Không giống như đường và thuốc lá, việc hạn chế tiêu thụ thịt đỏ không chỉ bắt nguồn từ những nguy cơ về sức khoẻ; mà còn liên quan tới các vấn đề lớn khác như biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đạo đức.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, quá trình sản xuất thịt, đặc biệt là thịt đỏ, chiếm tỷ lệ lớn trong việc tạo ra khí thải nhà kính. Cũng giống như đường, thịt đỏ được cho là có liên quan tới nguy cơ ung thư, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường…
Fitch cho rằng đây là nguyên nhân để các chính phủ đánh thuế thịt đỏ tương tự như thuốc lá, thực phẩm có đường. Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết, biện pháp này có thể giúp giảm được gần 6.000 ca tử vong mỗi năm và tiết kiệm được gần 850 triệu USD chi phí y tế. Thực tế này là nguyên nhân khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt đỏ, chuyển sang dùng các loại protein lấy từ thực vật hoặc hướng đến xu hướng ăn chay.
Theo báo cáo mới công bố của Đại học London, việc áp thuế lên thịt đỏ sẽ giúp giảm lượng sản xuất thịt bò, thịt cừu; từ đó góp phần chống biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nếu nước Mỹ không tiêu thụ thịt đỏ, lượng khí thải nhà kính sẽ giảm tương đương việc loại bỏ 60 triệu ô tô ra khỏi đường phố.