Nhiều doanh nghiệp mạnh tay chia cổ tức

Khánh Phương| 13/07/2020 07:00

Dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu, việc nhiều doanh nghiệp chia cổ tức khá cao có thể giúp thị trường bớt bi quan, nhà đầu tư tìm được hứng khởi...

Từ công ty...

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) - "ông lớn" trong ngành sản xuất thép - gần đây công bố phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 25%, trong đó 5% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu. Theo đó, số lượng cổ phiếu phát hành để trả cổ tức là hơn 552 triệu, tương đương giá trị theo mệnh giá là 5.522 tỷ đồng. Với phương án trả cổ tức bằng tiền mặt 5%, tổng giá trị tiền mặt dự kiến chi trả là 1.380 tỷ đồng. Từ mức đáy ở vùng gần 15.000đ/CP vào cuối tháng 3, giá cổ phiếu HPG đã tăng gần gấp đôi trong thời gian qua.

Ngày 30/6/2020, tại đại hội cổ đông, Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố trả cổ tức bằng tiền mặt 10% (1.000đ/CP), với thời gian chi trả trong vòng 6 tháng tới. Đáng lưu ý là Masan Consumer - một thành viên của Masan đã đề xuất mức cổ tức bằng tiền mặt lên tới 45%. Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, MSN vẫn đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 75.000-85.000 tỷ đồng, tăng trưởng 101-128% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận thiểu số đạt từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Dù vậy, giá cổ phiếu của MSN trong tháng 6 vừa qua đã mất đến 16%.

bai-1-profit-sharing-watermark-9375-4073

Trước đó, vào ngày 26/6/2020, đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) đã phê duyệt chính sách cổ tức bằng tiền năm 2020 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất, đồng thời dự kiến mức chia cổ tức năm 2019 tối thiểu là 50%. Đến thời điểm này, cổ đông của VNM đã được chi trả hai đợt cổ tức 2019; kỳ 3 của năm 2019 dự kiến sẽ được thanh toán trong tháng 7 này.

Mới đây nhất, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã công bố sẽ dành gần 600 tỷ đồng tiền mặt chi trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông, cao nhất trong ngành bảo hiểm. BVH cho biết, đã chi gần 9.000 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi cổ phần hóa năm 2007. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 23.000 tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông cũng là trường hợp của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA), khi doanh nghiệp này dành hơn 6.979 tỷ đồng chia cổ tức, tương ứng tỷ lệ 52,52% (1 cổ phiếu được nhận về 5.252 đồng), theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2019. Được biết Quỹ Đầu tư Pyn Elite Fund đã đã tăng tỷ trọng VEA trong giai đoạn Covid-19 và hiện VEA chiếm tỷ trọng hơn 11%, lớn nhất danh mục quỹ. VEA có cổ phần lớn tại các hãng xe ở Việt Nam như Honda, Toyota, Ford.

Một tập đoàn lớn khác của Nhà nước là Tổng công ty CP Khí Việt Nam - PV GAS (HoSE: GAS) cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ chia cổ tức là 45% vốn điều lệ (so với kế hoạch là 30%) và trước đó PV GAS đã tạm ứng 10%. Với 35% còn lại sắp chi, số tiền mà PV GAS phải bỏ ra khoảng 6.700 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2020, GAS dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền mặt.

... Đến ngân hàng

Không chỉ công ty, một số ngân hàng cũng mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông trong năm nay. Sau khi trả cổ tức tỷ lệ 26,85% bao gồm cả cổ tức tiền mặt, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu quỹ trong năm 2019, năm nay Ngân hàng TMCP Quốc tế (UPCoM: VIB) dự kiến thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỷ lên 11.094 tỷ đồng.

3432423-6450-1594365461.jpg

Không kém cạnh, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) cũng chia cổ tức năm 2019 ở mức 30% bằng cổ phiếu và cả tiền mặt. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nên ACB chuyển sang chia cổ tức toàn bằng cổ phiếu.

Sau khi phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu vào đầu năm nay để trả cổ tức năm 2017 và 2018 từ nguồn lợi nhuận để lại đến ngày 31/12/2018 cho cổ đông, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) sẽ tiếp tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 11% vào quý III tới.

MBBank và OCB cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu lần lượt với tỷ lệ 15% và từ 25-27%.

Tuy nhiên, đáng kể nhất là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HoSE: HDB), khi đại hội cổ đông 2020 đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Theo đó, cổ đông HDBank sẽ được nhận 50% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng.

Có thế thấy bên cạnh những ngân hàng vẫn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức qua nhiều năm để có nguồn lực phục vụ kinh doanh, vẫn có số ít ngân hàng mạnh tay chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, với đặc thù thường chịu ảnh hưởng mạnh trước những rủi ro của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch như hiện nay, các ngân hàng thường lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Dù bằng tiền mặt hay cổ phiếu, việc các doanh nghiệp chia cổ tức hấp dẫn có thể giúp thị trường bớt bi quan, nhà đầu tư tìm được nguồn hứng khởi. Thực tế cũng cho thấy, dòng tiền thường có xu hướng lựa chọn những doanh nghiệp có tỷ lệ chia cổ tức cao để ăn cổ tức, hoặc chí ít cũng để lướt sóng ngắn hạn theo những tin tức tích cực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp mạnh tay chia cổ tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO