Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP: Cần đo lường được hiệu quả dự án

Gia Thắng| 05/09/2019 07:16

Tại Hội thảo "Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng" vừa qua, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết hiện nay, nhu cầu đầu tư nguồn lực cho kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn. Một trong những giải pháp thu hút vốn cho hạ tầng giao thông chính là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP: Cần đo lường được hiệu quả dự án

“Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này trong quá trình phát triển đất nước, trong đó phải kể đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu phát triển đất nước, nên rất cần huy động vốn từ các khu vực ngoài nhà nước bởi trên thực tế ngân sách Nhà nước hiện nay chỉ đảm bảo 50% vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Lê Đình Thọ nói.

Từ thực tiễn của quá trình triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nêu ra một số kiến nghị nhằm sớm tháo gỡ những bất cập, rào cản để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án.

Một là về cơ chế chính sách, Chính phủ cần giao cho các bộ, ngành thống kê, đánh giá tổng thể việc thu hút đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi ODA trong thời gian 25 năm qua và so sánh về kinh tế xã hội việc sử dụng vốn Nhà nước kết hợp với vốn tư nhân (PPP) trong thời gian 10 năm qua. Từ đó định hướng phát triển và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư PPP kết hợp với ban hành các chính sách cho các ngân hàng trong nước khi đồng hành cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay. Chính phủ sớm xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật PPP để có hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia thực hiện dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước ứng xử với các nhà đầu tư như một đối tác thực sự công bằng, tuân thủ hợp đồng và xử lý xung đột qua đàm phán, tránh đơn phương đưa ra các văn bản hành chính, hồi tố lại các hợp đồng đã ký gây bất lợi cho dự án và doanh nghiệp.

Trường hợp phát sinh yếu tố bất khả kháng, cần thương thảo và thống nhất với các thành phần liên quan là ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư cùng đồng lòng kiến nghị với Thủ tướng, Quốc hội từng bước tháo gỡ. Phân cấp để địa phương thực hiện chức năng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để dễ tháo gỡ các vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, giá vật liệu, thu phí... Bộ GTVT cần thực hiện chức năng của bộ chuyên ngành và quản lý Nhà nước.

Một kiến nghị nữa của ông Hoàng là yêu cầu các ngân hàng đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT cho vay và trách nhiệm chung đối với hạ tầng giao thông đất nước để cùng nhau xác định trách nhiệm chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ công quyền nhằm tháo gỡ các vướng mắc cơ chế bất cập hiện nay. Trong trường hợp Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thay đổi hợp đồng dự án dẫn đến hợp đồng tín dụng bất lợi, đề nghị ngân hàng phối hợp cần tổng hợp các khó khăn vướng mắc cơ chế chính sách trình Quốc hội, Chính phủ xem xét cùng tháo gỡ đồng bộ thông qua việc xây dựng điều chỉnh chính sách vĩ mô.

bot-phap-van-JPG-7869-1567669322.jpg

Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan kiểm tra, giám sát, cần công tâm để đánh giá các sai sót của dự án không chỉ là khối lượng, giá trị, thủ tục pháp lý mà cần đánh giá tổng thể việc cam kết của nhà nước không được đảm bảo dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Cần đo lường được các lợi ích, hiệu quả từ dự án mang lại, từ đó có đánh giá khách quan về việc triển khai dự án, từ đó thông tin để cộng đồng xã hội có nhận thức đầy đủ về lĩnh vực PPP.

Việc kiểm tra, giám sát, điều tra phải vì mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy dự án, tránh việc gia tăng áp lực khi dự án đang gặp phải những khó khăn. Các bên cần cùng nhau thảo luận về hình thức đầu tư PPP nhằm biết rõ nguồn vốn, dòng tiền vào dự án qua đó xác định tổng mức đầu tư khác với tổng vốn đầu tư, đặc biệt là xác định nhà đầu tư và nhà thầu khác nhau.

Theo ông Hoàng, đối với truyền thông, bên cạnh việc thông tin các mặt tồn tại của các dự án để điều chỉnh phù hợp, các cơ quan truyền thông cần đồng hành với dự án để thông tin đầy đủ về quá trình triển khai, những khó khăn gặp phải, phản ánh tiếng nói của nhà đầu tư, biểu dương những kết quả tích cực để cộng đồng xã hội hiểu và chia sẻ với các bên liên quan.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP: Cần đo lường được hiệu quả dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO