Để TP.HCM trở thành kinh đô điện ảnh
TP.HCM khát vọng trở thành trung tâm điện ảnh hàng đầu - mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu tận dụng đúng những lợi thế sẵn có. Bỏ qua những thách thức, Thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền.
Một trong những bước đi quan trọng là việc ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tập trung vào tám lĩnh vực trọng yếu, trong đó có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. Đi kèm với đó là hàng loạt chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực văn hóa, hướng tới việc xây dựng những thiết chế văn hóa hiện đại và không gian sáng tạo.

TP.HCM sở hữu một nền tảng điện ảnh vững chắc, chiếm đến 40% thị phần điện ảnh trong nước và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Với hệ sinh thái sáng tạo sôi động, hạ tầng văn hóa - giáo dục phát triển, Thành phố có tiềm năng bứt phá để trở thành trung tâm điện ảnh hàng đầu khu vực và thế giới. Khai thác tối ưu những lợi thế này, TP.HCM hoàn toàn có thể tạo nên dấu ấn riêng, khẳng định vị thế với slogan: “The Miracle of the Saigon River - Kỳ tích sông Sài Gòn” trên mặt trận điện ảnh.
Tại Tọa đàm do UBND TP.HCM tổ chức ngày 15/2, ông Jérémy Segay - Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã đánh giá cao những thế mạnh của TP.HCM trong lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số hạn chế như việc thiếu đơn vị hỗ trợ đoàn phim quốc tế, thủ tục hành chính chưa rõ ràng, sự liên kết giữa các địa phương còn hạn chế và chưa có phim trường hiện đại…
Hướng tới trung tâm điện ảnh sáng tạo
Để TP.HCM vươn mình trở thành trung tâm điện ảnh tầm cỡ khu vực và thế giới như ông Jérémy Segay nhận định, Hàn Quốc là một điển hình đáng để tham khảo.
Vào đầu thập niên 90, điện ảnh Hàn Quốc chịu sự thống trị của Hollywood, với thị phần lên đến 80%, trong khi phần lớn phim nội địa được sản xuất theo mô hình nhà nước góp vốn với tư duy lạc hậu. Năm 1994, khi Tổng thống Kim Young Sam nhận ra, tổng doanh thu từ bộ phim "Jurassic Park" của Mỹ còn cao hơn doanh thu của 1,5 triệu chiếc xe Hyundai. Điều này thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc xem công nghiệp văn hóa như một “mặt hàng” chiến lược để xuất khẩu, mở đường cho sự bùng nổ của làn sóng Hallyu và sự phát triển mạnh mẽ của nền điện ảnh đất nước nhiều núi này.

Ba yếu tố chủ chốt giúp phim ảnh Hàn Quốc bứt phá thần tốc, chính là nhân lực, vốn đầu tư và chính sách. Để phát triển thương hiệu nội địa, từ năm 1998, Hàn Quốc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm giải trí từ Nhật. Chính sách hạn ngạch rạp chiếu giúp bảo vệ các phim Hàn Quốc, với quy định năm 2006 yêu cầu mỗi phòng chiếu phải có 73 ngày chiếu phim nội trong năm (20%).
Ngoài ra, chính sách kiểm duyệt cũng thông thoáng hơn, giúp nhiều tác phẩm có thể ra rạp, chẳng hạn như như "Oldboy" - một bộ phim không phải ai cũng có thể xem và thích nhưng không thể phủ nhận nó là một bước đột phá của điện ảnh châu Á. Nếu TP.HCM có thể áp dụng chiến lược “hòa nhập nhưng không hòa tan” tương tự bằng cách khuyến khích sản xuất phim nội địa; hỗ trợ phát triển nhân lực và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tác phẩm điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Korean Film Council (KOFIC) - Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, do chính phủ hỗ trợ đã góp phần quan trọng trong việc đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm điện ảnh quốc tế. Cơ quan này đóng vai trò như một văn phòng hỗ trợ sản xuất phim quốc tế, cung cấp chính sách khuyến khích sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm địa điểm quay phim, giảm chi phí sản xuất và tài trợ một phần kinh phí cho các dự án quốc tế. Vì vậy, các bộ phim Hàn Quốc không chỉ “đình đám” trong nước mà còn xuất hiện dày đặc trên các nền tảng quốc tế, trong đó có Việt Nam - một thời “bật đài lên” là thấy phim Hàn.
Vì vậy, để tạo dựng một hệ sinh thái điện ảnh phát triển bền vững, TP.HCM cần thành lập ngay một văn phòng xúc tiến điện ảnh tương tự, với chức năng hỗ trợ các đoàn làm phim trong và ngoài nước. Văn phòng này giữ giềng mối, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, kết nối các đoàn phim với hệ thống cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp và đưa ra chính sách khuyến khích sản xuất phim tại địa phương. Việc xây dựng một môi trường làm phim thuận lợi, Thành phố nhanh chống thu hút các dự án quốc tế, tạo điều kiện để Thành phố dần khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.

Ngoài ra, TP.HCM có thể học hỏi từ mô hình của Mỹ, đặc biệt là chương trình "Made in NY" của New York. Los Angeles cũng có chính sách miễn hoặc giảm phí sử dụng không gian công cộng cho quay phim, giúp giảm chi phí đáng kể. Từ đó, TP.HCM có thể phát triển Chương trình "Made in Ho Chi Minh City - Saigon River ", áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính, truyền thông và cơ sở hạ tầng để định vị thành phố như một trung tâm sản xuất điện ảnh hấp dẫn.
Hệ sinh thái phim trường
Hàn Quốc có tổ hợp phim trường hiện đại như Namyangju Studios. Trung Quốc đã thành công với Hengdian World Studios. TP.HCM có thể xây dựng một tổ hợp phim trường sinh thái, kết hợp giữa Củ Chi và Cần Giờ, tận dụng lợi thế địa hình đa dạng sông nước. Củ Chi có thể tái hiện bối cảnh đô thị, khu công nghiệp hoặc các cảnh chiến tranh lịch sử, trong khi đó Cần Giờ có thể là địa điểm lý tưởng cho các cảnh biển, rừng ngập mặn hoặc sinh thái hoang sơ. Tận dung lợi thế này, TP.HCM sẽ hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn”.
TP.HCM cần thành lập một Học viện Điện ảnh Quốc tế theo mô hình của USC School of Cinematic Arts (Mỹ), La Fémis (Pháp) hoặc Korean Academy of Film Arts (KAFA - Hàn Quốc), với sự hợp tác từ các trường điện ảnh danh tiếng thế giới để xây dựng giáo trình, trao đổi giảng viên và cấp bằng quốc tế. Học viện không chỉ đào tạo nhân lực cho thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu tài năng điện ảnh ra thế giới. Bên cạnh các chuyên ngành truyền thống như đạo diễn, biên kịch, quay phim và dựng phim, TP.HCM cần tập trung vào các lĩnh vực mới như công nghệ sản xuất phim ảo, kỹ xảo CGI, trí tuệ nhân tạo (AI) trong biên tập phim và thực tế ảo (VR) trong điện ảnh.
Để tạo điều kiện thực hành thực tế, Học viện có thể liên kết với các hãng phim lớn, nền tảng streaming như Netflix, Disney+, HBO, K+ và phối hợp với tổ hợp phim trường sinh thái Củ Chi - Cần Giờ để trở thành trung tâm đào tạo và thực hành hàng đầu khu vực.

Thành phố cần tổ chức các liên hoan phim sinh viên quốc tế nhằm tạo sân chơi cho tài năng trẻ và kết nối với thị trường điện ảnh toàn cầu. Theo dõi tuyền thông, có thể thấy hàng năm, các liên hoan phim sinh viên, như: Anh - National student film festival (NSFF); Liên hoan phim sinh viên Bắc Kinh (Beijing college student film festival - BCSFF) hay Pháp với Liên hoan phim sinh viên Poitiers (poitiers film festival)… tạo ra sân chơi cho tài năng trẻ và kết nối với thị trường điện ảnh toàn cầu. Vì vậy, TP.HCM hoàn toàn có thể học hỏi và tổ chức một Liên hoan phim sinh viên quốc tế để thu hút tài năng trẻ, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối phim, và góp phần đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới.
Ngoài ra, viêc thu hút nhân tài và đầu tư cũng rất quan trọng, bao gồm mời các nhà làm phim quốc tế giảng dạy, hỗ trợ học bổng cho sinh viên xuất sắc và kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn truyền thông, công nghệ để xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Với chiến lược bài bản, TP.HCM có thể trở thành trung tâm đào tạo nhân lực điện ảnh chuyên nghiệp, góp phần đưa điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.
Cùng với đó, TP.HCM cần khuyến khích phát triển các startup về công nghệ điện ảnh, hỗ trợ các công ty sản xuất nội dung số, đồng thời hợp tác với các nền tảng phát hành quốc tế như Netflix, Disney+ để đưa phim Việt Nam tiếp cận khán giả toàn cầu. Việc tạo ra các liên hoan phim chuyên biệt như Liên hoan phim số (Digital Film Festival) có thể là một chiến lược hiệu quả để thu hút các nhà làm phim trẻ và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong ngành.
Hiện TP.HCM có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại thành phố, tạo việc làm cho hơn 9.200 lao động.
Năm 2024, ngành này đạt doanh thu 500 triệu USD, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh Việt Nam và đóng góp 0,43% GRDP. TP.HCM sở hữu hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước với 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu cùng 184 không gian sáng tạo nghệ thuật.
Năm 2024, TP.HCM đón 6 triệu lượt khách quốc tế và được đề cử tại World Travel Awards cho hai hạng mục du lịch quan trọng, gồm: “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á” tại World Travel Awards. Đây là cơ hội lớn để thành phố phát triển du lịch điện ảnh, tận dụng bối cảnh quay phim và phim trường để thu hút du khách du lịch.