Áp lực cạnh tranh: thay đổi hay kêu ca?

HỒNG BÍCH| 03/11/2017 07:29

Không chỉ doanh nghiệp phải lo cạnh tranh, người lao động cũng phải đối mặt với vấn đề lao động tự do trong khối ASEAN kể từ năm 2018 trong nhiều lĩnh vực.

Áp lực cạnh tranh: thay đổi hay kêu ca?

Hôm rồi kêu taxi (tạm gọi là truyền thống) đi một quãng ngắn, thấy anh tài xế nặng trĩu tâm tư. Hỏi anh có giận đám tài xế Grab hay Uber chi không, ảnh nói cũng cảnh kiếm sống như nhau, làm nghề này cực như thế nào thì ai cũng quá hiểu, cớ gì giận nhau và ảnh chỉ thấy lo lắng cho tương lai thôi.

Đọc E-paper

Quả thật gần đây cũng có đi taxi truyền thống, thấy thái độ mấy anh tài xế tốt hơn trước đây rất nhiều, đã thường xuyên nói "cảm ơn, xin thông cảm". Thế nên hành khách cũng rất thông cảm và vui vẻ đưa thêm tiền tip, trong lòng cũng mong các hãng taxi truyền thống có cách tính toán đổi mới phương thức kinh doanh, đấu tranh dẹp bỏ sự bất bình đẳng trong kinh doanh để học được cái hay của taxi công nghệ và cạnh tranh sòng phẳng, đảm bảo cuộc sống của anh em tài xế.

>>"Cái chết" của ngành taxi truyền thống

Nhưng đó cũng là câu chuyện cần suy nghĩ. Không chỉ doanh nghiệp phải lo cạnh tranh, người lao động cũng phải đối mặt với vấn đề lao động tự do trong khối ASEAN kể từ năm 2018 trong nhiều lĩnh vực. Tuần qua chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh ông giám đốc công ty bán xăng đến từ Nhật Bản đứng trong mưa cúi đầu chào và cám ơn khách hàng đến đổ xăng. Dẫu biết đó là văn hóa của người Nhật nhưng trong thời mạng xã hội phổ biến như hiện nay thì hình ảnh ông giám đốc người Nhật đứng cúi chào khách hàng trong mưa đáng giá hơn cả triệu đô la bỏ ra quảng bá, việc tốt cũng lan truyền nhanh như điện và khách hàng chỉ mong được mua xăng của người Nhật bán với tâm lý hẳn người Nhật sẽ bán xăng tốt và không gian lận.

Cũng có người nói, cúi chào người mua xăng chưa phải là cái chúng ta mong đợi, giá như họ mang sang nước ta công nghệ bán hàng tự động, hiện đại, người mua hàng được cung cấp thông tin về chất lượng xăng, loại xăng và số lượng chuẩn giống như các nước hiện đại khác thì sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bán xăng ở Việt Nam phải xem xét và chấn chỉnh lại cung cách phục vụ.

Khách hàng muốn nhiều thứ lắm và tất cả đều là hồi chuông cảnh tỉnh những người lao động: đang có sự đổi mới trong công ăn việc làm của họ và sẽ có những thứ thay đổi rất nhanh, nếu họ không chuẩn bị toàn diện thì rất dễ bị tụt hậu, thiệt thòi. Dẫu hôm nay dư luận còn thương xót người bán hàng rong, còn ủng hộ, cảm thương các bác xe ôm và cánh tài xế taxi truyền thống, nhưng rồi quyết định tiêu dùng vẫn phải hướng về cái tốt, cái hiện đại, cái hợp lý.

Chúng ta chuẩn bị gì? Những người trẻ sẽ nghĩ đến ngoại ngữ, đến sự chăm chỉ và trung thành? Tất cả đều đúng nhưng chưa căn bản. Nhớ lại chuyện mười năm trước, khi Đà Nẵng xây dựng cầu vượt biển Thuận Phước, phần lớn công nhân xây dựng là người Trung Quốc. Và điều ngạc nhiên là mức lương công nhân của họ là 400 nghìn đồng/ngày, gấp ba lần thu nhập của công nhân người Việt. Tại sao vậy?

Chủ đầu tư phân tích cho chúng tôi nghe thấy khá hợp lý: "Họ có sức khỏe hơn hẳn, lượng công việc họ làm mỗi ngày nhiều gấp ba lần. Với công trình xây dựng ở cửa biển, họ có tinh thần tôn trọng kỷ luật như trong quân đội nên góp phần hạn chế tai nạn lao động ở mức thấp nhất, không bao giờ hút thuốc, làm việc cá nhân trong giờ lao động, luôn đảm bảo hoàn thành công việc. Đó là những điều bất cứ nhà thầu nào cũng mong muốn và không tiếc chi phí thuê họ để công trình hoàn thành đúng tiến độ”.

Lý giải này khiến chúng ta phải suy nghĩ, thể lực người Việt quá kém do chế độ ăn uống và thiếu tập luyện từ nhỏ, tính kỷ luật yếu, chưa kể còn có hiện tượng lấy cắp nguyên vật liệu tuồn ra ngoài bán. Chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận tâm lý luôn muốn nhận phần việc ít nhất trong tổng số công việc được giao. Điều này không hẳn do lười biếng, mà là kết quả từ sức khỏe, tính kỷ luật, sự rèn luyện bản thân.

Nỗ lực rèn luyện về thể chất, tinh thần kỷ luật cho lớp trẻ chưa đạt được kết quả tốt, bây giờ chúng ta lại phải hội nhập với thế giới, đối mặt với những ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý con người, vào phương thức kinh doanh.

Mới ngày nào chúng ta còn thấy người bán hàng rong ngoài chợ rao "quẹo lựa, quẹo lựa" rất vui tai, thì nay ta thích mua hàng trực tuyến tiện lợi. Mới ngày nào còn ngồi cà phê, trà lá trong giờ làm việc, thì nay dẫu có vắt chân lên cổ cũng không kịp thời hạn công việc đòi hỏi, không kiếm đủ thu nhập cho những nhu cầu hiện đại của bản thân và gia đình.

Vậy thì phải thay đổi hay cứ ngồi đó kêu ca?

>>Lao động Việt Nam: Giàu lực lượng, nghèo kỹ năng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực cạnh tranh: thay đổi hay kêu ca?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO