2 nốt nhạc buồn FDI

19/02/2014 07:01

Tata đã rút khỏi dự án thép ở Hà Tĩnh, Hyundai tuyên bố ngưng chuyển giao công nghệ cho Ôtô Trường Hải, 2 nốt nhạc buồn này có thể báo hiệu một khúc nhạc FDI mang âm hưởng buồn trong năm nay.

2 nốt nhạc buồn FDI

Tata đã rút khỏi dự án thép ở Hà Tĩnh, Hyundai tuyên bố ngưng chuyển giao công nghệ cho Ôtô Trường Hải, 2 nốt nhạc buồn này có thể báo hiệu một khúc nhạc FDI mang âm hưởng buồn trong năm nay.

Hyundai tuyên bố ngưng chuyển giao công nghệ cho Ôtô Trường Hải

>Doanh nghiệp FDI: "Không từ mà biệt"
>FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?
>
Vốn FDI và chuyện được - mất

“Việt Nam - điểm đến lớn của các dòng vốn ngoại”, “Một năm toàn thắng”… là hàng loạt mỹ từ được dùng để mô tả cho số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 21,6 tỉ USD, tăng hơn 50% so với 2012 mà Việt Nam đã giành được. Một thành quả đáng khích lệ, nhưng dường như, việc giữ được phong độ này là chuyện không dễ dàng.

Ngay trong những ngày đầu năm, thông tin Tập đoàn Tata (Ấn Độ) tuyên bố chính thức rút lui khỏi dự án thép 5 tỉ USD và Hyundai (Hàn Quốc) ngưng chuyển giao công nghệ là tín hiệu không mấy lạc quan cho việc thu hút vốn FDI trong năm 2014.

Không còn kiên nhẫn là lý do chính xác nhất để giải thích cho việc chia tay của hai đại gia này.

Quyết định rút lui khỏi dự án thép của Tata tại Hà Tĩnh đã được cảnh báo từ khá lâu. Giữa năm 2007, Tata tham gia liên doanh dự án thép 5 tỉ USD (với 65% vốn góp) cùng Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Dự án dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2009-2015, nhưng sau 5 năm chờ đợi, nhà đầu tư Ấn Độ này đã không còn đủ kiên nhẫn.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc chậm triển khai và cấp phép dự án đầu tư này là do Tata và chính quyền địa phương không đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng phải do chính quyền địa phương thực hiện nhưng do chi phí quá cao (100 triệu USD) nên địa phương không cáng đáng nổi.

Chính quyền địa phương, vì thế, muốn kéo Tata vào cuộc. Nhưng Tata đã từ chối vì cho rằng đó không phải là trách nhiệm của nhà đầu tư và họ chỉ chấp thuận hỗ trợ mức kinh phí khoảng 30 triệu USD.

Sau thời gian dài thương thảo, Hà Tĩnh cũng đã nhờ tới ngân sách Trung ương nhưng không thành. Sự vụ tiếp tục kéo dài trong suốt 5 năm qua khiến việc cấp phép cho dự án này không thể được thực hiện.

“Vì môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, nên Tata đã quyết định rút khỏi hoàn toàn dự án tại Việt Nam sau 5 năm chờ đợi. Công ty đã thông báo việc này cho Chính phủ Việt Nam”, ông Indronil Sengupta, nguyên Tổng Giám đốc Tata Steel tại Việt Nam, cho biết.

3 nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam năm 2013

Không chỉ có Tata, mới đây, Hyundai cũng đã quyết định rút khỏi dự án ôtô Chu Lai - Trường Hải ở tỉnh Quảng Nam.

Ban đầu, dự án được dự kiến triển khai theo hình thức liên doanh giữa Hyundai (51%) với Thaco (49%). Sau đó, vì Hyundai cảm thấy rủi ro trong dự án nên đã không tiếp tục bỏ vốn vào mà chỉ đảm nhận khâu chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ.

Dự án dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến điều kiện áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô - xe máy mới của Việt Nam, việc chuyển giao công nghệ của Hyundai đã bị triển khai chậm trễ.

Tại buổi thảo luận giữa 2 bên ở Hàn Quốc hồi đầu năm nay, phía Hyundai cho rằng thời hạn ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ đã kết thúc. Quan trọng hơn, do dự án kéo dài nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hyundai trong toàn khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, đại diện Tập đoàn đã đề nghị chấm dứt hợp đồng và chỉ xem xét lại việc chuyển giao công nghệ cho Thaco vào năm 2016.

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Dương Thaco cho biết: “Dự kiến thành lập trung tâm lắp ráp và sản xuất ôtô quốc gia có tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 500 triệu USD tại đây là nhằm khắc phục những bất hợp lý do thiếu tính tập trung trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Trong đó, nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ (Hyundai) là một thành tố quan trọng đối với trung tâm mang tầm quốc gia này”.

Việc rút khỏi Việt Nam của Tata trong dự án thép và Hyundai trong dự án ôtô đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, những cứu cánh quan trọng đã xuất hiện.

Đó là, việc thu hút FDI được dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ kinh tế vĩ mô đang dần đi vào ổn định. Khả năng Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI cao hơn trong năm nay còn do yếu tố các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ sớm được ký kết. Trong những năm qua, hơn 50% vốn FDI vào Việt Nam là từ các nước thành viên TPP.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo: “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi”.

Năm qua, vốn FDI tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam nhưng vẫn có những doanh nghiệp than phiền môi trường đầu tư vì họ gặp phải những khó khăn như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém… Việc thay đổi chính sách liên tục trong những năm gần đây cũng khiến nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh.

Ông Phan Hữu Thắng, cựu Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, cho rằng khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 nốt nhạc buồn FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO