Băn khoăn trước một đề thi

BÍCH HỒNG| 14/07/2018 03:29

Năm nay, những thanh niên 18 tuổi, sinh năm 2000, tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với một phần trong đề thi môn ngữ văn yêu cầu các em trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất đai của đất nước trong cuộc sống hiện nay.

Băn khoăn trước một đề thi

Nhiều người cho rằng đó là yêu cầu khó. Khó ở chỗ các em học quá nhiều lý thuyết trong 12 năm học và đến tuổi 18 cũng chỉ biết đất đai qua hình tượng vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các em sẽ viết thật hay về hình ảnh một Việt Nam với nền nông nghiệp lúa nước. Em nào cập nhật thời sự lắm thì cũng biết chút ít về những cơn sốt đất thành thị, lo lắng về những dải bờ biển thiên nhiên tươi đẹp đang bị khai thác quá mức và chưa có biện pháp bảo vệ môi trường.

Sau hai tuần nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm chuẩn, cũng là thời điểm những người trẻ sinh vào năm 2000 nhận được kết quả đánh giá đầu tiên về nhận thức của họ đối với xã hội, kết quả của một nền giáo dục phổ thông.

Có lẽ không cần phải quá lo lắng đề khó hay dễ, mà nên để cho tuổi trẻ tập nhìn nhận bản thân qua một cuộc thi, chứ đừng bực mình đề thi không giúp các em có điểm số đẹp để bước vào giảng đường đại học và cao đẳng. Điểm là khái niệm tương đối, và mặt bằng điểm là lời cảnh báo các em cần tiếp tục hoàn thiện bản thân bằng học tập để mai sau vững bước vào đời.

Người Việt mỗi năm tiêu tốn nhiều tỷ đô la đưa con em ra nước ngoài học tập. Những du học sinh vất vả lấp chỗ trống về các vấn đề xã hội mà từ trong nước chỉ thuộc làu lý thuyết chứ không cập nhật thực tế. Có sự lệch pha rất lớn trong nhận thức tiếp cận giáo dục từ trong và ngoài nước.

Có lần tôi nghe một đạo diễn người Pháp kể chuyện ông đến giảng cho một số sinh viên làm phim người Việt. Ngày đầu tiên, sau mươi phút khai giảng, họ đã phải ra đường quay những thước phim cho bài tập đầu tiên. Và khi xem bài tập của trò, ông thầy người Pháp đã nổi trận lôi đình: "Tại sao các anh dám nộp cho tôi những thước phim hoàn thiện này?".

Đó là những thước phim đã được biên tập, dựng lại khá "sạch sẽ”. Tất cả học trò đang muốn chứng tỏ cho thầy thấy trình độ của họ và việc đầu tiên họ làm là che giấu những khiếm khuyết bằng tiểu xảo. Người thì nhờ những người quay phim lâu năm thực hiện cho... ngon lành, người thì tự quay đoạn phim ngắn xong bỏ công đi nhờ các kỹ thuật viên dàn dựng lại về kỹ thuật, tự biên tập lại những chi tiết thừa để tạo ra những thước phim mà ông thầy mỉa mai là "hoàn thiện".Họ tưởng ông thầy ấy sẽ tiếp nhận "mặt bằng" cao mà họ cố tạo lập để đứng lên đó khi bắt đầu học.

Nhưng ông thầy người Pháp có lý lẽ khác: "Các anh cố che giấu sự yếu kém bằng tiểu xảo như thế thì làm sao tôi có thể hiểu rõ sự yếu kém đó để cùng các anh rút kinh nghiệm và vạch một kế hoạch tiếp cận kiến thức tốt nhất trong khóa học này".

Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học nên thực hiện với tinh thần đó. Nên có cách đánh giá để bản thân các em bước vào đời với sự nhận diện đúng khả năng của mình, không ảo tưởng. Đó cũng là đánh giá chất lượng của chính đội ngũ giáo viên, đánh giá công việc của những người biên soạn sách giáo khoa và nhìn toàn cảnh bộ mặt cũng như chất lượng giáo dục phổ thông qua những con số mà chúng ta thường gọi là "tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông".

Dư luận thay vì bực bội vì đề thi ra khó, hãy biết đau đớn vì hiện tượng cử nhân, thạc sĩ ra trường ôm bằng đi khắp nơi không tìm được việc làm mà lý do phần lớn là khả năng của họ không tương xứng với cái bằng họ đạt được, không làm được việc. Cảm thấy buồn và tiếc vì các em đã dành cả tuổi thanh xuân quý giá để theo đuổi bằng cấp, theo đuổi một chỗ đứng ngay từ đầu đã được tô vẽ lung linh làm cho khó nhận ra những giá trị thật và rồi vô cùng khó khăn trên con đường phải bước tiếp! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Băn khoăn trước một đề thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO