Ngành nào sẽ hưởng lợi từ các gói kích thích phát triển kinh tế?

Gia Lê| 14/12/2021 01:00

Tỷ lệ các gói hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam trong hai năm qua có quy mô khá khiêm tốn so với GDP, vì vậy khả năng các gói kích thích phát triển sắp tới sẽ sớm được phê duyệt với số tiền rất lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tổ chức hôm 5/12/2021, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế tham dự, quy mô gói phục hồi kinh tế sắp tới có thể vào khoảng 5,5-8% GDP, tức khoảng 445.760-666.000 tỷ đồng, trải rộng ở các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác. Thâm hụt ngân sách khi thực hiện các gói hỗ trợ này sẽ tăng khoảng 1 điểm % mỗi năm trong giai đoạn 2022-2023.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là một trong 5 nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp bất thường sắp tới. Theo ông Thanh, gói hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi trở lại trong bối cảnh cả doanh nghiệp (DN) lẫn người dân đều hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

bai-1-7502-1639108217.jpg

Trong đó, các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp gồm bất động sản (BĐS), xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng không, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin (CNTT). Với việc đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt trong nền kinh tế, cũng như tạo sự lan tỏa thúc đẩy các ngành khác phát triển theo, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng sẽ có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất.

Trong khi đó, ngành BĐS sẽ hưởng lợi trước các gói kích thích kinh tế, khi chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói tài chính linh hoạt sẽ thúc đẩy nhu cầu vay đầu tư, mua nhà, trong khi các DN BĐS có dự án phát triển ở các địa bàn gần các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được lợi kép nhờ giá đất trong khu vực tăng. 

Những nhóm ngành sử dụng nhiều lao động nhưng đã bị tổn thương không ít trong đợt dịch bệnh vừa qua như hàng không, dịch vụ, du lịch hay nông nghiệp cũng sẽ là đối tượng ưu tiên nhận các gói hỗ trợ nhất. Trong các gói kích thích phát triển kinh tế này, không loại trừ khả năng sẽ có các gói cấp bù lãi suất dành cho các ngành nghề đã bị thiệt hại nặng nề trong hai năm qua.

Dịch bệnh đã làm bộc lộ những điểm yếu cốt lõi của nền kinh tế hiện nay, cũng như càng thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế. Do đó, nhóm ngành CNTT tất yếu sẽ được hưởng lợi, khi các gói kích thích sẽ dành một phần để phát triển nền kinh tế số. 

Dịch bệnh đã làm bộc lộ những điểm yếu cốt lõi của nền kinh tế hiện nay, cũng như càng thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế. Do đó, nhóm ngành CNTT tất yếu sẽ được hưởng lợi, khi các gói kích thích sẽ dành một phần để phát triển nền kinh tế số.

Các nhóm ngành sản xuất, xuất nhập khẩu cũng được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi nhờ các gói kích thích này. Xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ dịch bệnh dần được đẩy lùi và nhu cầu tiêu dùng ở các nước phục hồi mạnh mẽ. Điều này tạo ra nhiều tiềm năng cho DN xuất khẩu thuộc các nhóm hàng dệt may, giày, gỗ, sắt thép, thủy sản.

Thực tế cho thấy, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh những tháng qua, nhưng xuất khẩu các mặt hàng dệt may, thủy hải sản vẫn tăng trưởng tích cực, với số lượng đơn hàng truyền thống đã được lấp đầy kể từ đầu năm. 

Trong khi đó, nhóm ngành hưởng lợi gián tiếp có thể kể đến như vận tải, năng lượng, dầu khí, dịch vụ tài chính hay BĐS khu công nghiệp. Rõ ràng khi nền kinh tế được kích thích tăng trưởng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng gia tăng, trong khi vận tải cũng sẽ sớm phục hồi. Các DN ngành dầu khí, phân bón cũng được đánh giá khả quan nhờ triển vọng giá dầu phục hồi.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán. Với chính sách tiền tệ vẫn được nới lỏng, dư địa tăng trưởng quy mô kinh doanh của các nhà băng sẽ tiếp tục mở rộng. Với các gói hỗ trợ lãi suất thì DN có khả năng trả nợ tốt hơn, ngân hàng sẽ giảm bớt áp lực gia tăng nợ xấu. Cùng với đó, khi thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên nhờ chất xúc tác là các gói kích thích kinh tế, cũng giúp lợi nhuận các công ty chứng khoán tiếp tục tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành nào sẽ hưởng lợi từ các gói kích thích phát triển kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO