Bài học về kích cầu của Philippines

09/07/2013 04:12

Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay trở lại, bài học của Philippines là rất đáng tham khảo.

Bài học về kích cầu của Philippines

Trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ quay trở lại, bài học của Philippines là rất đáng tham khảo.

Lại kích cầu?

Lạm phát khiến giá cả hàng hóa tăng luôn là nỗi lo của các nhà quản lý

Báo VnEconomy cho biết trong một bản báo cáo gửi đến Chính phủ mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng đã đến lúc cần nới lỏng đầu tư công hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ủy ban cho rằng, thị trường tài chính, tiền tệ hiện đã chuyển biến tích cực với 3 nhân tố:

(i) Thanh khoản trên thị trường tiền tệ và của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt

(ii) Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các hạng mục rủi ro cao và tăng tỷ trọng các hạng mục rủi ro thấp và (iii) Quỹ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng được tăng cường.

Trên cơ sở đánh giá đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt và nhiều khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% của năm 2013, trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013 bằng những giải pháp mạnh hơn nữa nhằm tạo cầu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, những đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là thiếu thuyết phục, khi mà hệ thống ngân hàng đang có tỷ số nợ xấu rất cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước nợ nần cao và nằm trong tình trạng phá sản, đồng thời nợ công cũng đã ở mức rất cao.

Việt Nam đã 2 lần “kích cầu” vào các năm 2008 và 2010, mà nhiều hậu quả của nó đối với nền kinh tế đến nay vẫn chưa xử lý được. Nếu lại “kích cầu” theo kiến nghị của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì có nhiều khả năng lạm phát sẽ quay trở lại.

Vấn đề lạm phát

Lạm phát 2013 của Việt Nam
Tháng 1: 7,1%
Tháng 2: 7,0%
Tháng 3: 6,6%
Tháng 4: 6,6%
Tháng 5: 6,4%
Tháng 6: 6,7%

Lạm phát của Việt Nam hiện ở mức 6-7%/năm, một con số không phải là thấp so với chuẩn mực của thế giới. Muốn phòng chống lạm phát và thay đổi tâm lý kỳ vọng của dân chúng, vốn có hại cho sự ổn định của nền kinh tế, thì chính sách của Nhà nước phải cương quyết và mang tính dài hạn, đó là không chấp nhận lạm phát cao.

Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát lại đang ngóc cổ dậy. Lạm phát ở Việt Nam tuy có giảm tính từ đầu năm 2013, nhưng vào tháng 6 lại có khuynh hướng tăng trở lại. Vào tháng 6, tốc độ lạm phát năm là 6,7% so với tháng trước là 6,4%.

Đây là mức lạm phát tính theo năm, tức là so với cùng kỳ năm trước, để tránh những ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ, thí dụ như khi có mưa thì xây dựng giảm và giá vật liệu xây dựng cũng có thể giảm, hoặc không tăng.

Xin nói thêm, lạm phát chắc chắn sẽ đi lên vì vụ điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD mới đây. Việc “phá giá ở mức độ thấp” nhằm đẩy mạnh xuất khẩu như thế, vào lúc lạm phát tương đối thấp, là có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có chính sách tiền tệ phù hợp để kéo tiền trở lại ngân hàng, bởi nếu không, lạm phát sẽ trở lại. Công cụ để NHNN thực hiện điều này có lẽ rất hạn chế.

Nói “có lẽ” vì NHNN không công bố bảng cân đối tài sản. NHNN chỉ có thể thu tiền về nếu có trái phiếu nằm trong tích sản để bán ra.

Trong lúc “phá giá ở mức độ thấp” như thế mà lại chạy theo đề nghị của các tỉnh đòi kích cầu và kích tín dụng thì khó tránh việc lạm phát trở lại. Thêm nữa Ủy ban Tài chính Quốc gia lại cũng đề nghị Chính phủ tăng chi tiêu công để đẩy mạnh tăng trưởng GDP, thì dường như “bổn cũ đang được lặp lại”.

Kinh nghiệm của Philippines

Cách thức Philippines xoay chuyển tình hình trong thời kỳ khủng hoảng trên khắp thế giới vừa qua có thể là một bài học đáng tham khảo.

Bài học rất quan trọng là chính quyền Philippines đã tạo ra được niềm tin trong nhân dân. Người dân thấy rõ chính quyền muốn chống tham nhũng và quyết giữ ổn định nền kinh tế với lạm phát thấp.

Lạm phát ở Philippines là 4,6% năm 2011; 3,2% năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 là dưới 2%/năm.

GDP của Philippines là 224 tỷ USD, gần gấp đôi Việt Nam, với dân số chỉ cao hơn 8%. GDP của Philippines tăng 7,6% năm 2010; 3,9% năm 2011 và 6,6% năm 2012. Qúy I năm 2013 GDP tăng 7,8% và khả năng cả năm 2013 tăng trên 8%.

Có thể thấy Philippines đã không kích cầu, hoặc bằng mọi cách kích tỷ lệ đầu tư, khi GDP chỉ tăng 3,9% trong năm 2011. Tỷ lệ đầu tư ở Philippines từ lâu đã khá thấp, thậm chí rất thấp, như năm 2012 chỉ là 19% GDP và trước đây chỉ có 15% GDP, còn ở Việt Nam là 30-40%.

Chi tiêu của Chính phủ cũng thấp, dưới 18% GDP, còn Việt Nam là 30% GDP.

Cho đến nay Philippines cũng không đặt nặng vấn đề lôi kéo đầu tư nước ngoài và nhiều ngành nghề vẫn không mở cửa cho đầu tư nước ngoài, như giáo dục hay dịch vụ. Tổng đầu tư nước ngoài tính đến hết 2012 chỉ có 28 tỷ USD.

Trong khi ở Việt Nam chỉ tính riêng năm 2012, lượng đầu tư nước ngoài thực hiện đã là 10,4 tỷ USD.

Rõ ràng kinh tế Philippines đã bắt đầu tăng tốc, mà không cần đầu tư ồ ạt hoặc tăng mạnh chi tiêu của Nhà nước. Mới đây Chính phủ Philippines có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD trong nhiều năm vào hạ tầng cơ sở, như cầu cống, nhà máy điện, nhưng con số này thực ra không phải là nhiều, nhất là so với Việt Nam.

Như vậy có thể thấy sự khởi sắc của nền kinh tế Philippines bắt nguồn từ sự tin tưởng của người dân vào chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách chống tham nhũng. Đầu tư của tư nhân đã tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, tăng tới 32% trong 3 tháng đầu năm 2013.

Philippines là một trong những nước xuất khẩu nhiều lao động. Lượng kiều hối mà người lao động Philippines chuyển về khá cao, khoảng 20 tỷ USD/năm. Trước đây, người Philippines để lại một phần ở nước ngoài, còn lại gửi về cho gia đình, chủ yếu là để tiêu xài, thay vì đầu tư.

Đây là điều khá bất ngờ khi tôi giúp Ngân hàng Trung ương Philippines xây dựng ma trận luồng tài chính chuyển vận giữa các khu vực thể chế.

Khi đó tôi đã đặt vấn đề, chỉ cần người dân Philippines chuyển các khoản chi tiêu này vào đầu tư và chỉ cần hệ thống ngân hàng Philippines thu hút được tiền kiều hối để chuyển vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, thì nền kinh tế Philippines sẽ khác hẳn. Dường như Philippines đang làm được chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học về kích cầu của Philippines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO