Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin cựu Tổng thống Kim Dae-jung qua đời lúc 13 giờ phút 42 chiều 18/8 (giờ địa phương) tại một bệnh viện Severance ở Seoul, thọ 85 tuổi. Tổng thống đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2000Cựu Tổng thống Kim Dae-jung và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ngày 14/6/2000
Ông Kim, vốn đang bị bệnh viêm phổi, được tin là chết vì trụy tim. Cựu tổng thống Kim Dae-jung đã bỏ cả cuộc đời để theo đuổi dân chủ và thúc đẩy thống nhất với miền Bắc. Ông đã bị ám sát hụt nhiều lần và được trao tặng giải thưởng Nobel về hòa bình năm 2000 vì nỗ lực cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Hãng AFP trích nguồn phát ngôn nhân của bệnh viện Severance tại Seoul nói ông Kim mất lúc 1:43 chiều giờ địa phương (11:43 giờ Hà Nội). Người này cho hay:" Tim ông bắt đầu có vấn đề từ 1:35 và ngừng đập vài phút sau đó cho dù chúng tôi đã cố hết sức để cấp cứu cho ông." Ông Kim Dae-jung được bầu làm tổng thống Đại Hàn dân quốc vào tháng 12/1997 và cầm quyền tới 2003. Người dân ở thủ đô Seoul bày tỏ lòng thương tiếc khi nghe tin, có người nói nói ông Kim đã xây dựng nền dân chủ của Nam Hàn. |
Ông sinh tại Sinan, tỉnh Nam South Jeolla, trước khi tham gia chính trị, ông từng làm việc cho một công ty tàu thuyền của Nhật Bản và sau đó cũng mở một công ty tàu riêng và đạt được những thành công nhất định.
Năm 1954, ông bước vào chính trường dưới thời chính quyền tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Syngman Rhee và được bầu là nghị sĩ năm 1961, nhưng cuộc đảo chính quân sự của Park Chung-hee khiến kết quả bầu cử bị huỷ. Ông được bầu làm nghị sĩ Hàn Quốc năm 1963 và 1967.
Tháng 8/1973, ông bị Cơ quan tình báo Hàn Quốc KCIA bắt cóc trong một khách sạn ở Tokyo (Nhật Bản) vì những chỉ trích của ông đối với một chương trình của cựu tổng thống Park Chung-hee. Thoát chết trở về Hàn Quốc, ông bị cấm hoạt động chính trị. Năm 1976 ông bị phạt 5 năm tù, sau đó giảm xuống còn quản thúc tại gia, vì tham gia vào một vụ tuyên bố chống chính phủ. Năm 1979, sau khi cựu tổng thống Park Chung-hee bị ám sát ông trở lại chính trường.
Ông Kim Dae-jung được bầu là Tổng thống hồi tháng 12/1997, đánh dấu lần đầu tiên tại Hàn Quốc, quyền lực chuyển từ một tổng thống đảng cầm quyền sang một tổng thống đảng đối lập. Ông kết thúc nhiệm kỳ năm 2003.
Từ thành công của Chính sách Ánh Dương do ông đề ra, cái bắt tay và cái ôm lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào tháng 6/2000 tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt đã mang lại cho ông Giải Nobel Hòa Bình năm 2000. Ủy Ban Giải Nobel ngày 13/10/2000 tuyên bố rằng: “Qua Chính sách Ánh Dương, ông Kim đã cố gắng vượt qua hơn 50 năm chiến tranh và thù nghịch giữa Bắc Hàn và Nam Hàn. Cuộc viếng thăm Bắc Hàn của ông thúc đẩy tiến trình làm giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia”
Chính sách Ánh Dương
Cựu Tổng thống Kim Dae-jung nhận chứng nhận giải Nobel hoà bình |
Chính sách Ánh Dương (Sunshine Policy), một học thuyết do ông Kim Dea Jung khởi xướng năm 1998, nhằm tiếp xúc với Bắc Hàn thông qua đối thoại.
Bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn mặt trời và gió thách nhau lột áo khoác của con người. Gió ra sức thổi mạnh, nhưng con người giữ chặt áo của mình, trong khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp, con người tự nguyện cởi áo tận hưởng tiết trời đẹp đẽ.
Với hàm ý này, mục tiêu chính của chính sách nhằm giảm thái độ căng thẳng của Triều Tiên đối với Hàn Quốc thông qua các hoạt động trao đổi và hỗ trợ kinh tế.
Chính sách Ánh Dương gồm 3 nguyên tắc cơ bản: Hàn Quốc sẽ không bỏ qua các hoạt động khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên; Hàn Quốc sẽ không nỗ lực để sáp nhập CHDCND Triều Tiên bằng bất cứ giá nào; Hàn Quốc sẽ chủ động hợp tác.
Chính sách này chú trọng thúc đẩy hợp tác hoà bình, tiến tới hoà giải và thống nhất. Trên thực tế, chính sách đã đem lại mối quan hệ chính trị rộng mở giữa CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc, các dự án thương mại cao cấp cũng như các hội nghị giữa 2 miền nam bắc Triều Tiên.
Kể từ khi thực hiện Chính sách Ánh Dương, Triều Tiên và Hàn Quốc thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc chính trị, hợp tác kinh tế và tổ chức gặp gỡ cho các gia đình bị ly tán, cùng hàng loạt dự án như tuyến đường sắt liên Triều, Cụm công nghiệp Gaeseong, đặc khu du lịch Núi Kim Cương…
Một nhóm nghiên cứu chính sách Ánh Dương công bố bản thống kê những thành tựu mà chính sách mang lại từ khi ra đời. Trung bình mỗi ngày, khoảng 300- 400 xe tải của Hàn Quốc đi quanh khu vực phi quân sự (DMZ) đến Triều Tiên và khoảng 1.000 người qua lại biên giới.
Hàng năm, có khoảng 100.000 người Hàn Quốc sống quanh DMZ qua lại thăm nhau. Khoảng 1,72 triệu dân Hàn Quốc thăm đỉnh Kumgang hay núi Kim Cương ở Triều Tiên, khoảng 69 công ty Hàn Quốc hoạt động ở Khu công nghiệp Geasong, tuyển dụng khoảng 30.000 nhân công Triều Tiên. Cuối năm 2007, tổng kim ngạch thương mại liên Triều đạt 1,78 tỉ USD, chiếm 40% ngoại thương của Triều Tiên.
Chính sách đã mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai miền Triều Tiên, mang lại sự tin tưởng lẫn nhau vốn kéo dài hơn 50 năm, hướng tới hồi phục sự hoà đồng của dân tộc Triều Tiên. Dưới thời Tổng thống Roh Moo-huyn, người mới tự tử hồi tháng 6/2009, chính sách Ánh Dương cũng được thúc đẩy thực hiện với mục tiêu xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, theo đuổi lợi ích chung, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế về vấn đề liên Triều.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Kim Dae-jung bị phân tán khi chính phủ bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn với Bắc Hàn từ khi lên nắm quyền vào năm 2007, dẫn đến hành động thử vũ khí hàng loạt của Triều Tiên thời gian gần đây. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều trong tuần qua bắt đầu có hiệu tích cực khi Triều Tiên cho biết sẽ cho mở cửa lại biên giới hai miền.