Trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đối mặt với áp lực đáo hạn

Gia Lê| 15/02/2023 06:00

Sẽ có hơn 285.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong năm 2023, đây sẽ là một trong những áp lực lớn đối với lĩnh vực này trong thời gian tới.

Riêng trong tháng 1 vừa qua, lượng TPDN đáo hạn đã lên tới 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Đáng lưu ý là cũng trong tháng 1, các doanh nghiệp (DN) đã mua lại 8.068 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, chưa có đợt phát hành TPDN nào trong năm 2023. Trong khi cùng kỳ năm 2022 có 7 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 16 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị lên tới 25.923 tỷ đồng. 

Điều này cho thấy DN đang tiếp tục gặp áp lực lớn về dòng tiền, khi không chỉ việc phát hành mới để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu sắp đến hạn gặp rất nhiều khó khăn, mà còn phải cố tìm kiếm giải pháp, nguồn vốn để mua lại trước hạn một số trái phiếu có lẽ đã không thỏa quy định được phép pháp hành. Với kênh đầu tư này tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ, cộng thêm rủi ro của nhà đầu tư, các DN sẽ không còn dễ dàng phát hành trái phiếu để huy động vốn như giai đoạn trước.

Lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 theo tháng (Nguồn: VBMA)

Lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 theo tháng (Nguồn: VBMA)

Đáng lưu ý, lượng trái phiếu ngân hàng cũng sẽ đáo hạn rất lớn, do những năm gần đây các ngân hàng tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn vài ba năm để tận dụng lãi suất và cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, vì vậy thời gian tới lượng trái phiếu này sẽ bắt đầu được tất toán, ít nhiều gây áp lực lên huy động vốn của các nhà băng, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh lãi suất quyết liệt như hiện nay.

Theo ước tính của VCBS, khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 ở mức 250.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với quý III/2022 do nhiều DN tiếp tục chủ động mua lại trái phiếu trước hạn.  Đáng chú ý, giá trị mua lại trái phiếu ngành ngân hàng và bất động sản trong quý IV vừa qua lần lượt đạt 35.000 tỷ đồng và 24.000 tỷ đồng.

Hiện quy mô dư nợ thị trường TPDN chưa tới 15% GDP, trong đó riêng TPDN riêng lẻ khoảng 12,5% GDP (khoảng 1,19 triệu tỷ đồng), còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025. 

Dù vậy, với việc nhà đầu tư không còn mặn mà với kênh đầu tư này, đặc biệt là lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, mục tiêu phát triển thị trường TPDN sẽ gặp nhiều thách thức, khi các nhà đầu tư cá nhân dễ bị thu hút bởi kênh tiết kiệm. Bên cạnh đó, lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường.

Đối với nhà đầu tư tổ chức, nhu cầu đầu tư các khoản TPDN được dự báo giảm khi mức độ rủi ro được đánh giá tăng thêm. Cùng với đó, lựa chọn kênh đầu tư trái phiếu chính phủ đã trở lại do mức định giá hấp dẫn so với nhiều năm trước. Theo giới phân tích tài chính, năm 2023 cũng là thời điểm đẩy mạnh tái cấu trúc trái phiếu sắp tới hạn. Vì vậy thị trường TPDN sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đối mặt với áp lực đáo hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO