Doanh nghiệp dè chừng nguy cơ bị thâu tóm

Gia Lê| 15/07/2020 01:00

Từ đầu năm đến nay, không ít thương vụ thâu tóm và sáp nhập đã diễn ra khi các cổ đông nước ngoài mua đứt doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đó cũng là nỗi lo của không ít chủ DN trong khi nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong cuộc họp đại hội cổ đông của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH) mới đây, khi trả lời cổ đông về thực hư thông tin Công ty đang bị thâu tóm, Chủ tịch TDH khẳng định là có, nhưng không phải một tổ chức lớn đứng ra thực hiện, mà là các cá nhân. Các cá nhân đó làm trong một tổ chức lớn tiến hành việc này nhưng thương vụ thâu tóm đó đã thất bại.

Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), cổ đông cũng đặt câu hỏi về những tin đồn xoay quanh việc một DN bất động sản đang có ý định thâu tóm HBC thông qua việc ủy thác một quỹ đầu tư mua gom cổ phiếu. Theo lãnh đạo của Hòa Bình thì danh sách cổ đông có những tên tuổi đang là khách hàng của HBC, tuy nhiên tỷ lệ cổ phiếu không lớn đến mức chi phối. Riêng tin đồn Sovico mua hơn 50% cổ phần HBC thì ban lãnh đạo khẳng định không có.

bai-3-1-11805-5036-1594624234.jpg

Cách đây một tháng, trong vòng xoáy mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) và nhóm cổ đông ngoại của công ty này, Tổng giám đốc Coteccons bày tỏ lo ngại bị thâu tóm, khi nhóm cổ đông này đã yêu cầu bãi nhiệm cả chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc. Và thực tế mới đây cả hai người giữ cương vị này đã từ nhiệm. Theo đó, giá cổ phiếu CTD sau một thời gian lao dốc không phanh đã phục hồi trở lại.

Trước đó, vào đầu tháng 6, Tập đoàn Stark Corporation (Thái Lan) đã hoàn tất mua 100% cổ phần của Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty CP Kim loại màu và Nhựa đồng Việt Nam (Dovina - do các cổ đông của ThiPha Cable thành lập) với giá 240 triệu USD.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng, giá cổ phiếu sụt giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, không ít DN hiện nay đang đối mặt với thách thức có thể bị thâu tóm bất kỳ lúc nào.

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã tranh thủ cơ hội để thâu tóm một số DN Việt Nam bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần. Thay vì mất nhiều thời gian và thủ tục đăng ký vốn đầu tư trực tiếp, cách làm này giúp DN nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam nhanh và dễ dàng hơn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy hiện có 4.125 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,5 tỷ USD. Đáng lưu ý là có đến 3.259 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của DN Việt Nam mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 79% về số lượt và hơn 54% về giá trị.

Với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục được khi đại dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn, hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ nhiều DN Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây lưu ý phải ngăn chặn cho được tình trạng DN Việt Nam bị DN nước ngoài "thôn tính" thông qua hình thức mua bán cổ phiếu và chống tình trạng DN bị phá sản. Trong Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Chính trị yêu cầu hỗ trợ DN trong nước, kể cả DN nhà nước, DN tư nhân và DN FDI, không để bị lợi dụng thâu tóm DN bởi nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp dè chừng nguy cơ bị thâu tóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO