Để hội nhập với nền kinh tế quốc tế, không chỉ doanh nghiệp (DN) mà các tổ chức hội cũng cần có chuẩn mực hoạt động nhằm tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và bài bản.
Năm 2013, nhóm chuyên gia nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng nghiên cứu dự án "Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” theo 4 cấp độ: sơ khai, cơ bản, khá và tốt, với mục tiêu đánh giá lại năng lực của các HHDN. Tuy nhiên, khảo sát chỉ mới được thực hiện ở một vài HHDN nên dự án vẫn chưa được triển khai rộng.
Mới đây, dựa trên nền tảng cũ, nhóm chuyên gia đã tọa đàm cùng đại diện các hội ngành nghề tại TP.HCM nhằm thu thập thêm những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án, tạo một bộ công cụ đánh giá năng lực các HHDN Việt Nam. Căn cứ vào những nghiên cứu, nhóm phát triển dự án "Bộ công cụ tự đánh giá, chẩn đoán năng lực của các HHDN Việt Nam" cho hay, so với HHDN các nước thì HHDN Việt Nam hầu hết đều chưa có một chuẩn mực đánh giá năng lực.
Cụ thể vẫn còn rất yếu về khả năng thu thập, cập nhật và cung cấp thông tin DN, nhu cầu thị trường... cho các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm đến Việt Nam, hay trong công tác tham mưu cho việc ban hành các chính sách của Chính phủ. Đây được xem là cách làm việc thiếu bài bản mà các HHDN Việt Nam cần sớm khắc phục.
Dự án nêu lên 5 yếu tố quan trọng, gồm: Năng lực quản lý và định hướng chiến lược (chiến lược, định hướng phát triển của hiệp hội, cơ sở dữ liệu hội viên, năng lực cán bộ và nhân viên hiệp hội, quản trị nhân sự, thu nhập - phúc lợi...); năng lực tài chính và cơ sở vật chất (trụ sở làm việc - diện tích - mức độ ổn định văn phòng, trang thiết bị - mức độ đáp ứng, kế hoạch mở rộng nguồn thu, kỹ năng tạo nguồn thu của cán bộ, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin - sử dụng email trong giao dịch...); năng lực phục vụ hội viên; Năng lực vận động chính sách; năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng DN.
Với kỳ vọng nếu bộ công cụ được thừa nhận, dự án sẽ được công khai trên website thông qua các công thức có sẵn để các tổ chức hội có thể tự đo năng lực dễ dàng, thuận tiện hơn.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, góp ý về vấn đề này: "Vai trò của tổ chức hiệp hội rất quan trọng đối với ngành du lịch, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức".
Theo bà Khánh, các HHDN nước ngoài có thể ngồi cùng với các cơ quan quản lý của Việt Nam khi thương thảo và đưa ra quyết định về những vấn đề liên quan đến giao thương, xúc tiến đầu tư của các DN thuộc hiệp hội đó, trong khi với Việt Nam thì Nhà nước làm hết.
Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) chia sẻ, vai trò của tổ chức hội rất lớn, lợi ích từ các hoạt động kinh tế cũng rất lớn. Song thực tế, phần đông tổ chức hội vẫn không có điều kiện đóng góp ý kiến trong việc hình thành các chính sách, dẫn đến hệ lụy nhiều chính sách phải điều chỉnh tới lui do chưa sát thực tế.
Do vậy, để tiêu chí đánh giá được hiệu quả, trước hết cần phải xây dựng lại cơ cấu tổ chức hội từ trên xuống. Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), bộ công cụ có 5 yếu tố với những chi tiết dễ nhớ. Song khi thực hiện, nhóm nghiên cứu cũng nên lưu ý yếu tố chất lượng đội ngũ lãnh đạo của tổ chức hội, dù khó đánh giá nhưng vẫn cần xem xét. "Vì khi nói chuyên trách bao nhiêu người là sẽ biết ngay tổ chức hội đó mạnh hay không", ông Hưng chia sẻ.
Một yếu tố nữa được đại diện Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM quan tâm và đề nghị bổ sung là năng lực ban lãnh đạo hội. Cụ thể cũng nên có những tiêu chí như tâm huyết, thời gian... dành cho đội ngũ này để tạo ra tính kế thừa theo hướng tốt cho hội. Trên thực tế, đại diện các hội ngành nghề đều đánh giá rất cao dự án "Bộ công cụ tự đánh giá, chẩn đoán năng lực của các HHDN Việt Nam".
Theo đại diện các tổ chức hội, điều này sẽ phần nào giúp các hội dần hình thành thói quen tiến tới sự chuyên nghiệp trong điều hành hội dù là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các DN, và họ rất mong được Nhà nước ghi nhận và khuyến khích.