Bố trí cán bộ quản lý dự án công “có nghề”

TS. Huỳnh Thanh Điền| 13/03/2023 01:00

Thách thức lớn nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công của không chỉ tại TP.HCM mà cả các địa phương khác chính là vướng mắc về pháp lý và tâm lý. Bên cạnh đó, đầu tư công chậm còn có nguyên nhân do cán bộ yếu năng lực. Quản lý dự án đòi hỏi kiến thức chuyên sâu chứ không phải kiến thức chính trị.

Bố trí cán bộ quản lý dự án công “có nghề”

Vướng đâu, gỡ đó

Trong đó, pháp lý ảnh hưởng trực tiếp tới việc giải ngân vốn đầu tư công chính là một số quy định của Luật Đấu thầu đã bất cập trong quá trình thực hiện. Tháng 11/2022, Quốc hội thông qua Luật Đấu thầu sửa đổi, nhưng cũng còn vài điểm chưa thống nhất. Các quy định về phương thức đấu giá chưa tạo ra cơ chế linh hoạt trong mua sắm công  có chất lượng hàng hóa tốt, đáp ứng được yêu cầu sử dụng, nhất là việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Nhiều bệnh viện ngại mua sắm công, nếu làm tốt thì không sao, nhưng sai thì phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Một số lãnh đạo bệnh viện thấy thiếu thiết bị, thuốc men cũng muốn mua cho nhanh, nhưng mua thì lại sợ sai quy định đấu thầu. Đó là thực tế khách quan cần thẳng thắn nhìn nhận. 

Thời gian qua, việc chống tham nhũng được đẩy mạnh, cán bộ phải liêm chính là đúng. Khi cơ quan điều tra bắt những người vi phạm hoặc trong thời gian điều tra vụ án, một số công việc liên quan bị đình trệ. Trong thời gian này, chưa xác định đúng sai, nhưng tạo ra tâm lý không lãnh đạo nào muốn tổ chức mua sắm công. Tâm lý này phổ biến ở cả nước chứ không riêng gì tại TP.HCM. 

Do đó, việc Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tự hạ bậc thi đua cá nhân vì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp năm 2022, đồng thời thống nhất đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng hoan nghênh. Việc gắn KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc) trong việc giải ngân vốn đầu tư công là hợp lý, tạo ra xung lực làm việc cho các sở, ngành của TP.HCM. 

Link bài viết

Đầu tư công là dùng ngân sách nhà nước thì phải làm đúng quy định của pháp luật, chịu sự kiểm tra chéo của các cơ quan có chức năng. Thủ tục phải trải qua rất nhiều bước, nhiều sở, ngành, nhiều thủ tục phải lên tới Trung ương, rất tốn thời gian. Có những công trình đầu tư công, chỉ khâu phê duyệt đã lên tới hằng năm (lập dự án, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu, chọn thầu, phê duyệt đấu thầu...). Tùy từng quy mô công trình đòi hỏi các cấp khác nhau phê duyệt, cần sự phối hợp của nhiều sở, ngành dẫn đến thời gian kéo dài. Do đó, khi hợp đồng thực hiện các dự án công được triển khai đã cách thời gian lập dự toán ba bốn năm, vốn đầu tư lúc này bị đội lên, khác xa với dự toán ban đầu nên phải làm lại và quy trình lẩn quẩn ấy lại lặp lại. Tình trạng này đã tồn tại rất nhiều năm. 

Có thể thấy, đầu tư công chậm, nguyên nhân cốt lõi là do cơ chế, chính sách giải ngân vốn đầu tư liên quan đến các quy định, thủ tục. Vì vậy, để gỡ được nút thắt này, các cơ quan hữu trách Trung ương phải thẩm định lại các quy định pháp luật để sửa đổi cho ngắn ngọn, súc tích, tính thực tiễn cao, phù hợp với địa phương. 

Hiện nay, nếu không giải tỏa được tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức thì việc đầu tư công sẽ trì trệ, hồ sơ sẽ bị treo, bởi họ sẽ viện cớ làm đúng quy trình. Đó là trạng thái "thủ thân", không có động lực để việc chạy. 

Theo tôi, việc các địa phương đẩy mạnh tiến độ đầu tư công là rất đáng hoan nghênh, nhưng cần đặt ra mục tiêu là phải thực hiện các công trình tốt nhất thay vì tỷ lệ giải ngân cao. Chính quyền các địa phương có thể lên danh sách cấp vốn cho các dự án tạo ra cơ sở hạ tầng tốt, như đường vành đai 3 ở TP.HCM chẳng hạn, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hay những công trình kiến tạo không gian mới làm đẹp diện mạo thành phố thì tập trung nguồn lực để thực hiện, đưa vào sử dụng sớm.

Trong trường hợp triển khai công trình đầu tư công gặp vướng mắc thì thành phố phải lập ra tổ công tác liên ngành bàn cách giải quyết. Lĩnh vực nào vướng mắc thuộc sở, ngành nào thì kiến nghị với các cấp liên quan giải quyết ngay. Ví dụ như đối với  đường vành đai, metro, nếu vướng thì nên sửa nghị định, thông tư nào, tổ liên ngành này sẽ phải kiến nghị cụ thể. 

Bố trí cán bộ quản lý dự án "có nghề"

Bên cạnh đó, đầu tư công chậm còn có nguyên nhân do cán bộ yếu năng lực. Quản lý dự án đòi hỏi kiến thức chuyên sâu chứ không phải kiến thức chính trị. Nên có cơ chế thuê người quản lý dự án chuyên nghiệp, bởi nếu bố trí cán bộ không phù hợp thì không thể giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ. 

Thẳng thắn nhìn nhận thì ngoài vướng mắc về pháp lý, nhiều nhân sự được bố trí quản lý dự án đầu tư công chưa hẳn đã được đào tạo về cách quản lý. Điều này tương tự như một bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc biết quản lý bệnh viện.

Thẳng thắn nhìn nhận thì ngoài vướng mắc về pháp lý, nhiều nhân sự được bố trí quản lý dự án đầu tư công chưa hẳn đã được đào tạo về cách quản lý. Điều này tương tự như một bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc biết quản lý bệnh viện. Có người sai trong khi quản lý công trình do không biết chứ không phải cố ý làm sai. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần phải lưu ý tới việc bố trí và đào tạo nhân sự có đủ kỹ năng và có tâm thì công việc mới chạy được. 

Theo tôi, TP.HCM muốn đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể xã hội hóa bằng cách thực hiện theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT): giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện, sau đó tạo điều kiện cho họ khai thác mà không cần thu phí trong quá trình vận hành. Để có nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư công hiệu quả, TP.HCM có thể phát hành trái phiếu cho từng công trình. Vốn huy động từ nhân dân thì TP.HCM xây dựng cơ chế để hoàn trả cho người dân mua trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu cho các dự án đầu tư công đã được đề cập từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa triển khai.

Quan điểm của tôi là TP.HCM có thể tập trung xây dựng một vài công trình trọng điểm để đưa vào sử dụng sớm. Khi đó, người dân được hưởng lợi từ các công trình ấy, chắc chắn sẽ ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và ủng hộ chủ trương triển khai đối với các công trình khác bằng cách mua trái phiếu. Tôi hy vọng với những nỗ lực của chính quyền và Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ có bộ máy làm việc chăm chỉ, hiệu quả hơn. 

Vân Ly (lược ghi)

TS. Võ Duy Nghi - Viện Quản trị và công nghệ FSB, Đại học FPT: Phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm

Một đòi hỏi rất chính đáng của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án có vốn đầu tư công là được phân cấp, phân quyền để họ chủ động trong việc ra quyết định nhằm rút ngắn thời gian thi công, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Chính quyền TP.HCM với tư cách là người ra quyết định đầu tư nên phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho các chủ đầu tư, ban quản lý và quận, huyện một số thẩm quyền theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu để các cơ quan, đơn vị này chủ động trong lĩnh vực đầu cư công. 

Cùng với phân cấp, phân quyền là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. TP.HCM cần có chế tài xử lý người đứng đầu các ban, ngành, chủ đầu tư sợ trách nhiệm, chậm trễ trong việc ra quyết định làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu TP.HCM đã dũng cảm trong việc nhận hạ bậc thi đua năm 2022 là hành vi nêu gương để xử lý cán bộ các cấp nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Cần có quy trình công khai, minh bạch, quy định rõ trách nhiệm và mức xử lý kỷ luật nếu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của từng cấp, bộ phận liên quan. Đây có thể xem là chỉ tiêu đánh giá KPI hằng năm cán bộ, công chức trong lĩnh vực đầu tư công.  

Lãnh đạo TP.HCM cần chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án căn cứ vào quy định khung của những bộ luật liên quan xây dựng quy trình rút ngắn thủ tục thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu thanh toán để giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian sớm nhất. Cần kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức cố tình gây những nhiễu, kéo dài quá trình phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán. Quy trình phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán cần minh bạch gắn với mốc thời gian cụ thể là công cụ hữu hiệu để người lãnh đạo kiểm tra, giám sát công chức dưới quyền, đồng thời đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bố trí cán bộ quản lý dự án công “có nghề”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO