Đề xuất một liên minh chủ nguồn hàng

VŨ ĐỨC TRUNG - NGUYỄN ĐĂNG VIỆT| 09/11/2013 08:59

Chúng ta đã có hiệp hội lương thực - tổ chức ngành nghề, đã có tổng công ty lương thực - một công ty kinh doanh lớn của Nhà nước, cũng đã có hội nông dân - một tổ chức hữu danh vô thực, nhưng bao đời nay người nông dân vẫn nghèo.

Đề xuất một liên minh chủ nguồn hàng

Chúng ta đã có hiệp hội lương thực - tổ chức ngành nghề, đã có tổng công ty lương thực - một công ty kinh doanh lớn của Nhà nước, cũng đã có hội nông dân - một tổ chức hữu danh vô thực, nhưng bao đời nay người nông dân vẫn nghèo.

Đọc E-paper

Nông dân mang lúa đến bán cho thương lái

Bài viết sau đây ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia về việc thành lập một tổ chức của người nông dân, vì quyền lợi người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp và vì lợi ích của nền kinh tế. Trong chừng mực mô hình được gợi ý gần giống với liên minh hợp tác xã nhưng khắc phục được những hạn chế của tổ chức này.

Nông dân của chúng ta đang bị bóc lột vì họ không thể chủ động sắp đặt kế hoạch sản xuất theo ý muốn và năng lực của mình. Nếu ai đó vượt ra khỏi vòng “cung cấp nguyên liệu” sẽ lại trở thành “ông chủ” để thu mua nguyên liệu của nông dân khác, của láng giềng mình. Đó là vòng luẩn quẩn mà nhiều người cho là “định mệnh”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động sản xuất của nông dân đang gặp nghịch cảnh là không tiếp cận tận gốc vật tư đầu vào, không tìm được thị trường đầu ra ổn định cho nên họ chỉ còn đem tâm, sức ra làm để “bù lỗ”, còn phần lãi thực “đã bị hai đầu” cướp rồi.

Nguyên nhân cơ bản của nghịch cảnh này không phải là quy trình kỹ thuật canh tác, là năng suất, sản lượng hay quy mô diện tích mà là vì vụ lợi, ích kỷ, lạnh lùng của các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước, các hiệp hội và một số thương lái đối với nhu cầu vật tư, tiêu thụ hàng hóa của nông dân. Với họ, đây là mỏ vàng bất tận đã làm nên sự giàu có cho họ.

Xảy ra nghịch cảnh này cũng rất bình thường vì bản tính con người là “tham, sân si”, ngay cả khi được định hướng rõ ràng còn có nhiều khả năng đi lệch hướng, huống chi trong thời gian qua đã bị lơ là, bỏ quên một cách khó hiểu!

Giải pháp phù hợp để khắc phục tận gốc nghịch cảnh này là các nông hộ sản xuất (chủ nguồn hàng) phải liên kết lại, chọn đại diện của mình để khai thác tận gốc vật tư đầu vào, tìm “khách hàng ruột” ổn định lâu dài cho đầu ra. Mới đây đã có ý kiến đề xuất của một số chuyên gia về việc thành lập Liên minh các chủ nguồn hàng (LMCNH) để lo đầu vào cho vật tư, đầu ra cho nông sản hàng hóa.

Theo đề xuất này, đây là một tổ chức do các nông hộ sản xuất tự nguyện liên kết lại với nhau đăng ký thành lập, có ban đại diện hay hội đồng quản trị do đại hội toàn thể chủ nguồn hàng bầu chọn, có điều lệ hoạt động, có trụ sở, có tư cách pháp nhân riêng trên từng địa phương. Tổ chức này hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các luật hiện hành.

Như vậy “liên minh” này có nhiệm vụ tổ chức mọi hoạt động xuyên suốt từ kế hoạch sản xuất, bố trí lao động, cung ứng vật tư, thiết kế, xây dựng và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm ngày càng phong phú của tất cả các thành viên, cũng có nghĩa là chăm lo đời sống mọi mặt cho họ.

Tham gia ban đại diện (hay hội đồng quản trị) trước hết phải là những người có uy tín trong cộng đồng thành viên, ham học hỏi và có khả năng tiếp thu kiến thức quản trị kinh tế hiện đại. Theo văn hóa làng xã, người có uy tín luôn là người có độ chín về văn hóa, biết ứng xử hài hòa, có tấm lòng nhân hậu.

Người ham học hỏi là người thực sự cầu thị, không bảo thủ, luôn tìm tòi, hướng tới cái mới, cái tiến bộ. Với những người như thế, qua mạng, qua thực tiễn cuộc sống họ sẽ rèn luyện được bản lĩnh công tác và càng được uy tín cao hơn.

Nhìn lại chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa chúng ta thấy: Khi hộ nông dân được nhận quyền sử dụng một hạn điền nhất định họ phải tổ chức sản xuất theo khả năng lao động, tài chính của mình để tự nuôi sống gia đình mình, lo cho vụ sau và gom góp tích trữ, hầu như không tính đến chuyện vay mượn.

Suy nghĩ này đã trở thành lối mòn, nếu đầu vào được đối xử theo hướng “cùng có lợi” và đầu ra “thuận chiều mát mái” thì vụ sau sẽ có nhiều hàng hóa và phẩm chất hàng hóa cũng cao hơn đồng thời cũng tích lũy được nhiều hơn, cơ hội để giàu lên và đầu tư cho thế hệ sau tốt hơn. Từ đó họ sẵn sàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tuân thủ phương pháp quản trị tiên tiến, hiện đại.

Hiện nay, người nông dân cũng hiểu rằng: Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, về nông sản hàng hóa phải là luôn đủ về số lượng, đạt về phẩm chất, đa dạng phong phú về chủng loại. Cho nên mọi tiêu chuẩn hàng hóa đều được tuân thủ nghiêm ngặt, không là rào cản.

Trong tình hình như vậy, một liên minh các chủ nguồn hàng khả dĩ hội đủ điều kiện để áp dụng khoa học quản trị tiến bộ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Với LMCNH người nông dân sẽ làm giàu bền vững trên diện tích hạn điền của mình và nông thôn Việt Nam ngày càng trù phú, xanh tươi, thấm đượm tình người, tình làng, nghĩa xóm, trở thành nơi thu hút nguồn lao động, chấm dứt hiện tượng “ly nông rồi ly hương”.

Với phương pháp quản trị tiến bộ, khoa học, nghiêm cẩn và minh bạch, với công nghệ thông tin gọn nhẹ, tiện ích và chính xác, LMCNH luôn cập nhật mọi thông tin về nhu cầu thị trường, về mạng lưới phân phối - giao nhận (logistic), nên luôn chủ động kịp thời và sẵn sàng ứng phó linh hoạt với mọi diễn biến thương trường.

Nhờ đó, mọi vật tư cần thiết cho sản xuất đều được cung cấp đủ số lượng, chủng loại phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, kịp thời vụ, mọi dịch vụ chăm sóc theo quy trình sản xuất cũng được hoạch định và sắp đặt cụ thể, chi tiết nhằm bảo đảm thắng lợi của mùa vụ.

Quy trình thu hoạch của tất cả các sản phẩm của các thành viên, cũng như kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm đó đều được hoạch định, chăm sóc chu đáo, người nông dân biết rõ hiệu quả trước khi xuất hàng.

Thực ra khi tham gia LMCNH, mọi hoạt động sản xuất của các thành viên đã triển khai thì chắc chắn thu được hiệu quả, tuyệt đối không còn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như thường xảy ra lâu nay. Ngoại trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai!

Một ví dụ cụ thể: Tổ chức tiêu thụ có hiệu quả thịt heo tại một xã.

Qua thống kê LMCNH biết rõ tổng lượng đàn heo và số lượng xuất chuồng theo thời gian, qua làm việc với các chợ đầu mối, các lò mổ, nếu nguồn cung ổn định có địa chỉ họ sẽ nhận phân phối theo giá thị trường (khởi đầu 500 con/ngày), thanh toán ngay khi nhận heo tại lò mổ.

Giá thịt nếu có bước tăng vọt khi về chợ truyền thống, LMCNH sẽ có sạp tại chợ đầu mối và các chợ truyền thống để cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng, tiến đến đem thịt từ lò mổ đưa đến từng hộ gia đình.

Như vậy, hàng từ người sản xuất được bán tận tay người tiêu dùng.

Trong quá trình trên, hình thành LMCNH, tổ chức hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa việc trước tiên chỉ là sắp đặt nguồn lực, khai thông năng lực, kết nối các mối quan hệ. Tất cả đều sẵn có chỉ chờ để được đưa vào vận hành.

Bước sang giai đoạn 2 LMCNH triển khai sử dụng những giá trị của nông dân mà lâu nay bị các thành phần trung gian cướp mất. Kế hoạch này cũng được báo cáo trong Đại hội thành lập LMCNH.

Sau 1-2 vụ hoạt động trong LMCNH, mọi người đều phát hiện ra năng lực đồng thời thấy rõ trách nhiệm của mình nên có thể sẵn sàng đóng góp và đồng thuận khi triển khai cụ thể những dự án đầu tư công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến hàng xuất khẩu công nghệ chế biến thức ăn gia súc v.v… cũng như các chương trình đào tạo tay nghề, kỹ năng lao động, năng lực quản trị kinh tế tiến bộ, khoa học cho mọi đối tượng có nhu cầu trong cộng đồng, xã hội.

Mô hình LMCNH này có thể tổ chức tại mọi địa phương trong cả nước. Thực tế tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững là tiêu chí quan trọng nhất của chương trình nông thôn mới đã gần năm năm nhưng hầu như chưa có địa phương nào đạt được, những nơi báo cáo là đạt được cũng chưa có cơ sở bảo đảm là bền vững.

Nếu được tuyên truyền, vận động rộng rãi thì hầu hết nông dân (từ người đang bán sức lao động đến các chủ trang trại lớn nhỏ) trên mọi miền đất nước sẽ đăng ký tham gia.

Vì khi hoạt động trong LMCNH người nông dân vẫn được giữ nguyên quyền sử dụng đất của mình (có nhiều khả năng được phục hồi nếu đã mất và có nhu cầu), được độc lập, tự chủ sản xuất trên diện tích đó cũng như quyền quyết định với sản phẩm được tạo ra từ sức lao động của mình, được cộng đồng quan tâm, săn sóc mọi mặt về sức khỏe, tinh thần, kiến thức, tình cảm…

Những người đề xuất phương thức này hy vọng chỉ sau thời gian từ ba đến năm năm bộ mặt nông thôn Việt Nam sẽ đổi mới toàn diện, văn minh hiện đại nhưng vẫn ấm nồng tình làng nghĩa xóm. Hứa hẹn một nền nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Khi mô hình LMCNH được phổ cập, nền kinh tế vẫn là kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quan hệ với người sản xuất thực sự trên cơ sở thuận mua vừa bán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất một liên minh chủ nguồn hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO