11.200 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng

HỒNG BÍCH| 21/09/2012 03:33

Hai con số này là gì vậy? Nó là câu chuyện của đồng tiền đi vào đời sống. Dĩ nhiên như thế!

11.200 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng

Hai con số này là gì vậy? Nó là câu chuyện của đồng tiền đi vào đời sống. Dĩ nhiên như thế!

Đọc E-paper

Con số 11.200 tỷ đồng là đề án Bộ Xây dựng đưa vào kế hoạch xây Bảo tàng lịch sử Quốc gia trên diện tích 10 ha đất ở Tây Hồ Tây - Hà Nội, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Số tiền này tuy rất lớn, nhưng mục đích của nó lại là xây dựng một công trình văn hóa đặc biệt, không phải như dư luận “bực mình” như lần Bộ Xây dựng đưa đề án làm trụ sở Bộ cũng hòm hòm hơn nghìn tỷ.

Đây rõ là công trình văn hóa cấp quốc gia, một dự án vừa cho hiện tại, vừa đầu tư vì tương lai. Vậy hà cớ gì dư luận xôn xao tính hơn, tính thiệt? Nhìn lại suốt nửa thế kỷ qua, chúng ta đâu có một công trình văn hóa đỉnh cao nào “được lòng” tất cả, từ giới chuyên môn, các nhà kiến trúc đến người dân.

Chúng ta chưa hề có những công trình vĩ đại kiểu như sân vận động Tổ chim của Trung Quốc, hay nhà hát Con sò của Úc, hay tòa tháp đôi ở Malaysia! Đáng lẽ thời điểm này xây dựng một bảo tàng lớn, thành một công trình để đời về kiến trúc và công năng sử dụng thì rất hợp lòng người.

Tuy nhiên, một dự án lớn, mục đích ý nghĩa cũng lớn, lại chẳng được ủng hộ bởi các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đề án đưa ra ngốn một khoản tiền khủng khiếp trong bối cảnh nền kinh tế đất nước sa sút, hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể, hàng triệu lao động thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Đề án đưa ra trong bối cảnh hàng chục bảo tàng khác ngay tại Hà Nội và các địa phương xây dựng dở dang, đắp chiếu, hoặc lãng phí hàng trăm tỷ đồng mà công năng không đạt được mục đích phục vụ văn hóa và du lịch. Nhãn tiền là Bảo tàng Hà Nội 2.300 tỷ đồng đang dang dở để chờ đợi các điều kiện về hiện vật và trưng bày.

Cái dư luận sợ nhất là những công trình “hoành tráng” nhất luôn để lại một công trình kiến trúc tầm thường như Nhà hát Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Và cũng như cách làm phổ biến kiểu Việt Nam, cứ xây cái vỏ đã, cái ruột từ từ sẽ... tính tiếp.

Nói như vậy bởi các nhà chuyên môn đều thấy rõ, công trình xây dựng chỉ mất bốn năm, còn phẩn ruột, làm sao trong thời gian đó có thể tức tốc nghiên cứu, tập hợp lực lượng, hiện vật, đào tạo nhân lực cho phần hồn quan trọng của Bảo tàng lịch sử của một quốc gia.

Nhưng cái đáng lo nhất dư luận xã hội luôn nghĩ đến, những công trình càng “khủng” về số tiền đầu tư, sự thất thoát lãng phí càng lớn! Không thể chối bỏ điều này, bởi đó là căn bệnh trầm kha trong đầu tư công.

Đúng lúc này, một sự kiện khác diễn ra, đó là khánh thành Bệnh viện Ung thư ở Đà Nẵng, kinh phí đầu tư 1.300 tỷ đồng. Với mục tiêu chính nghĩa, cần một bệnh viện chữa ung thư đặt tại miền Trung cho hàng chục nghìn bệnh nhân, nhưng bao năm Bộ Y tế từ chối.

Cần một bệnh viện chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở miền Trung, khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước, Bộ Y tế vẫn chỉ hứa hẹn. Thành phố Đà Nẵng tự “phất cờ” kêu gọi xã hội đóng góp xây dựng một bệnh viện cho cả hai mục tiêu nhân đạo nói trên, chữa ung thư và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo!

Mục tiêu nhân đạo này đã được hàng nghìn doanh nghiệp đến Đà Nẵng làm ăn ủng hộ. Các doanh nghiệp nhỏ bớt ra những đồng tiền lãi ngày càng mỏng để góp một bàn tay vào mục đích cao cả đó.

Các công chức đóng góp những ngày lương nhỏ ngoi. Bốn năm trôi qua, vừa kêu gọi ủng hộ, vừa xây dựng, bệnh viện nay đã hoàn thành và trở thành bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam sẽ chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo.

Không chỉ chữa bệnh, một loạt các hoạt động từ thiện như bữa ăn dinh dưỡng cho người bệnh và cho người nhà nuôi bệnh cũng đã được tính toán chu đáo. Một mục tiêu đẹp đi cùng với hành trình tính toán thực tiễn bắt nguồn từ cái tâm đã tạo được sự đồng cảm của xã hội để rồi một số tiền rất lớn được đóng góp nhân danh trái tim mỗi con người.

Hai con số chênh lệch nhau gấp mười lần, nhưng đều bắt đầu từ nguồn tiền trong túi người dân, đều là nguồn lực quý giá của xã hội, không thể khác nhau về mục đích sử dụng, càng không thể để nó trở thành biểu tượng của lãng phí khi đầu tư chưa có sự chuẩn bị kỹ về thời điểm, chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
11.200 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO