Áp lực trên vai người trẻ

HỒNG BÍCH| 06/08/2016 01:34

Khi bước qua tuổi 35, bạn mới bắt đầu hành trình quay lại tuổi trẻ, mới thấu hiểu tuổi trẻ đẹp như thế nào, tự do đến thế nào.

Áp lực trên vai người trẻ

Khi bước qua tuổi 35, bạn mới bắt đầu hành trình quay lại tuổi trẻ, mới thấu hiểu tuổi trẻ đẹp như thế nào, tự do đến thế nào. 

Đọc E-paper

Nói vậy để thấy giá trị của tuổi trẻ không chỉ là gương mặt phơi phới, ánh mắt long lanh, mà còn ở những giá trị tinh thần không sợ hãi, không sợ mất mát, tự do làm nên sức mạnh. Nhưng có bao nhiêu người trẻ nhìn thấy rõ chân giá trị của năm tháng thanh xuân họ đang tận hưởng?

Ở đâu cũng thấy những ánh mắt lo âu về việc làm, về lập gia đình, về sự thành đạt. Và phía sau tuổi trẻ của họ chính là gánh nặng "còn trẻ quá, làm sao dám tin tưởng giao cho việc này, việc nọ được".

Chúng ta ngưỡng mộ những tấm gương con nhà nghèo vượt khó, như thủ khoa đại học đã hai năm liền phải sống gần bãi rác... Tức là những chuyện vô cùng hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, được dư luận ca ngợi. Nhưng nếu một cô gái sau một tháng tốt nghiệp đại học, đi bán hàng đã được đưa vào vị trí tổ trưởng quản lý năm cô gái khác thì lập tức chúng ta sẽ bảo là "trẻ quá, làm sao có kinh nghiệm quản lý”.

Còn nữa, ta sẽ ngần ngừ, không muốn bỏ tiền mua vé xem một đêm trình diễn thời trang khi chỉ nhìn thấy những cái tên nhà thiết kế trẻ chưa kịp xây dựng thương hiệu.

Chúng ta thích không khí trẻ trung, nhưng không muốn giao công việc, niềm tin vào tay những người trẻ. Tôi nhiều lần nhìn thấy người trẻ lặng lẽ vượt qua định kiến làm công việc của mình. Có dịp ghé thăm một làng thủ công mỹ nghệ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp những gương mặt trẻ trung còn trụ lại với cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ này.

Một kỹ sư trẻ đã không ngần ngại bỏ việc ở một nhà máy của Nhật để về làng sống với tre. Từ những sản phẩm mỹ nghệ nho nhỏ ban đầu, giờ anh đã được gọi là "vua xe đạp tre" với những chiếc xe đạp bán cho du khách có giá đến một nghìn đô la. Thế nhưng, tiếp thị cho thương hiệu phải là một nghệ nhân già, người cả đời chỉ sống bằng việc sản xuất những món đồ lưu niệm nhỏ như gạt tàn thuốc lá.

Một người trẻ khác đã trở thành ông chủ của chuỗi cửa hàng mỹ nghệ gỗ tại quận 3, TP.HCM chỉ với những sáng kiến làm hàng lưu niệm từ gỗ vụn. Ấy vậy mà rất khó dỡ bỏ định kiến về người trẻ trong làng thủ công mỹ nghệ.

Nhiều lần chúng tôi tìm về làng mỹ nghệ đá Non Nước, trong khi các nghệ nhân trẻ đã thành công với mô hình xây dựng điểm đến mua hàng mỹ nghệ thì những người khách khó tính nhất vẫn tìm hiểu về những người thợ già nhất làng để đặt hàng làm tượng Phật.

Nguyên nhân được lý giải là làm tượng Phật thì phải tĩnh tâm, ăn chay niệm Phật, không thể đưa máy móc và cá tính trẻ vào. Những mặc định già, trẻ như thế đã ít nhiều cản trở bước chân tiến lên của tuổi trẻ ở khắp nơi.

Chúng ta đang nắm giữ một "quy trình" trưởng thành vô cùng lạc hậu và hoài phí năng lực của người trẻ. Tôi từng xem dự án biểu diễn áo dài dân tộc khi còn nằm trên giấy và đang đi tìm nhà tài trợ. Toàn bộ dự án toát lên quan điểm chỉ sử dụng những tên tuổi được hình thành từ quá trình hoạt động 30 - 50 năm trong nghề, chỉ có các người mẫu là trẻ.

Tôi cũng không hiểu tại sao người trẻ lại bị loại khỏi một sân chơi thú vị với khao khát đưa giá trị áo dài ra thế giới. Bởi nếu không phải là người trẻ hiểu rõ những giá trị truyền thống và đưa ra thế giới thì hành trình giữ gìn và phát huy những giá trị ấy làm sao có thể thành công?

Tôi bỏ công tìm kiếm những nhà thiết kế áo dài trẻ tuổi và vô cùng ngạc nhiên khi thấy họ vẫn cần mẫn tự đầu tư tài chính cho các chương trình biểu diễn áo dài, làm cho đời sống thời trang ở các thành phố lớn sống động và tươi trẻ. Họ cũng đang phải gánh những áp lực của tuổi trẻ trên vai.

Tại một festival tơ lụa quốc tế tổ chức hồi tháng 3 năm nay tại Làng lụa Hội An, tôi đã nhìn thấy nhiều tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh, giám đốc truyền thông của các tập đoàn tơ lụa quốc tế chưa đến 30 tuổi. Những tập đoàn dám sử dụng người trẻ vào vị trí quan trọng với mong muốn người trẻ nắm bắt được nhịp đập của đời sống thời trang. Đó là những tập đoàn dệt may có kim ngạch xuất khẩu từ 1 - 9 tỷ đô la mỗi năm ở Trung Quốc - nơi có nền văn hóa căn bản giống Việt Nam, nhưng họ đã thay đổi để phát triển.

>Học cách chấp nhận tiếp biến văn hóa

>Nuôi dưỡng lòng tự trọng cho trẻ tuổi teen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực trên vai người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO