Đây là câu hỏi mà hầu hết các doanh nhân tương lai đều trả lời sai

ĐINH VÂN| 10/09/2018 09:30

Vào đầu mỗi học kỳ, Noam Wasserman đều hỏi các sinh viên một câu như sau: Tầm quan trọng của niềm đam mê đối với “tinh thần doanh nhân” lớn đến mức nào?

Đây là câu hỏi mà hầu hết các doanh nhân tương lai đều trả lời sai

Wasserman là người sáng lập kiêm giám đốc Founder Central Initiative tại trường Kinh doanh Marshall thuộc Đại học Nam California, và ông nhận thấy hầu hết các sinh viên đều đắm chìm trong những nhận thức sai lầm về tinh thần doanh nhân.

"Chúng ta thường nghe những mỹ từ người ta nói về niềm đam mê, ‘đam mê là điều không gì có thể thay thế. Đam mê là yếu tố chủ chốt giúp tôi thành công…" Và sau đó ông trình bày về một trường hợp để chứng minh rằng "đam mê có thể trở thành yếu điểm chí mạng của bạn".

Link bài viết

Wasserman còn nói cụ thể hơn: niềm đam mê có thể dẫn bạn đến nhận thức sai lầm là mình đã sẵn sàng để mở một công ty (mặc dù thực tế thì chưa), hoặc khiến cho bạn tin rằng ý tưởng của mình có giá trị hơn nhiều so với thực tế.

Sự chuẩn bị có thể còn quan trọng hơn đam mê

Nhiều người trong giới khởi nghiệp mô tả niềm đam mê là thành phần chủ chốt để lập ra – và điều hành – một công ty. Nhà đầu tư "Shark Tank" Lori Greiner cho biết: "Tôi đã thấy nhiều doanh nhân giỏi thuyết phục người khác mua hoặc đầu tư vào những thứ mà họ không bao giờ có dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ngoài niềm đam mê".

Tuy nhiên nghiên cứu và kinh nghiệm lại cho thấy đam mê quá lớn có thể phản tác dụng. Nó không chỉ dẫn đến những quyết định kinh doanh sai lầm, mà còn là một yếu tố khiến các nhà đầu tư tiềm năng tránh xa bạn.

Các tác giả của một nghiên cứu đăng trên tập san Frontiers of Entrepreneurship Research cho rằng sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm được thể hiện ra một cách gượng ép hoặc giả tạo có thể khiến các nhà đầu tư ít quan tâm hơn đến việc cấp vốn cho bạn. Tuy nhiên nếu bạn tỏ ra là mình đã chuẩn bị kỹ lưỡng, họ sẽ thấy tin tưởng hơn và dường như điều này còn quan trọng hơn rất nhiều so với niềm đam mê.

Một nghiên cứu khác về các bài thuyết trình của các doanh nhân khi gọi vốn cho thấy tâm thế điềm tĩnh nhìn chung sẽ thuyết phục hơn so với sự nhiệt tình được thể hiện một cách thiếu kiểm soát.

Mở một công ty vì bạn đam mê về ý tưởng còn có thể cực kỳ thiếu thực tế. Chuyên gia Carol Roth từng viết, đam mê có thể ít nhiều khiến bạn kiêu ngạo. "Doanh nghiệp được sinh ra từ nhu cầu của thị trường chứ không phải bạn", bà viết.

Đam mê thường đến sau nỗ lực của một doanh nhân

Tất cả những điều này không có nghĩa là bạn không nên phấn khích về việc mở một công ty. Nhưng mối liên hệ giữa niềm đam mê và thành công trên thương trường lại phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Academy of Management vào năm 2014 cho thấy đam mê bắt nguồn từ công sức đã bỏ ra và thành quả đã đạt được của một doanh nhân.

Hoặc như Ramit Sethi, tác giả của cuốn sách "Tôi sẽ dạy bạn làm giàu", đã nói: "Bạn thấy đam mê một việc khi bạn giỏi việc đó". Thay vì chờ đợi, hãy theo đuổi những thứ bạn quan tâm và có khả năng làm, hoặc làm tốt. Như vậy rốt cuộc bạn sẽ trở nên đam mê những thứ đó.

(Theo Tri Thức Trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đây là câu hỏi mà hầu hết các doanh nhân tương lai đều trả lời sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO