"Khi từ bỏ ngành y, nhiều người cảm thấy nuối tiếc cho 6 năm học hành của tôi. Nhưng, bản thân tôi vẫn quyết định ra làm kinh doanh vì ở đây, một đồng là một đồng, không có chuyện lẫn lộn giữa tiền và nghề. Tôi thích hợp với kiểu đã làm thì phải dám chịu trách nhiệm và nhìn nhận năng lực trong công việc của một người dưới khía cạnh kỹ năng chuyên môn chứ không phải là những kỹ năng khác" - ông Võ Tấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vĩnh Phát và Công ty TNHH Liên doanh Pan Việt Nam bộc bạch về quyết định cách đây hơn 20 năm của mình.
Sau thời gian làm việc cho các hãng dược phẩm nước ngoài, những va chạm thực tế đã khiến ông nghĩ đến chuyện sẽ làm chủ một doanh nghiệp. Đó cũng là lúc ông quyết định học về kinh doanh một cách bài bản.
Ông từng được biết đến như là người đầu tiên đưa Kodak (Mỹ) khai phá thị trường Việt Nam trong lĩnh vực y tế (thiết bị chẩn đoán hình ảnh) những năm cuối thập niên1990. Đến nay, sau 18 năm theo đuổi, công ty của ông đã xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm, thiết bị máy chẩn đoán hình ảnh y tế có uy tín trong nước.
"Một khi đã ổn định mảng kinh doanh cốt lõi, tôi bắt đầu nghĩ đến những cơ hội khác và việc mở chuỗi phòng khám, chăm sóc da thẩm mỹ Pan Clinic (trực thuộc Pan Việt Nam) chính là cơ hội tôi nhìn thấy, vì làm đẹp là văn hóa cần phải được tôn tạo trong một đất nước ngày càng phát triển như Việt Nam", ông Hưng nhấn mạnh.
* Năm 2013, Tập đoàn Pan Rajdhevee Group Public Ltd. (Thái Lan) đã cùng hợp tác với Vĩnh Phát để mở trung tâm chăm sóc da thẩm mỹ đầu tiên là Pan Clinic. Có phải ông là người đã tìm đến họ?
- Cách đây 8 năm, con gái thứ hai của tôi mới 4 tuổi, cháu bị một vết sẹo ngay dưới xương gò má. Tôi đi hỏi nhiều nơi để điều trị cho cháu trước khi đưa đến một phòng khám thẩm mỹ có tiếng ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi không được gặp bác sĩ điều trị, chỉ có một người tự xưng là tư vấn viên đề nghị bắn vết sẹo bằng tia laser mà không cần hỏi tình trạng vết sẹo của cháu ra sao. Làm như vậy liệu có xảy ra biến chứng và vì sao lại bắn laser mà không phải là phương pháp khác?
Điều tôi cần là được tư vấn tường tận, vì theo tôi, tư vấn làm đẹp cũng là nét văn hóa rất quan trọng trong làm đẹp. Không thể giao phó khuôn mặt con mình cho một nơi không đáng tin cậy như thế, gia đình tôi quyết định đưa cháu qua Thái Lan chữa trị.
Giả sử gia đình tôi không có điều kiện ra nước ngoài chữa trị, hoặc có điều kiện và khả năng tài chính nhưng không tìm được nơi đáng tin cậy để được tư vấn rõ ràng tại Việt Nam thì chẳng lẽ con tôi mang sẹo suốt đời? Người Việt mình đang thiếu những thông tin tư vấn có trách nhiệm.
Khi đi làm đẹp, ít nhất khách hàng phải được tư vấn, còn việc làm hay không lại là chuyện khác. Biết chuyện, bạn bè tôi gợi ý, tại sao tôi không xây dựng một hệ thống làm đẹp mà ở đó khách hàng được tư vấn rõ ràng và điều trị bài bản? Tôi đã tiếp xúc với nhiều đối tác đến từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... nhưng rồi tôi chọn Pan Thái Lan thông qua "mai mối" của một người bạn là Việt kiều Thái làm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Thời điểm đó, Pan đang có dự định mở rộng thị trường sang Việt Nam, điều họ cần là tìm được một đối tác am hiểu thị trường y tế địa phương và có cùng văn hóa kinh doanh. Thế là Công ty Liên doanh Pan Việt Nam ra đời.
* Ông có đề cập đến văn hóa tư vấn, điều trị trong làm đẹp, vậy tại Pan Clinic Việt Nam, các ông đã chuẩn bị nguồn lực để thực hiện phương châm này như thế nào?
- Chúng tôi chỉ yêu cầu tư vấn viên ở phòng khám của mình phải tư vấn đúng, đủ và chính xác cho khách hàng, không lôi kéo khách mua mỹ phẩm và trả các chi phí không cần thiết khác. Phải phân tích cho khách thấy tất cả các phương pháp điều trị đều có ưu điểm và hạn chế, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Khi đó, khách hàng sẽ tùy điều kiện để quyết định điều trị hay không.
Chúng tôi cũng không chiều theo ý khách hàng một cách quá mức để dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Ngay từ đầu, chúng tôi đã đầu tư cho thương hiệu và uy tín.