Những ngày qua, dư luận và cộng đồng mạng đang "nóng" trước sự kiện đám cưới của doanh nhân, nghệ sĩ Quý Bình. Không lạ khi trong giới nghệ sĩ, showbiz, mọi sự kiện diễn ra trong cuộc sống của họ đều được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, với đám cưới của Quý Bình, sự quan tâm lại tập trung vào... "bà xã” của anh (Nguyễn Ngọc Tiền), khi bà là một nữ doanh nhân giàu có (Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đảo Vàng), đã từng đổ vỡ hôn nhân và... lớn hơn anh nhiều tuổi.
Gác qua những dư luận tò mò, đồn đoán, thậm chí đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn và phán xét chủ quan về cuộc hôn nhân này, những ai đã tham dự buổi lễ thành hôn của Quý Bình, được nghe những lời chia sẻ rất thật của bà Tiền mới hiểu, đằng sau sự thành công và bản lĩnh của một nữ doanh nhân, họ vẫn cần lắm một mái ấm gia đình để mỗi ngày, sau những phút căng thẳng trên thương trường, họ trở về nhà và có một bờ vai ấm và rộng đang chờ để chia sẻ, yêu thương. Đó cũng là lý do dù đổ vỡ hôn nhân nhưng các nữ doanh nhân vẫn tin vào tình yêu, hy vọng tìm được hạnh phúc thật cho riêng mình và một tình yêu đủ lớn từ đối phương, bất chấp tuổi tác, dư luận, thị phi...
Với phụ nữ, hôn nhân tưởng là điều rất đỗi bình thường và bất cứ chị em nào cũng có được đặc ân nhưng thực tế với nhiều nữ doanh nhân thì không hề dễ dàng.
Còn nhớ, trong một lần trò chuyện với tôi, bà Tiền tâm sự: "Khi đã chọn con đường kinh doanh, thiệt thòi lớn nhất của tôi là khó trở thành người phụ nữ hoàn hảo để làm tròn thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm con. Một năm theo đuổi dự án ở Phú Quốc có thể nói dài bằng vài năm ở TP.HCM với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là thiếu thốn tình cảm gia đình, thế nhưng khi trải qua những khó khăn và có được chút thành công thì lại... đổ vỡ gia đình".
Lý do đổ vỡ thì có nhiều, nhưng một lý do lớn nhất mà tôi hiểu, đó là sự mạnh mẽ của những phụ nữ làm kinh doanh, đôi khi công việc khiến họ phải khoác cho mình vỏ bọc tự bảo vệ và bản lĩnh, tưởng chừng không biết yếu đuối và không cần sự tựa đỡ. Hoặc có những thời điểm mà công việc của họ không thể dừng và không thể cân bằng giữa "nhiệm vụ” làm vợ và làm thuyền trưởng của một doanh nghiệp khiến "lửa" gia đình nguội lạnh. Lúc này, nếu họ có được sự đồng cảm, thấu hiểu và một tình yêu đủ lớn của ông xã, chắc đổ vỡ sẽ không xảy ra.
Thế nhưng, đàn ông lại có lý lẽ riêng của họ: "Họ cần một mái nhà mà nơi đó, có thể cuộc sống không quá thừa thãi, có thể người vợ không giỏi, thậm chí yếu đuối một chút nhưng biết quan tâm, chăm sóc chồng con mỗi ngày. Và khi không có được điều mong muốn, việc tìm người bù đắp cũng là điều khó tránh".
Chứng kiến nhiều cuộc đổ vỡ của các doanh nhân nữ, tôi thấy sự chịu đựng của họ sau đổ vỡ kinh khủng hơn nhiều so với đàn ông, và có một điểm chung là mặc dù họ cũng rất chông chênh, mệt mỏi nhưng lại luôn tỏ ra mạnh mẽ, như thể mình rất ổn. Như bộc bạch của một vài người trong cuộc, khi gia đình đổ vỡ, dù buồn đến đâu họ cũng không được tắt điện thoại, không được phép đóng cửa nằm trong phòng hay chạy trốn đâu đó vì còn khách hàng và công việc đang chờ, còn trách nhiệm với con cái, với người thân và với cả hàng trăm nhân viên. Thậm chí, có lúc đang khóc nhưng phải giấu nước mắt vào trong để tươi cười với khách hàng.
Tin rằng, cho dù mạnh mẽ và đổ vỡ lần thứ bao nhiêu thì mọi phụ nữ trên thế gian này vẫn cần một người đàn ông, cần một người chồng biết quan tâm, chăm sóc và làm điểm tựa cho họ trong cuộc sống, đặc biệt với phụ nữ là doanh nhân thì khi tìm được chỗ dựa, họ cũng có thêm sức mạnh tinh thần và động lực để kinh doanh hiệu quả hơn như lời bộc bạch, không cần giấu diếm của bà Tiền tại buổi lễ thành hôn: "Dẫu tôi có thành công, có cuộc sống đủ đầy đến đâu, thẳm sâu trong trái tim, tôi cũng vẫn cần một người đàn ông của riêng mình với tình yêu đủ lớn và một bờ vai đủ rộng. Và tôi tin khi có được hạnh phúc đó, tôi sẽ có thêm động lực để làm tốt hơn công việc kinhh doanh mình đang theo đuổi, và tôi sẽ luôn trân trọng, gìn giữ hạnh phúc mình đã tìm thấy và có được ngày hôm nay".