Là một trong vài cây bút bình và giới thiệu phim xuất sắc ở Việt Nam, vài năm trở lại đây, Bá Vũ bắt đầu dấn thân vào con đường phim ảnh. Điều này thoạt nghe có vẻ bất ngờ, tuy nhiên dẫu là cái tên mới trong giới làm phim thì Bá Vũ hoàn toàn không phải dân tay ngang làm liều. Anh từng theo học khóa đạo diễn điện ảnh năm 1996, cùng thế hệ với anh thời điểm đó có Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng - giờ đều là những đạo diễn thành danh.
Trước khi theo học điện ảnh, Bá Vũ từng theo đạo diễn Trần Anh Hùng quan sát, học hỏi làm phim. Anh cực kỳ yêu thích phong cách làm phim của vị đạo diễn này. Trong khoảng thời gian viết lách, rồi trở thành cây bút chủ lực mảng điện ảnh cho Báo Thể thao và Văn hóa, Bá Vũ còn trở thành người chuyên thử vai và tìm diễn viên cho các đoàn phim.
Bá Vũ nói sở dĩ “đoàn tàu” của anh khởi hành chậm như vậy là bởi giấc mơ của anh là làm được một bộ phim kinh dị thuần túy, thay vì những cuốn phim tình cảm, hài hước lãng mạn. Và để được làm phim trong khi điều kiện hoàn toàn chưa cho phép thì cách duy nhất là… chờ. Cha Ma là phim kinh dị thứ hai của Bá Vũ, kể từ phim đầu tay có tên Ngủ với hồn ma cách đây hơn ba năm. Bá Vũ tự hứa đây sẽ là phim cuối cùng lâu nhất trong sự nghiệp làm phim của anh.
Làm phim kinh dị ở Việt Nam rất khó
* Anh viết về rất nhiều phim nghệ thuật, nhưng khi làm phim anh lại chọn thể loại kinh dị. Từ đâu anh có sự lựa chọn đầy ngạc nhiên như vậy?
Tôi thích xem phim nghệ thuật. Anh Trần Anh Hùng là thần tượng của tôi. Khi theo anh làm phim, dù chưa học về điện ảnh ngày nào nhưng tôi biết mình sẽ theo con đường này. Tuy nhiên, việc mình thích là một chuyện nhưng làm phim lại là chuyện khác. Anh Hùng là người có tham vọng tìm ra ngôn ngữ điện ảnh mới, còn tham vọng của tôi dừng lại ở việc làm được một bộ phim mình muốn xem và khán giả muốn xem. Tôi muốn làm những bộ phim dành cho đại chúng.
Trở lại việc chọn thể loại kinh dị, đây là sở thích của tôi. Tôi xem rất nhiều phim kinh dị Âu - Mỹ đến châu Á, tôi nhận ra rằng những cường quốc phim kinh dị thường về các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc. Song song đó, tôi đọc và bị cuốn hút rất nhiều trước những câu chuyện tâm linh của Việt Nam. Kho tàng đó có những truyện hay và thú vị vô cùng. Yếu tố kỳ bí trong văn hóa phương Đông mang tính tâm linh rất lớn và cực kỳ thu hút. Chính vì vậy ngay từ lúc học trong trường điện ảnh, tôi đã nung nấu ý định làm phim kinh dị. Thời điểm đó tôi không dám nói rõ bởi phim kinh dị hoàn toàn là vùng đất cấm. Đã có lúc tôi bi quan nghĩ, có lẽ mình sẽ không bao giờ có cơ hội làm một bộ phim kinh dị.
* Nhưng rồi mọi thứ đã và đang thay đổi từng ngày…
Đúng là như vậy. Một trong những tín hiệu quan trọng đó là phim kinh dị bắt đầu được nhập vào Việt Nam và ngày càng tăng về số lượng. “Chờ thêm chút nữa thôi, cơ hội sắp đến rồi” - tôi từng tự nhủ vậy. Hiện tại, sản xuất và phát hành phim kinh dị Việt Nam rất khó, nhiều nhà làm phim e ngại, không muốn vướng vào rắc rối vì chưa biết lưỡi kéo kiểm duyệt sẽ “thò” đến đâu. Nhưng thực trạng này không khiến tôi nản chí. Trái lại, nó càng hun đúc thêm quyết tâm của tôi, bởi đây vẫn là mảnh đất khá hoang sơ. Còn việc phim ra rạp có được khán giả đón nhận hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Diễn viên Phương Anh Đào trong một cảnh quay |
* Trộn hài hước vào kinh dị là cách không ít nhà làm phim Việt đã chọn để đưa phim đến khán giả đấy thôi?
Lúc tôi mang kịch bản chào nhà đầu tư, họ cũng đề nghị pha thêm chút hài cho nhẹ nhàng đi. Phim đầu tay của tôi cũng có hài nhưng là hài trong tình huống. Quan điểm của tôi về vấn đề này là chúng ta bị phim Tình người duyên ma của Thái Lan từng được phát hành ở Việt Nam cách đây nhiều năm phá hỏng thể loại. Hài pha trộn kinh dị chỉ là nhất thời, không phải là xu hướng. Lâu lâu thị trường phim xuất hiện một “món lạ” thì thú vị nhưng ba phim đi theo kiểu hệt vậy là sáo mòn liền. Ở những nền điện ảnh lớn, hiếm khi có sự pha trộn như vậy, mỗi phim cần đi theo đúng những đặc trưng thể loại. Cá nhân tôi không cảm thấy thoải mái lắm khi pha trộn như vậy và cũng không muốn làm hỏng thể loại. Kinh dị là sự hồi hộp của con người, tại thời điểm đó, làm sao bạn có thể cười được?
* Nhân nhắc đến khâu kiểm duyệt, không ít phim Việt bị ách lại, số khác thì buộc phải thay đổi trong khi chúng ta đã ban hành dán nhãn cho phim. Bằng sự nhạy cảm của một người viết báo và một người làm phim, anh tính toán như thế nào để hạn chế thấp nhất rủi ro?
Để hạn chế đến mức thấp nhất việc bị lưỡi kéo kiểm duyệt thò đến, ngay từ trong kịch bản, người làm phim đã phải suy ngẫm và cố gắng kiểm soát, kết cấu câu chuyện. Nhưng thẳng thắn chia sẻ là làm phim kinh dị ở Việt Nam khó vô cùng. Phim kinh dị bị trói lại hết, không phải là cấm mà là cắt xén, ảnh hưởng đến phim. Người làm phim hoàn toàn không biết cái gì được, cái gì không. Tại sao những yếu tố đó trong phim nước ngoài thì qua “ải” còn phim Việt thì không? Nó khiến nhà làm phim suy tư, trăn trở và… hồi hộp ghê gớm.
Bạn có thể thấy những nước càng tiến bộ thì càng có nhiều phim kinh dị xuất sắc, chẳng hạn như Nhật Bản. Đây là quốc gia có rất nhiều chuyện ma trong dân gian, họ tận dụng, khai thác nó và trở thành lá cờ đầu của phim kinh dị. Phim kinh dị, tương tự như phim khoa học giả tưởng, nó kích thích trí tưởng tượng của con người và là một sản phẩm tưởng tượng. Ai trong chúng ta mà không sợ một con ma nào đó, một thứ gì đó trên đời. Chúng ta vẫn thường hay nói thế giới tâm linh của người Việt, thờ cúng, đi chùa, giải hạn, cúng sao, gần đây hầu đồng cũng đã được cho phép nghĩa là chúng ta đã chấp nhận điều đó. Thờ cúng đã mang yếu tố tâm linh rồi thì phim ảnh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi, đừng nên khắt khe quá.
Cho nên, mong muốn của tôi và cũng là của các nhà làm phim Việt là, khi đã cho phim kinh dị nước ngoài qua thì người làm công tác kiểm duyệt nên cởi trói thêm cho phim kinh dị vì chúng ta đã có hệ thống phân loại nhãn dán. Có như vậy, điện ảnh Việt mới có thể sản sinh những tác phẩm đi đến tận cùng.
Diễn viên Ngọc Duyên trong một cảnh quay |
* Cụ thể với “Cha Ma”, anh tính toán để “né” kiểm duyệt bằng cách nào?
Cha Ma sẽ gây ngạc nhiên vì đây là bộ phim không đi theo mô tuýp thông thường. Không có máu me, không có giết người, không có trả thù hay lời nguyền… nói tóm lại là không có những đặc trưng cấu thành một phim kinh dị. Tuy nhiên, tôi tin khán giả sẽ hồi hộp khi xem.
Trong hai bộ phim đã làm và cả những phim kinh dị sau này, tôi luôn đưa ra một thông điệp: Con ma đáng sợ nhất chính là… con người. Vì người bịa ra chuyện ma! Những gì tàn nhẫn, độc ác nhất là do chính con người gây ra. Đây cũng là hướng đi nhân văn mà rất nhiều phim kinh dị thế giới chuyển tải.
Mọi chuyện đều khởi nguồn từ duyên
* Thực hiện phim kinh dị thì nhà làm phim có phải kiêng gì không?
Thông thường có đoàn phim nào khi khai máy cũng đều phải làm lễ ra mắt, cúng lạy tạ. Tôi có nhiều cuốn phim tư liệu, ngày trước các đoàn phim thực hiện nghi thức này rất hoành tráng. Bây giờ chủ yếu thành tâm lạy tạ, không còn phức tạp như vậy nữa.
Riêng với phim kinh dị, có những thứ kiêng kỵ mà nói như ông bà mình là khuất mặt khuất mày không thấy. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Nhiều thứ xảy đến, bạn không tin không được.
* Ví dụ như…
Trong Cha Ma, có một cảnh mà tổ kỹ thuật không thể đặt đèn để quay được. Khâu chuẩn bị thì đèn sáng bình thường nhưng lúc bắt đầu quay thì C.P. sụp xuống. Suốt nhiều lần như vậy, trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Lúc đó chủ nhiệm phim mới bảo những người đầu não trong ekip thắp nhang khấn nguyện. Vậy là mọi chuyện ổn thỏa. Tôi còn nghe một số đoàn khác quay phim ở nghĩa trang thật thì thành viên bị nhát, bị mất đồ đạc… Bạn không muốn tin cũng không thể. Tâm linh trong đời sống ở đâu cũng có.
Đạo diễn Bá Vũ (đứng, giữa) cùng ekip đoàn phim trong một cảnh tại hiện trường |
* Anh có tin không?
Trước khi làm phim, tôi đến với điện ảnh bằng việc tìm diễn viên cho phim. Tôi luôn cảm thấy có ai đó phía sau mình giúp đỡ, phù trợ. Mỗi lần bí diễn viên, không tìm ra thì ở những lúc nước sôi lửa bỏng nhất, nhân vật sẽ xuất hiện. Tôi đã nghiệm điều này suốt hơn hai mươi mấy năm qua.
Chẳng hạn, khi quay Người Mỹ trầm lặng (2002, Phillip Noyce) ban đầu đoàn phim không muốn chọn vai Phượng là người Việt Nam vì nhân vật phải nói tiếng Anh. Phạm Linh Đan (từng đóng phim Indochine, 1992, đạo diễn Régis Wargnier) là người được chọn, mọi thứ đã ổn thỏa hết. Đoàn phim về Việt Nam chỉ để tìm những diễn viên khác. Đến ngày gần quay thì trục trặc xảy đến. Đương lúc không biết làm thế nào thì tôi được người giới thiệu Đỗ Hải Yến (từng đóng Chuyện của Pao, 2006, đạo diễn Ngô Quang Hải). Yến vào vai Phượng ngọt quá, thơ quá. (Năm 2009, Đỗ Hải Yến và Phạm Linh Đan cùng đóng Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - NV).
Một lần khác khi tuyển diễn viên cho phim Nhất quỷ nhì ma (phim truyền hình, 2009, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo). Vai chính được giao cho Trương Quỳnh Anh thì đùng một phát xảy ra lùm xùm giữa cô ấy và ca sĩ Thanh Thảo. Đài truyền hình gởi công văn yêu cầu thay diễn viên để không làm ảnh hưởng đến phim. Midu là diễn viên được nhắm vào vai đó. Cô ấy cũng đồng ý khi xem kịch bản. Khổ nổi, Midu đụng phim Thiên thần áo trắng đang quay của đạo diễn Lê Hoàng, vậy là đoàn phim tiếp tục gian nan. Đương lay hoay thì Đông Nhi xuất hiện.
Hay như phim Cha Ma, diễn viên Phương Anh Đào cũng là thành viên cuối cùng ráp vào đoàn phim mà nếu không có cô ấy thì không thể quay.
Đó là yếu tố tâm linh tôi tin nhất.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!