Đầu tư ngành năng lượng và nỗi lo môi trường

N.BẢO| 12/07/2017 08:50

Trong 6 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện đứng thứ hai trong số 18 ngành, lĩnh vực thu hút vốn ngoại, với tổng mức đầu tư đăng ký là 5,25 tỷ USD, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư.

Đầu tư ngành năng lượng và nỗi lo môi trường

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện đứng thứ hai trong số 18 ngành, lĩnh vực thu hút vốn ngoại, với tổng mức đầu tư đăng ký là 5,25 tỷ USD, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư.  

Đọc E-paper

Trong số 5 dự án đóng góp vào thành tích thu hút vốn ngoại nửa đầu năm 2017, có đến hai dự án thuộc nhóm sản xuất năng lượng, cụ thể là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, với tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD, do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Nam Định cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT nhiệt điện Nam Định 1 cho Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ Nhất. Đây là công ty do liên danh giữa Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (A-Rập-Xê-Út) góp vốn thành lập. Dự án được thực hiện trên cơ sở hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao ký kết với Bộ Công Thương, có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, quy mô 242,71 ha, tọa lạc tại xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu.

Được biết, trước khi được trao giấy chứng nhận đầu tư, các bên liên quan đã trải qua 10 năm đàm phán và đây cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Nam Định. Dự án nhà máy nhiệt điện đốt than này có công suất khoảng 1.109,4 MW, bao gồm hai tổ máy (với công suất mỗi tổ khoảng 554.7 MW và thời hạn vận hành của hợp đồng BOT này là 25 năm sau ngày vận hành thương mại của nhà máy).

Trái ngược với vốn đầu tư "khủng" của các dự án nhiệt điện, một thống kê khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tính đến tháng 4/2017, cả nước đã thu hút khoảng 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực năng lượng xanh (sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối), song tổng số vốn đầu tư đăng ký chỉ ở mức trên 773 triệu USD, chiếm 14,5% về số dự án và 6% tổng số vốn đầu tư đăng ký trong ngành điện và khí đốt.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.

>>Năng lượng sạch: Giá sẽ giảm dần

Hơn nữa, Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030) cho thấy, khoảng 11 dự án BOT nhiệt điện trải đều từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung cho đến tây Nam bộ đã có nhà đầu tư ngoại, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Các dự án này đều có công suất lớn và được thực hiện trong giai đoạn từ 2014 - 2020.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, các tập đoàn đa quốc gia thường nhắm đến việc tham gia vào thị trường phát điện tại Việt Nam thông qua các hợp đồng BOT với giá trị hàng tỷ USD, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nhiệt điện, bởi chi phí đầu tư thấp hơn đầu tư vào năng lượng sạch nên không lo ngại chuyện giá bán điện cho EVN.

Thêm nữa, các hợp đồng BOT cho phép họ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng và vận hành nhà máy, cho phép họ tiếp cận, hoàn tất thủ tục sớm, thu hồi vốn và chi phí hoạt động nhanh.

Còn nhớ năm 2016, Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) đã đề xuất đầu tư Nhà máy Nhiệt điện than Long An 1 (huyện Cần Giuộc, Long An) với tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, công suất 1.320MW, dự kiến đưa vào vận hành sau năm 2020.

Được biết, Daewoo đã xây dựng hơn 50 nhà máy nhiệt điện than, điện thủy triều, hạt nhân, thủy điện với công suất khoảng 30.000MW tại Hàn Quốc, Trung Đông và một số quốc gia châu Á khác. Song những năm trở lại đây, Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than, đồng thời giai đoạn 2017 - 2031 sẽ không có kế hoạch xây thêm nhà máy điện than, lý do lớn nhất là để đảm bảo vấn đề môi trường.

Do vậy, dù đăng ký đầu tư với số vốn lớn nhưng theo các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước trung ương lẫn các địa phương thu hút đầu tư cần phải xem xét sự "dịch chuyển" của các dòng đầu tư, đồng thời, nếu tiếp nhận phải yêu cầu chủ đầu tư dự án thực hiện khảo sát nghiêm túc và trình báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với những dự án nguy cơ ô nhiễm cao, điển hình như nhiệt điện, vốn có khả năng phát tán bụi, tro xỉ và nước thải công nghiệp khá lớn, nhằm tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như Formosa. 

>> Năng lượng Mặt trời: Động lực mới của thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư ngành năng lượng và nỗi lo môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO