Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: một thế kỷ giữ gìn văn hóa

HỒNG BÍCH| 06/04/2018 04:59

Cho đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bảo tàng có giá trị cao nhất về kiến trúc, điêu khắc còn lại của một nền văn hóa từng hiện diện tại miền Trung Việt Nam hàng nghìn năm.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: một thế kỷ giữ gìn văn hóa

Hơn một trăm năm trước, một công chức người Pháp tên là Charles Lemire sống và làm việc tại miền Trung đã mê say theo các đoàn khảo cổ đến những tháp Chăm rải rác ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận. Với hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa và là người có quyền hạn, ông Charles Lemire cho chở những hiện vật điêu khắc về văn hóa tôn giáo Chăm đang ở tình trạng hoang phế về tập trung trong một khu vườn bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng ngày nay.

Công việc của ông được sự ủng hộ của các chuyên gia Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và họ cử người xây dựng bảo tàng điêu khắc Chăm dựa trên nghiên cứu và sưu tầm hiện vật của Charles Lemire, trở thành trung tâm lưu trữ và nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Công trình được thiết kế theo phong cách cổ điển châu Âu pha trộn đường nét của kiến trúc Chăm, đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp mà không có đợt trùng tu nào dám thay đổi kết cấu chính của nó. Và đây là bảo tàng điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới, mặc dù tại nhiều bảo tàng ở châu Âu cũng có phần chuyên đề trưng bày văn hóa Chăm nhưng ở quy mô nhỏ và không đầy đủ như bảo tàng tại Đà Nẵng. 

Trong những ngày đông giá khi hàng cây sứ trong bảo tàng hơn trăm tuổi rụng hết lá, hay những ngày hè oi bức có khi nóng đến gần 400C, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vẫn đông đúc du khách nước ngoài. Những hiện vật từng bị lãng quên nhiều thế kỷ chìm lấp trong rừng già, dưới bóng những tòa tháp Chăm nghiêng đổ, bị tàn phá bởi chiến tranh đã hiển hiện trong Bảo tàng.

Bởi vậy, nhiều bức tượng Chăm trưng bày nơi đây chỉ còn bệ và thân tượng, phần đầu đã bị cưa cụt và trôi dạt khắp thế giới. Trong số 300 hiện vật được trưng bày có 146 hiện vật điêu khắc đá (có niên đại từ thế kỷ VII - XIV).

Có những hiện vật như tượng thần Brahma thế kỷ XI - XII, nhóm tượng An Mỹ, chim thần Garuda thế kỷ X, trụ cửa thế kỷ XI - XII, bia ký và nhóm trang trí kiến trúc thế kỷ XI - XII. Bộ sưu tập phong phú về loại hình, từ văn bia Quá Giáng đến các đài thờ, tượng nam thần, nữ thần, bò thần Nadin, rắn thần Naga hay thần Silva... đều là những tác phẩm điêu khắc có giá trị độc đáo và đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

IMG-0535-4898-1522813465.jpg

Nếu nói về văn hóa du lịch, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một kho báu mà Đà Nẵng đang giữ, đến mức từng có chuyện buồn cười là khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đã có nhiều quan chức đòi chia đôi số hiện vật này cho hai địa phương để đảm bảo công bằng.

May mắn cho số phận của Bảo tàng là đã có những lãnh đạo sáng suốt quyết định giữ nguyên quy mô và số hiện vật đó thay vì chia theo kiểu "sở hữu địa phương", bởi nó là giá trị văn hóa của nhân loại. Cũng có lần các chuyên gia về văn hóa Chăm lo ngại khi biết một số hiện vật bị đe dọa do phần cốt thép để giữ cố định từ ngày đầu trưng bày cách nay gần trăm năm đã han rỉ. Một số tượng đã bị nứt từ bên trong.

Chúng tôi từng chứng kiến những phương án bảo vệ hiện vật với sự tham gia của các chuyên gia trên thế giới đến Việt Nam giúp phục chế những bức tượng đá sa thạch, rồi những đợt trùng tu hiện vật để giúp người xem có cái nhìn tổng thể về thành tựu văn hóa điêu khắc

Chăm. Rồi số phận Bảo tàng Chăm chưa yên khi Đà Nẵng mở rộng những con đường sát bảo tàng. Nhiều chuyên gia lo ngại lưu lượng xe qua lại tạo độ rung tác động lên hiện vật, mà vấn đề này đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục  trong khi lượng xe đã tăng lên nhiều lần so với cảnh báo đưa ra vào năm 2000.

TS. Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết, những chương trình hướng về mục tiêu hiện đại hóa hoạt động và bảo vệ Bảo tàng đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai. Phần trưng bày đã được mở rộng. Các phương án bảo vệ ngày càng hiện đại để chống trộm cắp.

Du khách đến tham quan chắc khó tưởng tượng được rất nhiều hiện vật của Bảo tàng trong quá trình gửi đi tham dự các triển lãm ở Pháp và Bắc Âu từng được các công ty bảo hiểm trên thế giới nhận bảo hiểm lên đến vài triệu USD cho một hiện vật.

Giá trị của các hiện vật điêu khắc Chăm trên thị trường cổ vật còn lớn hơn tiền bảo hiểm vận tải nói trên rất nhiều lần, như bức tượng đồng Bồ tát Tara có niên đại cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, xuất xứ từ Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) có chiều cao 114 cm.

Đây là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen. Bức tượng này đã được trưng bày trong nhiều triển lãm tại những bảo tàng danh tiếng nhất châu Âu với số tiền bảo hiểm 2 triệu USD. Sau khi trở về, bức tượng đồng Bồ tát Tara nằm trong chương trình trưng bày mới của Bảo tàng, đã được hàng triệu lượt du khách chiêm ngưỡng.

Giá trị vật chất cũng chỉ là cách định giá tượng trưng khi buộc phải có những hợp đồng bảo hiểm cụ thể để đưa những hiện vật quý giá này ra thế giới, nhưng đó là những hiện vật vô giá vì là đại biểu cho một nền văn hóa nay không còn.

Nếu du khách đã tham gia tour Hành trình di sản miền Trung, đã từng nghiên cứu lịch sử của các vương triều Chămpa, hoặc đã đến những đền tháp rải rác ở Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận thì có cách nhìn Bảo tàng khác với những vị khách chỉ chiêm ngưỡng hiện vật tại đây.

Chúng tôi phát hiện ra điều đó khi một lần trở lại thăm Bảo tàng sau chuyến khảo sát tháp cổ Chiên Đàn ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam: những hiện vật của Chiên Đàn trưng bày tại Bảo tàng - nơi những triều đại gửi gắm niềm tin chiến thắng của các cuộc binh đao, của mở rộng bờ cõi và ước mơ hòa bình làm chúng tôi xúc động hơn.

Ba trăm nghìn lượt khách quốc tế, chủ yếu là khách Âu, Mỹ đến tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng mỗi năm - con số lớn nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, cho thấy vị trí quan trọng của nó.

Những hiện vật văn hóa này có sự gắn kết với lịch sử khá hào hùng của một dân tộc. Lịch sử đó cũng gắn kết chặt chẽ với lịch sử của người Việt. Nếu như khi tham quan Bảo tàng được xem những đoạn phim giới thiệu lịch sử các vương triều Chămpa trong mối tương quan lịch sử của khu vực, hẳn sẽ làm khách Việt Nam có nhiều cảm xúc hơn, trân trọng hơn những hiện vật còn lại nơi này, dẫu chưa nhiều người đến tham quan một kho tàng văn hóa vô giá ngay trên đất nước mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: một thế kỷ giữ gìn văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO