"Ăn cắp" quốc thể

PHI HOA - Đại học Osaka, Nhật Bản| 10/07/2014 07:28

Mới đây, tôi tình cờ tham gia vào việc phiên dịch cho một vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ăn cắp.

Mới đây, tôi tình cờ tham gia vào việc phiên dịch cho một vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ăn cắp.

Đọc E-paper

Em mới 19 tuổi, vừa sang Nhật được 2 tháng, bị kết tội là đồng phạm lấy cắp hai chai rượu trị giá hơn 2 ngàn yen (400 ngàn đồng) trong siêu thị. Cậu thanh niên Việt Nam này bị cảnh sát còng tay và tôi nghĩ cuộc thẩm vấn sẽ diễn ra căng thẳng vì cậu luôn miệng chối tội, rằng mình không biết gì hết!

Nhưng vị cảnh sát, tầm 50 tuổi, cứ kiên nhẫn giải thích cho em hiểu việc đồng phạm trong một vụ ăn cắp nhỏ nhưng có nguy cơ đánh mất cả tương lai, điều ông muốn không phải là bắt em mà muốn thấy sự dũng cảm nhận lỗi cũng như sự hướng thiện trong em.

"Anh nên suy nghĩ thật thấu đáo về việc này trước khi cố gắng chối tội vô ích, vì chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về vụ việc. Không thành khẩn chỉ khiến anh bị xử phạt nặng hơn mà thôi", vị cảnh sát vẫn nhẫn nại giải thích.

Cuối cùng, em tu nghiệp sinh nhận tội cũng như mong có sự nương nhẹ về hành vi bồng bột của mình. Tôi cũng giải thích thêm với mọi người trong cuộc thẩm vấn rằng mỗi tu nghiệp sinh sang Nhật thường phải trả một khoản tiền lớn (200 triệu đồng) và nếu bị cho về nước thì sẽ rất khó khăn để trả món nợ đó!

"Phải ý thức được rằng các bạn sang đây để lao động, kiếm tiền cho gia đình, tạo dựng sự nghiệp tương lai, nhưng đồng thời, các bạn còn phải mang cả niềm tự hào của đất nước mình.

Chỉ vì hành vi ăn cắp vặt như thế này mà bao người Việt Nam khác đang làm việc chăm chỉ cũng sẽ bị đánh đồng và dè bỉu", vị cảnh sát nghiêm khắc nhắc nhở "kẻ phạm tội" nhưng lại như đang nói chuyện với đứa con trai của mình.

Ông cứ nói đi nói lại về việc thanh niên phải có niềm tự hào về bản thân, để dũng cảm từ chối bị lôi kéo vào những việc xấu, để làm những việc tốt hơn cho gia đình và xã hội. Tôi thấy những giọt nước mắt của bạn tu nghiệp sinh. Nước mắt có lẽ không phải là nỗi sợ hãi, mà là sự tủi hổ và ân hận khi đã làm một việc rất xấu, không xứng đáng trước sự bao dung của những người tốt khác.

Để bớt căng thẳng, vị cảnh sát quay sang nói với tôi là muốn đưa cả gia đình sang Việt Nam du lịch vì nghe nói Việt Nam có rất nhiều phong cảnh đẹp, món ăn ngon... Khi ra về, ông nói với tôi rằng những người thực thi pháp luật như ông có hai nhiệm vụ chính. Một là truy bắt những kẻ phạm tội.

Hai là giáo dục người đã phạm tội không bao giờ tái phạm hoặc răn đe để người bình thường không phạm tội. Một xã hội giàu nhân bản và bình yên khi làm tốt việc khơi gợi và nhân lên những điều tốt, chứ không phải đóng sập cánh cửa tương lai của một thanh niên mới lớn vì hai chai rượu.

Báo chí Việt Nam gần đây cũng lên án nặng nề việc một số người Việt, trong đó có cả du học sinh, tiếp viên hàng không..., tham gia trộm cắp tại Nhật Bản. Rồi cả những chủ đề lớn với câu hỏi "Việt Nam làm được gì cho thế giới?".

Và câu chuyện của em tu nghiệp sinh khiến tôi càng mong muốn có cơ hội nói với những bạn sinh viên trẻ mới chập chững bước vào cánh cổng đại học, và chập chững bước vào đời: Chúng ta, những người Việt sống và học tập ở nước ngoài, dù không được ai trao sứ mệnh đại sứ du lịch, dù không được báo chí tung hô, thì cũng luôn phải ý thức được rằng bên ngoài đang nhìn chúng ta như những người đại diện cho đất nước Việt Nam.

Hành động của chúng ta, dù lớn dù nhỏ, cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cách người nước ngoài nghĩ và đánh giá về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Vì thế, những việc làm có ý thức tưởng chừng rất nhỏ như không xả rác, không ồn ào, không ăn uống lãng phí... nhưng giá trị hơn gấp nhiều lần những lời lẽ hoa mỹ mà sáo rỗng.

Trước khi trả lời câu hỏi "làm được gì cho thế giới", hãy trả lời câu hỏi "làm gì để xây dựng niềm tự hào, lòng tự trọng của bản thân" như cách người Nhật vẫn luôn nhắc nhở nhau.

>Phép lịch sự ở bàn ăn
>Khi Thủ tướng xếp hàng
>
Làm nên một sự khác biệt nhỏ...
>Bị cấm cửa, mới giật mình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Ăn cắp" quốc thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO