Bắt đầu sàng lọc tập đoàn kinh tế

PHẠM THÀNH SƠN/DNSGCT| 20/10/2012 08:37

Phải chăng đây là hồi chuông mở đầu, đánh dấu sự thất bại được báo trước của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước sau một thời gian không phát huy thế mạnh như mong muốn và nay chúng ta đang quay trở lại với cơ chế bộ chủ quản một thời bị phê phán.

Bắt đầu sàng lọc tập đoàn kinh tế

Hai thí điểm Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, thường được gọi là Tập đoàn Sông Đà (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) đã không còn tồn tại sau một quyết định của Thủ tướng ký ngày 2/10 vừa qua.

Đọc E-paper

Quyết định này cũng giao Bộ Xây dựng thành lập Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại các công ty mẹ và các đơn vị thành viên của hai tập đoàn trên.

Phải chăng đây là hồi chuông mở đầu, đánh dấu sự thất bại được báo trước của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước sau một thời gian không phát huy thế mạnh như mong muốn và nay chúng ta đang quay trở lại với cơ chế bộ chủ quản một thời bị phê phán.

Một trong những tàu lớn của Tập đoàn Vinalines

Bảy năm trước đây, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam là thí điểm đầu tiên được thành lập vào ngày 26/12/2005 và từ đó đến nay tổng cộng đã có 13 tập đoàn kinh tế được thành lập.

Nay với quyết định vừa qua của Thủ tướng, số đơn vị còn lại là 11 và dự kiến trong thời gian tới chỉ còn từ năm đến sáu tập đoàn, nghĩa là sẽ có từ bảy đến tám tập đoàn được trả về cho Bộ chủ quản.

Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ - công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.

Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được hình thành chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty nhà nước theo quyết định của Chính phủ.

Về nguyên tắc, tập đoàn là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, có vai trò chủ đạo, hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý.

Nhà nước là chủ sở hữu của TĐKTNN, Chính phủ thống nhất thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ và đối với phần vốn nhà nước tại các tập đoàn.

Thủ tướng quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn; giao bộ quản lý ngành, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hội đồng quản trị tập đoàn thực hiện một số quyền của chủ sở hữu theo pháp luật hiện hành, theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn.

Thế nhưng, chính hành lang pháp lý không rõ ràng đã tạo điều kiện để các tập đoàn mở rộng hoạt động ra nhiều lĩnh vực khác nhau, được khoác dưới màu áo kinh doanh đa ngành mà thời điểm đỉnh cao là trong giai đoạn 2005-2008.

Với tham vọng trở thành các “chaebol” của Việt Nam, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện đầu tư đa lĩnh vực, ngành nghề, trong đó các lĩnh vực hấp dẫn nhất giai đoạn này là chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính…

Điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)…

Ngày 7/3/1994 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 90 và 91 thành lập các tổng công ty nhà nước, đến năm 2005 thì một số tổng công ty được tổ chức thành tập đoàn kinh tế.

Đến năm 2011 có 13 tập đoàn kinh tế và 96 tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

Danh sách các tập đoàn kinh tế nhà nước cho đến năm 2011 gồm:

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)
- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
- Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)
- Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)
- Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt)
- Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)
- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
- Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD Holdings)
- Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC)
- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Chỉ không bao lâu, hàng chục nghìn tỉ đồng của các tập đoàn đầu tư ngoài ngành quá đà đã bị cuốn vào vòng xoáy của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, gây thất thoát vốn, tạo gánh nặng nợ xấu cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế.

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, quản lý và sử dụng nguồn vốn của 21 tập đoàn và tổng công ty nhà nước được kiểm toán.

Một số tập đoàn, tổng công ty bị lỗ, kết quả kinh doanh giảm mạnh so với năm 2009.

Điển hình, EVN lỗ hơn 8.400 tỉ đồng về lợi nhuận trước thuế năm 2010, tổng tài sản - nguồn vốn giảm gần 7.790 tỉ đồng, thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách nhà nước tăng 102 tỉ đồng.

Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của các TĐKTNN đã lên tới 218.738 tỉ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) với 72.300 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) đứng thứ hai với 62.800 tỉ đồng, thứ ba là Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản (TKV) với 20.500 tỉ đồng, kế đến là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với 19.600 tỉ đồng.

Trong đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước” mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện đã đề cập khá chi tiết về tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, cũng như phân tích những điểm tồn tại và những vấn đề mà quá trình tái cơ cấu phải xử lý.

Theo đó, thực trạng tài chính ở không ít tập đoàn rất yếu kém, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính và có tình trạng thua lỗ kéo dài.

Tình trạng kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất cùng các sai phạm về quản trị, tham ô, tham nhũng thể hiện điển hình ở hai vụ án Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Sau vụ nợ nần, thua lỗ lên tới con số kỷ lục của Vinashin năm 2010, một bản sao tương tự lại thể hiện ở Vinalines.

Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin thì Vinalines được chỉ định tham gia nhận một phần tài sản của đơn vị trên với kỳ vọng sẽ giúp sức vực dậy một Vinashin trên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra ở Vinalines với khoản nợ trên 36.000 tỉ đồng, riêng năm 2010 lỗ gần 1.300 tỉ đồng, thì vụ việc đã rất nghiêm trọng.

Ở vụ án này, theo cơ quan điều tra, các bị can đã lợi dụng dự án mua tàu chở dầu cũ ở Công ty Vận tải Biển Đông thuộc Vinalines để tham ô tài sản bằng cách thông đồng, lập dự án, ký khống hợp đồng thanh toán, nâng khống hàng tỉ đồng để chiếm hưởng cá nhân.

Một trong những sai phạm gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng ở Vinashin trước đây, có việc tập đoàn này mua về những con tàu cũ không sử dụng; thì nay kết luận của Thanh tra Chính phủ ở Vinalines cho thấy tổng công ty này cũng mua 17 con tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam.

Đáng lưu ý là con tàu mang tên Lively Falcon, đã 30 tuổi, vẫn được Vinalines mua về và đăng ký treo cờ nước ngoài.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ chỉ giữ lại những tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh, có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế như năng lượng, dầu khí, viễn thông…

Số còn lại chắc chắn sẽ xem xét cắt giảm dựa trên sự cần thiết và hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn.

Nhiều dự đoán cho rằng có thể Chính phủ sẽ duy trì các tên tuổi như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT).

Trong các tập đoàn này, EVN đang làm ăn thua lỗ nhưng vị thế lại khá chắc chắn vì điện là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế cũng như an ninh quốc phòng.

Các tập đoàn kinh tế hiện nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng số vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khối doanh nghiệp nhà nước.

Sự cáo chung của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề cấp thiết liên quan đến mục tiêu, hoạt động và tổ chức các TĐKTNN mà trong đợt tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần được giải quyết sớm.

- Về vấn đề quản lý, việc các Bộ trực tiếp quản lý tập đoàn như lâu nay là trái với quy định của luật pháp, theo đó thì tập đoàn cũng như tổng công ty đều phải có nhiều chủ thể quản lý và chịu trách nhiệm nhất định. Tập đoàn cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của Luật Doanh nghiệp.

- Về hoạt động, tập đoàn lâu nay đa phần hoạt động không hiệu quả, do vậy phải hạn chế tham gia các hoạt động ngoài ngành. Một số liệu công bố cách đây không lâu cho thấy doanh nghiệp nhà nước bỏ ra 13 đồng vốn mới thu được 1 đồng tăng trưởng (chỉ số ICOR) trong khi để có 1 đồng tăng trưởng khối tư nhân chỉ cần 0,5 đồng.

Về quyền hạn, Hội đồng quản trị tập đoàn do Thủ tướng bổ nhiệm với nhiều quyền năng lớn đã tạo ra hàng rào vô hình với chính cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm trực tiếp nguồn vốn lớn và có quyền quyết định đầu tư hay không, còn cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành dù được giao nhiệm vụ trên giấy tờ nhưng lại không thể kiểm soát được tình hình ở tập đoàn, đó là môi trường nảy sinh các tiêu cực, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi hết sức nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt đầu sàng lọc tập đoàn kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO