Bá Cường

Di vật của thượng sĩ Nguyễn Bá Cường, tiểu đoàn Trường Sa, để lại theo biên bản kiểm kê ngày 20/3/1988 chỉ có chiếc ba lô có bộ quân trang, thư từ và một cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư.

Ngày 16/3/1988, khi mẹ Ngò đi bán lá thuốc lá ngoài chợ Thanh Quýt, một người quen chạy tới hỏi: “Bà nghe tin của thằng Út Cường chưa? Bọn giặc tấn công đảo, hắn mất tích rồi! Đài đang nói rầm trời!”.

Nghe rồi, mẹ lẳng lặng xếp mấy xâu thuốc lá bỏ vô mủng, lặng lẽ về, quăng cái mủng vô góc nhà rồi ra đứng ngoài hiên thẫn thờ ngó dòng sông Thanh Quýt lững lờ trôi ra phía biển Đông...

Trong nhật ký là di vật bây giờ, lúc nào anh Cường cũng nhắc đi nhắc lại nguyện ước “anh phải ra đi vì non sông vẫy gọi, đất nước đang cần” với những nét chữ xinh xắn trong trẻo gửi cho một người bạn gái cùng trường. Trong tài liệu của Học viện Hải quân Nha Trang, Nguyễn Bá Cường là một trong hai học viên đi trên tàu HQ 604 tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988.

Thời khắc nguy cấp ấy, anh hùng Trần Văn Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân!”.

Và các anh đã mãi mãi nằm lại Trường Sa khi máu của các anh tô thắm lá cờ tổ quốc. Buổi trưa, trong căn nhà cũ quạnh hiu bên bờ sông Thanh Quýt, kể chuyện về anh Cường, mẹ Ngò lặng lẽ chùi nước mắt.

Trong trận hải chiến năm 1988 bảo vệ chủ quyền trên bãi Gạc Ma ở Trường Sa, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, trong đó có 7 chiến sĩ quê ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Họ ra đi khi tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Ngôi nhà nhỏ quạnh vắng của mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở tổ 47, phường Hòa Cường Nam, thành phố Đà Nẵng giờ chỉ có hai người tuổi đã xế chiều. Mẹ Huỳnh Thị Kế, mẹ của liệt sĩ Đoàn nay đã ngoài tuổi 80, khuôn mặt khắc khổ, dày những nếp nhăn, đến cuối đời vẫn chưa hết những vất vả, lo toan.

Người con trai của mẹ nhập ngũ khi tuổi vừa đôi mươi. Anh đã lén ra phường xung phong đăng ký vào hải quân. Sau mấy tháng quân trường, anh được ra Trường Sa giữ đảo và chưa một lần kịp về thăm mẹ.

Đầu năm 1988, tin dữ báo về nhưng chính quyền địa phương chỉ dám nói con mẹ bị mất tích. Mãi 3 năm sau, mẹ mới nhận được thông báo chính thức con trai Nguyễn Phú Đoàn đã anh dũng hy sinh.

Còn mẹ Lê Thị Muộn, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự đã bước sang tuổi 82 vẫn nhớ như in ngày con trai vào Cam Ranh để chuyển vật liệu ra xây dựng Trường Sa. Anh Sự được phân công ở lại đơn vị giữ kho, nhưng vẫn xin ra Trường Sa cùng đồng đội.

Ngày anh Sự lên đường, ba của anh là ông Phan Văn Bé đang phải nhập viện để mổ điều trị. Thấy con không an tâm về sức khỏe của cha, ông Bé gắng gượng, giả vờ hết bệnh.

Mẹ Muộn và chiếc áo là kỷ vật cuối cùng của liệt sĩ Phan Văn Sự

Ngày 14/3/1988, cha anh đau nặng đang mổ trong bệnh viện, nghe tin trên đài phát thanh, con trai mình hy sinh đã không qua khỏi cơn bạo bệnh. Ngày đó trở thành ngày giỗ chung của hai cha con. Bây giờ cứ mỗi lần nhớ con, mẹ Lê Thị Muộn lại lấy chiếc áo trắng hải quân của con trai ra ngắm cho vơi nỗi nhớ:

“Kỷ vật của nó có chi mô. Chỉ mỗi cái áo nó bỏ lại ở nhà, mẹ sửa lại để khi đi đâu, hay lúc quạnh hiu lấy ra nhìn cho đỡ nhớ con! Áo của nó mặc trước khi lên đường ra Trường Sa đó. Bao nhiêu năm nay, mẹ không dám giặt nó vì muốn lưu giữ lại hình ảnh của con mình lần cuối”, giọng mẹ Muộn nghẹn lại...

Còn trong căn nhà số 45 Nguyễn Thành Y (Đà Nẵng), mẹ Đặng Thị Nhung, mẹ liệt sĩ Lê Văn Xanh kể: “Nó là anh cả trong gia đình có 8 anh em. Hồi đó vất vả, Xanh lớn nhất nhà nên học xong lớp 9 đã là trụ cột giúp cha làm nghề chài lưới mưu sinh. Cần cù, xốc vác, Xanh luôn là điểm tựa cho các em nhỏ...”.

Ngày Xanh lên đường, các em nhỏ bịn rịn, ngóng mong anh sớm trở về để được nghe tiếp những câu chuyện cổ tích còn dang dở. Không chỉ các em, còn một người con gái khác cũng đang ngóng đợi anh về. Người con gái ấy tên Lan, chính là người đã khuyên Xanh cứ lên đường lo việc nước trước rồi về tính chuyện cưới hỏi sau. Tình riêng tạm gác lại vì việc nước, ấy là bảo vệ biên cương, hải đảo.

Khi nghe tin anh hy sinh, cô gái đã khóc cạn nước mắt trong tiếc thương, trong những kỷ niệm lớp lớp hiện về như từng đợt sóng Trường Sa. Anh không về, làng xóm đã vắng một cuộc đón dâu. Cô gái thủy chung đã xin gia đình được chịu tang anh, xin được rước bàn thờ anh về nhà mình. Nhiều năm liền sau đó cô vẫn qua nhà hương khói cho anh như người con dâu.

Tuy anh đã không còn trên đời, nhưng cô cảm nhận anh vẫn đâu đây, vẫn dõi theo bước chân của mình... Có lẽ vì thế cô đã quyết định xuống tóc, mang chân nhang anh nương nhờ cửa Phật. Giữa ngã rẽ lịch sử, sự hy sinh anh dũng của anh cũng chấm dứt một mối tình, để cho người ở lại những nhớ nhung, hoài niệm...

Ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh bên di ảnh người con trai

Khi các anh nằm xuống, ký ức về quê hương vẫn là xóm làng, ao vườn mướt xanh một thuở. Xa xa, tiếng sóng biển vỗ về, trong rì rầm như thủ thỉ, như mách bảo điều gì. Mẹ Muộn đã mang chiếc áo hải quân, kỷ vật của con được đồng đội mang về, cắt ra thành tấm áo khoác trong những ngày đông lạnh. Phần còn lại mẹ bỏ vào bao gối để gối đầu.

“Đoàn nó lên đường mà chưa kịp chào tôi. Đất nước hòa bình, mẹ nghĩ nó đi nghĩa vụ vài năm rồi về, ai ngờ nó hy sinh. Từ đấy đến chừ mỗi lần mặc áo hoặc đi ngủ là nhớ con da diết. Thôi, dẫu sao con cũng ra đi vì biển đảo, mẹ thế mà cũng thỏa lòng”.

Nói rồi mẹ mân mê phần cổ áo còn lại trên chiếc gối đầu mà rơm rớm nước mắt. “Mẹ chưa bao giờ tới được Trường Sa nhưng mẹ biết đó là quê hương thứ hai của mẹ vì nơi đó có máu xương con mình, có “nhúm ruột” mẹ gửi gắm nơi đó. Mẹ gọi nó là đứa con Trường Sa của mẹ!”, mẹ Trương Thị Ngò rơi nước mắt nói.

Có những điều không người mẹ nào ngờ, nhưng những giây phút này đã trở thành cuối cùng và mãi mãi. Cái ngày con của các mẹ lên đường, có mẹ còn bận gánh rau hành tất tả mưu sinh, có mẹ đau bệnh không được gặp để động viên tiễn biệt, dặn dò...

Đó cũng là cái lần đứa con ấy đã rời quê đi mãi không về. Các anh vẫn còn thiếu mẹ một lời chào từ biệt. Nhưng mẹ anh không trách, bởi còn gì thiêng liêng hơn khi con mình đã ngã xuống vì Tổ quốc của tất cả chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biển mang dáng hình những đứa con của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO