Bàn về kinh tế chia sẻ từ tranh cãi về Uber, Grab

NGỌC ANH/DNSGCT| 26/07/2017 00:08

Thế giới ngày nay chuyển biến liên tục trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong hoạt động kinh tế, điều này khiến một nhà nước kiến tạo phải tìm cách thích ứng bằng...

Bàn về kinh tế chia sẻ từ tranh cãi về Uber, Grab

Cuộc chiến pháp lý đan chen yếu tố cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống với hoạt động kinh doanh vận tải của Uber và Grab phải chăng sắp đến hồi kết thúc khi vừa qua hai bộ Công thương và Tài chính đã lên tiếng, theo đó mọi chuyện đều nằm trong vòng quản lý và có thể giải quyết dễ dàng. Tất nhiên điều này có thể vượt ra ngoài dự đoán nếu Vinasun và Mai Linh vẫn kiên trì quan điểm và đẩy vấn đề đi xa hơn, nhân danh đời sống của hàng chục ngàn tài xế taxi.

Đọc E-paper

Điều vướng mắc duy nhất mà văn bản mới đây của Bộ Giao thông Vận tải nêu ra là yêu cầu ngưng dịch vụ đi chung xe Grabshare và Uberpool vì tỏ ra bất lợi cho các hãng taxi truyền thống, mặc dù các nước tiên tiến vẫn khuyến khích bởi tiết giảm chi phí cho khách hàng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm lưu lượng phương tiện giao thông.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm nếu có đăng ký và tuân thủ các quy định của luật pháp.

Còn Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào các quy định hiện tại, đã có hướng dẫn nghĩa vụ thuế trị giá gia tăng (TGGT) trên doanh thu được hưởng là 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên doanh thu được hưởng là 2%. Mức thuế đối với các cá nhân ký kết hợp đồng là 3% (GTGT) và 1,5% (TNCN). Theo Bộ Tài chính, chuyện taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế và phí cao hơn Uber và Grab là không đúng.

Các cuộc tranh cãi và giải thích kéo dài nhiều năm có thể xuất phát từ một thuật ngữ được bàn luận thường xuyên trên các diễn đàn thương mại điện tử, đó là “kinh tế chia sẻ” (sharing economy), có sự hưởng ứng của giới nghiên cứu lẫn doanh nghiệp. Đây là mô hình kinh doanh có khả năng mang lại siêu lợi nhuận cùng với lợi ích chung của xã hội.

>>Tranh cãi về Uber và grab: Nhìn về khía cạnh người tiêu dùng

Hiểu một cách đơn giản kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mà người tiêu dùng có thể tận dụng những nguồn lực dư thừa của nhau thông qua việc thuê mướn. Cá nhân có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì đang không sử dụng như xe cộ, nhà cửa, kể cả nhà máy, thông qua các công ty kết nối bằng internet, mà bên thuê và bên cho thuê biết rõ thông tin của nhau.

Với mô hình này, nhiều người sẽ không cần phải mua những thứ có thể thuê, chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ tài sản chưa tận dụng, đó là chưa kể tạo ra những hiệu ứng tích cực về môi trường nhờ tiết kiệm tài nguyên trong xã hội. Qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển vững chắc, đi vào đời sống của người tiêu dùng khắp thế giới. Hiện nay, đi du lịch sang các nước châu Âu hay Mỹ, chúng ta có thể đặt thuê ngắn hạn phòng trọ hoặc xe hơi của người bản địa chỉ cần thông qua kết nối với một công ty làm dịch vụ này.

Ở nước ta, kinh tế chia sẻ chưa được phát triển nhưng theo khảo sát của Công ty Nielsen vừa được công bố thì đây là một tiềm năng. Cứ 4 người Việt được hỏi thì 3 người cho biết thích ý tưởng về mô hình này, 76% cho biết sẵn sàng tham gia.

Uber, Grab (vận tải) cũng như Airbnb (cho thuê nhà và phòng ngủ) đang có mặt ở Việt Nam thuộc mô hình kinh tế chia sẻ vốn đã rất phổ biến ở các quốc gia.

Thế giới ngày nay chuyển biến liên tục trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong hoạt động kinh tế, điều này khiến một nhà nước kiến tạo phải tìm cách thích ứng bằng những hình thức quản lý linh hoạt vì mục đích phát triển đất nước và lợi ích của người dân thông qua luật pháp. Tư duy lối mòn điều gì không quản lý được thì cấm đã quá lỗi thời, không cho chúng ta tiếp cận với những tiến bộ của thế giới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bước một chân vào nước ta trong chừng mực có thể xáo trộn một số hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bàn về kinh tế chia sẻ từ tranh cãi về Uber, Grab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO