Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, giao nhận vận tải Việt Nam tăng 6,2% vào năm 2017 và kỳ vọng đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm 2019, tạo đà cho các "ông lớn" logistics mở cuộc đua đầu tư vào thị trường trọng điểm này.
Đọc E-paper
DHL Supply Chain vừa công bố kế hoạch đầu tư khoảng 83 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar trước năm 2020, xây dựng nhiều cơ sở mới, tăng số xe tải và đầu tư vào công nghệ mới trong vòng ba năm tới. Mới đây, FedEx Trade Networks đã mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. Ông Udo Lange - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành FedEx cho biết: "Sau 8 năm hoạt động với sự tăng trưởng tốt, cơ hội phát triển tại Việt Nam còn rất lớn nên FedEx quyết định mở rộng đầu tư, đầu tiên là việc thành lập văn phòng chính thức tại TP.HCM".
Cũng theo ông Udo, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, đặc biệt các ngành sản xuất thu hút đầu tư ngày càng nhiều, nhất là khi các dòng thuế quan giữa các nước thành viên trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN về 0% càng tạo thêm động lực thúc đẩy thương mại, dẫn đến nhu cầu giao nhận vận tải gia tăng, dự kiến sẽ có doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm 2019. Sự tăng trưởng này không chỉ tạo cơ hội cho các tập đoàn giao nhận quốc tế mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa từ nước ngoài.
Để chiếm thị phần đầy hấp dẫn này, cả DHL lẫn FedEx đều có nhiều lợi thế. Cách nay không lâu, DHL Express đã khai trương văn phòng giao dịch thứ 12 tại Việt Nam và khẳng định là một trong số ít đơn vị giao nhận sở hữu chuyến bay thẳng từ TP.HCM - Hà Nội và ngược lại mỗi ngày.
Đón đầu thương mại điện tử sẽ tăng khoảng 23% mỗi năm từ nay đến năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến Việt Nam cũng cần các giải pháp hậu cần, vận chuyển chất lượng cao để mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động. Giữa tháng 7 vừa qua, DHL eCommerce đã ra đời dịch vụ được thiết kế phù hợp với sự bùng nổ thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến gia tăng thị phần.
Dù thị trường giao nhận thương mại điện tử ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu và cũng chưa thể chia sẻ cụ thể về con số đầu tư, nhưng ông Thomas Harris, Giám đốc Điều hành của DHL eCommerce Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi đã tính toán thời điểm đầu tư và đây là thời điểm thích hợp. Vài tháng trước, DHL đã đầu tư hai trung tâm giao nhận tại TP.HCM, Hà Nội và 9 nhà kho, đào tạo 300 nhân viên, trang bị phương tiện vận chuyển là xe máy điện. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư mạnh trong thời gian tới".
Nếu như DHL cho rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực quan trọng nhất của Công ty, đóng góp đáng kể vào doanh thu năm 2016 và đã có những đầu tư đón đầu vào lĩnh vực giao nhận thương mại điện tử thì FedEx khẳng định, Việt Nam là thị trường quan trọng của Hãng với tốc độ phát triển vượt 14% tốc độ chung của thị trường logistics ở Việt Nam, do đó đã tự tin đưa ra dịch vụ nhắm đến khách hàng B2B và B2C.
Ông Udo Lange cho rằng: "Với các đơn vị giao nhận khác thì thường chỉ tập trung vào khách hàng B2B, nhưng với lợi thế của FedEx là có đủ các dịch vụ từ hàng không đến đường biển, hệ thống đặt hàng logistics toàn cầu cũng như cơ sở dữ liệu để khách hàng truy cập, lập báo cáo các đơn hàng nên có thể kết nối nhiều phương thức với nhau".
Trong khi DHL tìm lợi thế cạnh tranh khác biệt là dịch vụ "đo ni đóng giày" cho doanh nghiệp kinh doanh điện tử, đặc biệt đội ngũ xe máy luôn sẵn sàng giao hàng trong thời gian một vài ngày thì FedEx lại tập trung vào khách hàng từ những công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu là những tập đoàn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác.
Theo FedEx, Việt Nam đang có thế mạnh về các mặt hàng xuất khẩu thuộc các lĩnh vực may mặc, đồ gỗ, giày dép và điện tử. Đây đều là những lĩnh vực chúng tôi có kinh nghiệm vận chuyển, có thể cung cấp giải pháp cho công ty nước ngoài cũng như công ty Việt Nam. Phục vụ tốt khách hàng "đầu xuất" nên chúng tôi được nhiều doanh nghiệp thuê vận chuyển hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Để giành thế chủ động nguồn khách này, FedEx đã đưa ra nhiều dịch vụ khác biệt, như Garment-on-hanger, nghĩa là quần áo treo trực tiếp trên móc trong khi vận chuyển, được hỗ trợ bởi các dịch vụ kèm theo như khả năng theo dõi chuỗi cung ứng và báo cáo trực tuyến thông qua My Global Trade Data.
Đây là dịch vụ vận tải hàng không có giá trị gia tăng cao và rất khác biệt cho khách hàng ngành thời trang cao cấp. Thông thường, quần áo khi vận chuyển được xếp lại, đóng gói để tiết kiệm diện tích, nhưng khi người nhận hàng mở ra, sẽ có nhiều nếp gấp và không thể ngay lập tức đưa ra bán.
Không chỉ cạnh tranh về dịch vụ, tiềm lực đầu tư, cả DHL lẫn FedEx còn đua nhau thế mạnh "môi giới" dịch vụ về thương mại và hải quan. Ông Udon lý giải: "Một trong những vấn đề khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ chính là làm thế nào khai thuế hải quan, xác định đúng loại thuế phải nộp để tiết kiệm chi phí. FedEx có hệ thống môi giới hải quan tốt nhất tại khu vực Bắc Mỹ. Nhờ vào những kinh nghiệm và hiểu biết về luật pháp khu vực mà FedEx giúp khách hàng tránh gặp phải các rắc rối và bị phạt khi không tuân thủ đúng luật lệ hải quan và thuế”.
Mặc dù kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, nhưng cả hai "ông lớn" đều không tránh khỏi khó khăn khi thị trường này vẫn có những "khác biệt". Cụ thể, với dịch vụ vận chuyển B2C, DHL hiện mới đảm đương một phần tại TP.HCM và Hà Nội, trong tương lai gần có thể là Đà Nẵng và một số đô thị khác. Với những địa bàn còn lại, DHL còn phải phụ thuộc vào đối tác.
Ngay cả thế mạnh tạo nên sự khác biệt của DHL đó là giao nhận hàng xuyên biên giới thì dịch vụ này cũng mới chỉ được triển khai một chiều đi từ Việt Nam với một số mặt hàng như thời trang, đồ mỹ nghệ, còn việc nhận hàng chiều đến thì khó khăn hơn rất nhiều. Phía FedEx cũng cho rằng hạ tầng của Việt Nam là thách thức rất lớn cho kế hoạch tăng tốc của Hãng.