Thời sự

Đề xuất tiếp tục thực hiện dự án BT

NN 22/08/2024 11:32

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Theo đó, Bộ cho rằng cần xem xét tiếp tục áp dụng mô hình BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án đầu tư mới theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) đã dừng thực hiện từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021). Nguyên nhân là do một số bất cập liên quan đến thực hiện loại hợp đồng này. Cụ thể, nhiều dự án BT trước đây không có mục tiêu đầu tư rõ ràng và không cần thiết; giá trị công trình BT xác định không chính xác, dẫn đến suất đầu tư cao hơn so với các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Thêm vào đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thường được chỉ định, không cạnh tranh; công tác giám sát bị xem nhẹ khiến chất lượng công trình không đảm bảo.

Tuy nhiên, các bộ, ngành và địa phương vẫn đánh giá rằng các dự án BT đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển hệ thống hạ tầng tại nhiều địa phương, huy động nguồn lực tư nhân, và giảm áp lực về vốn đầu tư công. Các dự án đối ứng cũng đã cải thiện cơ sở hạ tầng về nhà ở, dịch vụ, và hình thành các đô thị mới.

ntd-pdp-ok.jpg
Dự án BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) được yêu cầu chuyển sang hình thức đầu tư công

Trong bối cảnh việc huy động vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn và nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng tăng cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mô hình hợp đồng BT nếu được nghiên cứu và đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 hướng tiếp tục áp dụng hợp đồng BT.

Thứ nhất, với hợp đồng thanh toán bằng quyền thực hiện dự án tại các vùng phụ cận có tiềm năng phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng): Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy hoạch để xác định công trình giao thông và quỹ đất phụ cận, sau đó xác định giá trị đất tại thời điểm giao đất và cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm khi công trình giao thông hoàn thành. Nhà đầu tư chỉ được giao đất khi hoàn thành 50% khối lượng công trình BT và chỉ được kinh doanh sau khi công trình BT hoàn tất.

Thứ hai, với hợp đồng thanh toán bằng tài sản công: Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định cụ thể công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán, đảm bảo giá trị tương đương. Khi thanh quyết toán, cơ chế bù trừ sẽ được áp dụng để điều chỉnh phần chênh lệch giá trị thực tế của quỹ đất so với cam kết tại hợp đồng.

Thứ ba, với hợp đồng thanh toán bằng tiền: Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào thiết kế kỹ thuật để xác định tổng mức đầu tư của công trình BT, bao gồm chi phí lãi vay và lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư. Sau khi công trình được nghiệm thu, cơ quan chức năng sẽ thanh toán cho nhà đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công hoặc từ đấu giá quỹ đất, tài sản công.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bổ sung loại hợp đồng BT đối với các trường hợp nhà đầu tư tự đầu tư và xây dựng công trình để chuyển giao cho Nhà nước quản lý, mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư. Nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thi công và chuyển giao công trình, trong khi cơ quan có thẩm quyền sẽ giám sát chất lượng công trình và tiếp nhận, quản lý sau khi hoàn thành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc tiếp tục áp dụng hợp đồng BT với các giải pháp đổi mới trên sẽ kế thừa các quy định hiện hành và đáp ứng tính khả thi trong thực tiễn, nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng.

Thực tế, Quốc hội đang cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai hợp đồng BT là TP.HCM, Hà Nội và Nghệ An. Tuy nhiên, cách thực hiện còn chưa thống nhất. Ví dụ, TP.HCM được áp dụng cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền, từ ngân sách Thành phố. Nghệ An được thanh toán bằng tiền từ ngân sách nhà nước hoặc thu từ đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất. Hà Nội được thanh toán bằng tiền ngân sách thành phố, quỹ đất.

Trước đó, tháng 3/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu đưa ra khỏi danh sách các dự án BT đối với Dự án cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại phường 6, quận Tân Bình; Dự án cầu đường Bình Tiên. Đồng thời, dừng thực hiện đầu tư theo hình thức BT đối với các dự án xây dựng mới Bệnh viện đa khoa quận Tân Bình; Bệnh viện đa khoa Sài Gòn; Cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP. Thủ Đức). Những dự án này sẽ chuyển đổi đầu tư theo hình thức khác, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành.

Đối với các dự án BT đang thực hiện dở dang như Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nghiên cứu cả phương án dừng thực hiện theo hình thức BT để chuyển sang hình thức đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất tiếp tục thực hiện dự án BT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO