Ai lên Tây Bắc...

PHƯƠNG QUYÊN| 18/05/2010 06:09

Trời đất Điện Biên vẫn quyến rũ trong mùa hoa ban nở, không gian núi rừng và thời gian nối kết trong một sắc trắng miên man nao người.

Ai lên Tây Bắc...

Trời đất Điện Biên vẫn quyến rũ trong mùa hoa ban nở, không gian núi rừng và thời gian nối kết trong một sắc trắng miên man nao người. Trong chiều không gian hư ảo đó, rừng xưa, người mới, men rượu như chếnh choáng hơn...

Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, đường lên đèo Pha Đin chòng chành như đưa võng. Một bên là núi cao, bên là vực sâu, tay lái người đưa đường vững vàng với bao năm kinh nghiệm cũng không tránh được căng thẳng khi xe tiến đến những khúc cua ngặt. Xe nhích từng vòng quay nhỏ. Đâu đó có tiếng lầm rầm, cầu nguyện sự thượng lộ bình an.

Tháng Ba mùa hoa ban. Lý ra hoa ban phải nở trắng rừng nhưng những vạt đồi xẻ dọc ngang, phục vụ nhu cầu canh tác của người dân quen lối sống du cư bản xứ đã đẩy hoa ban vào những khe cùng, vực thẳm. Lần đầu thấy hoa ban, du khách ồ lên, dồn hẳn sang phía cửa kính xe bên phải, phóng tầm mắt và đưa máy ảnh ghi lại những hình ảnh đẹp nhất của núi rừng trong tiếng nhắc nhở của người tài xế: “Trời ơi, dồn qua một bên, lật xe xuống vực bây giờ”. Hành khách chực tỉnh, bẽn lẽn ngồi vào vị trí của mình, chờ đến khúc quanh, đổi hướng nhìn mà ngắm hoa cho thỏa chí.

Sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279, thung lũng Điện Biên như một vòng tay kín, đón chào những bước chân khách lạ. Bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh dài 20km, rộng 6km. Theo lý giải của người dân bản địa, từ giữa thế kỷ XIX, vùng này được gọi là Phủ Điện Biên. “Điện” nghĩa là “vững chãi”, “Biên” là “giới hạn”. Quả thật, Điện Biên Phủ đã là một biểu tượng vĩnh cửu về một chiến thắng hiển hách.

Xác xe tăng, máy bay, súng ống... tất cả giờ tập trung ở bảo tàng. Trở lại khu vực hầm, lô cốt... vết tích của chiến tranh ngày nào vẫn còn lưu dấu rất rõ trên các ngọn đồi A1, C1, C2, D1. Tuy nhiên, cùng với thời gian, chiến hầm ngày xưa rệu rã ít nhiều. Thay vào đó là dấu tích của những đợt trùng tu. Xi măng hóa chiến hào, cảm nhận của du khách trẻ không khác gì chiêm ngưỡng giả cảnh trong công viên. Duy chỉ có những người từng bước vào chiến trận là rưng rưng nước mắt. Cảm xúc nén chặt rồi vỡ òa khi bước vào nghĩa trang liệt sĩ. Quá khứ Điện Biên hào hùng cũng gắn liền với mất mát, đau thương...

Rời thành phố, vượt thêm 30km đường bộ là đến quần thể di tích Sở Chỉ huy chiến dịch, thuộc xã Mường Phăng. Quãng đường tới đây có hồ Pá Khoang, cảnh đẹp miên man với không khí còn tươi nguyên vị hoang sơ, dân dã. Vừa có hồ, vừa có rừng, hệ sinh thái phong phú, Pá Khoang là nơi đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú (Xá) sinh sống khá nhiều.

Váy đen dài, bó sát người, “xửa cỏm” (áo ngắn trắng) kèm đôi hàng “mák pém” (cúc bạc) hình bướm và thắt lưng xanh màu lá, trong trang phục truyền thống, Húng, thuyết trình viên của di tích, cười bẽn lẽn khi nghe hỏi về búi tóc của mình. Cô gái nói: “Người con gái Thái búi tóc để biểu hiện rằng mình đã có chồng. Dẫu có quấn khăn Piêu trên đầu, trai bản cũng vẫn dễ dàng nhận ra, không chòng ghẹo”. Không nằm gọn sau gáy như người Kinh, búi tóc của người Thái cao ngất trên đỉnh đầu.

Khó khăn cho sinh hoạt đủ bề, nhất là việc... đội mũ bảo hiểm nhưng hầu hết phụ nữ Thái đều giữ tục lệ này. Có gội đầu, họ cũng ở trong nhà đến tận khi tóc khô, búi lên rồi mới ra ngoài, tham gia các sinh hoạt xã hội. Húng bảo, lấy chồng rồi thì chỉ xõa tóc trước mặt chồng, bỏ tóc xuống trước mặt người khác là mất chồng. Tôi hiểu, lề luật chỉ là chuyện phụ. Búi tóc cao trên đầu với những người phụ nữ này đã trở thành minh chứng cho tình yêu của mình với chồng. Họ tự hào khoe tình yêu và sự thủy chung của mình với cộng đồng.

Chưa chồng, các cô gái Thái trẻ thoải mái hơn với mái tóc dài quá lưng, cột gọn phía sau. Sau một ngày làm việc, trên đường về nhà, những cô gái này sẽ cùng nhau tắm suối, nước da trắng ngần, vồng ngực thanh tân...Trong ánh chiều nhập nhoạng, du khách bất chợt may mắn được ngắm các cô vẫy vùng dưới lòng suối, lòng không gợn chút bụi trần mà ngược lại thấy mình như trong sáng hơn...

“Bản Thái già hay bản Thái trẻ?”, anh chàng hướng dẫn viên du lịch hỏi đoàn như vậy rồi tiếp lời: “Bản Thái già chỉ hát múa suông thôi...”. Câu trả lời tất nhiên thuộc về cái mới, tất cả lục đục kéo sang "bản Thái trẻ".

Trong gian nhà sàn rộng, Xuyến, chủ nhân của ngôi nhà, đón chúng tôi bằng nụ cười tươi và gương mặt điểm trang kỹ lưỡng. Bàn ăn được dọn ra với đầy đủ đặc sản của núi rừng: cơm nương, măng đắng, cá suối... Thăm Điện Biên vào đúng mùa, chúng tôi may mắn được thưởng thức cả nộm hoa ban. Giống hoa tinh khiết ấy qua bàn tay chế biến khéo léo trở thành món ăn mang vị nhân nhẫn, một chút đắng, một chút thơm đặc trưng. Ăn một lần và nhớ mãi.

Điệu múa xòe mở màn đêm hội. Vũ khúc rộn ràng của những chiếc khăn Piêu làm ấm cả núi rừng. Kết thúc điệu vũ, tám cô gái xuống tận bàn chào khách bằng chén rượu sâu chít ngọt ngào. Sau mỗi chén rượu, người Thái có thói quen bắt chặt bàn tay người uống cùng. Hà, cô vũ công trẻ nhất bảo với tôi, đó là cách thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Khi bàn tay của bạn còn nóng, tức là bạn còn uống được. Lòng bàn tay lạnh, bạn đến ngưỡng say và không nên ép bạn uống lúc này. Tôi làm phép thử, tay Hà nóng ấm. Nụ cười sơn cước ngây thơ đến nao lòng.

Qua vài tuần rượu, ai cũng ngà ngà. Sâu chít dễ uống nhưng cũng dễ đưa người ta vào trạng thái lơ lửng của cơn say. Phía bên bàn của những đấng mày râu bỗng rộn lên. Xuyến đang uống “khát vọng”, kiểu uống ly của bạn bằng cách vòng tay ôm chặt lấy nhau. Tiếng vỗ tay càng thêm khuyến khích cho đôi bạn mới. Từ đấy, không chỉ đơn giản là hai người rất quý nhau cùng uống “khát vọng” như văn hóa của bản làng, Xuyến, Hà... rồi lần lượt tất cả các thành viên đội múa đều uống với khách nam theo kiểu đó.

Âm điệu của dân tộc thôi bập bùng, dàn nhạc âm thanh hifi được mang ra tắp lự. Những điệu nhạc rock rap gì đó chói tai nổi lên, xé cả không gian cô tịch. Không đợi mời, cùng với khách, những nụ cười sơn cước lao vào điệu nhảy, lắc, giật, xoáy mông... điệu nghệ. Búi tóc trên đầu Xuyến xổ tung, cô vẫn say sưa với điệu nhạc tưng bừng.

Tôi bước ra ngoài, tự nắm tay mình, lạnh ngắt. Có lẽ, mọi người trong ngôi nhà sàn ấy cũng đã chạm đến ngưỡng say...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai lên Tây Bắc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO