Vốn ảo và giám đốc mượn

Gia Lê| 10/03/2020 01:00

Thực tế hiện nay không cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ của doanh nghiệp đã đăng ký, nên trong nhiều trường hợp cổ đông có thể khuếch đại vốn điều lệ nhằm tạo niềm tin cho đối tác, ngân hàng để dễ bề vay vốn sau này.

Vốn ảo và giám đốc mượn

Ngay sau khi thông tin báo chí phản ánh, một trong ba cổ đông của USC Interco phản hồi rất hồn nhiên rằng “ăn bữa nay còn lo bữa mai, cứ kê thế cho oai”.

Vụ các cổ đông Công ty CP Tư vấn Đầu tư Quốc tế và Dịch vụ Thương mại (USC Interco) đăng ký vốn điều lệ khi thành lập công ty lên tới 144.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD, cao nhất trong số doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đã gây ra bao chuyện dở khóc dở cười trong những ngày qua. Từ sự kiện này càng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong việc đăng ký thành lập DN hiện nay.

Ngay sau khi thông tin báo chí phản ánh, một trong ba cổ đông của USC Interco phản hồi rất hồn nhiên rằng “ăn bữa nay còn lo bữa mai, cứ kê thế cho oai”. Sau đó, thông tin cuối cùng được các cổ đông công ty này thừa nhận là do người đi đăng ký say rượu, nhiều chữ số quá nên ghi nhầm. Hiện tại, ba cổ đông của USC Interco đang làm thủ tục để hủy hồ sơ đăng ký thành lập công ty.

Việc kê khống vốn điều lệ không phải là chuyện hiếm hiện nay. Về cơ bản, vốn điều lệ công ty là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, mức vốn điều lệ tối đa là bao nhiêu khi đăng ký thành lập DN với những ngành nghề thông thường. Đối với những ngành nghề kinh doanh đặc thù như ngân hàng, tài chính, bất động sản, dịch vụ đòi nợ... mới cần có vốn điều lệ tối thiểu bằng vốn pháp định.

Do đó, DN muốn đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu cũng được, miễn là trong vòng 90 ngày phải nộp đủ số tiền đã đăng ký, sau 90 ngày, nếu chưa thực hiện được, DN vẫn có thêm 60 ngày tiếp theo để điều chỉnh. Nếu không có đủ số tiền đã đăng ký sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. 

Việc kê khống vốn điều lệ không phải là chuyện hiếm hiện nay.

Việc kê khống vốn điều lệ không phải là chuyện hiếm hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay không cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ của DN đã đăng ký. Vốn điều lệ không chỉ được góp bằng tiền mặt, mà còn là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng tiền.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp cổ đông có thể định giá tài sản góp vốn kể trên lên thật cao so với giá trị thật để khuếch đại vốn điều lệ cho công ty nhằm tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng để dễ bề vay vốn sau này.

Hiện tại, việc để vốn điều lệ bao nhiêu không ảnh hưởng quá nhiều tới kinh doanh của DN, mà chỉ tác động tới mức lệ phí môn bài phải đóng, tuy nhiên con số này rất thấp. Cụ thể, vốn đăng ký từ 10 tỷ đồng trở xuống phí môn bài là 2 triệu đồng/năm, còn trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm.

Việc mượn thông tin cá nhân, địa chỉ gia đình để làm thủ tục đăng ký DN, thuê người đại diện pháp luật, như vụ việc của USC Interco cũng rất phổ biến.

Có thể người chủ DN vì lý do nào đó không đủ điều kiện hay không muốn đứng tên đại diện pháp luật cho công ty, hoặc trong nhiều trường hợp do kinh doanh những ngành nghề nhạy cảm, lường trước những hậu quả pháp lý có thể xảy ra sau này nên thuê người đại diện để dễ bề rút lui.

Qua nhiều vụ án kinh tế đã được đưa ra xét xử, khá nhiều DN có người đại diện pháp luật chưa học hết phổ thông cơ sở, là người lao động bình thường, được thuê để ký kết các hợp đồng cho công ty mà không hiểu rõ, nắm bắt bất kỳ điều gì về hoạt động của DN. Tình trạng này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xử lý, truy tố các ông chủ thật sự đứng đằng sau hoạt động của các công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ảo và giám đốc mượn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO