Cuộc đời thăng trầm của bậc thầy hội họa Hà Lan và bài học đắt giá về quản lý tài chính cá nhân

Thùy Chi| 30/06/2021 02:19

Nhắc đến hội họa Hà Lan, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến danh họa Van Gogh. Thế nhưng Hà Lan không chỉ có Van Gogh. Trước đó hai thế kỷ, vào thời kỳ hoàng kim, với động lực là những phát triển vượt bậc về kinh tế, đất nước Hà Lan đã sản sinh cả một thế hệ vàng trong hội họa. Giữa những tên tuổi lẫy lừng, phải kể đến Rembrant van Rijn, một họa sĩ tài năng, người thầy của nhiều danh họa khác. Cuộc đời Rembrandt là cả một chuỗi thăng trầm, để lại nhiều thương cảm, tiếc nuối, và cả những bài học đắt giá.

Chân dung tự hoạ, 1661. Rembrandt van Rijn

Chân dung tự hoạ, 1661. Rembrandt van Rijn

Sự nghiệp thăng hoa

Rembrandt sinh năm 1606. Trong suốt thời thơ ấu, ông nhận được sự giáo giục cẩn thận, được theo học trường Latin. Sau đó gia đình Rembrandt muốn cho ông học Thần học ở đại học, với mong muốn ông sẽ phục vụ cho thành phố và lợi ích chung bằng học vấn của mình. Việc con cái một gia đình trung lưu bình thường được cha mẹ chu cấp cho học đại học là rất hiếm gặp ở thời của Rembrandt, nhưng sau cùng ông lại chọn nghề vẽ. Dù vậy, Rembrandt vẫn nhận được sự ủng hộ và chu cấp từ cha mẹ để theo hướng đi mới.

Đáp lại sự hỗ trợ của gia đình, Rembrandt cũng sớm gặt hái thành công. Sẵn có khả năng, ông lại may mắn gặp được thầy tốt, nên ngoài việc học hỏi kỹ thuật căn bản, Rembrandt còn được truyền lửa đam mê. Bản thân Rembrandt cũng là một người khiêm tốn, dù sau này thành công vượt bậc, được nhiều người tôn vinh, ông vẫn không ngừng học hỏi và rất mực tôn trọng các hoạ sĩ tài năng đương thời. Bởi thế ông luôn học được nhiều điều hay và phát triển không ngừng trong sự nghiệp.

Năm 1625, ở tuổi 19, Rembrandt tự mở xưởng vẽ tại Leiden cùng một hoạ sĩ trẻ tài năng khác là Jan Lievens. Họ cùng nhau làm việc, hỗ trợ nhau phát triển. Chỉ trong vài năm, hai hoạ trẻ trở nên nổi tiếng và bắt đầu có người theo học. Cũng thời gian này, tài năng của họ được giới chóp bu Hà Lan để ý. Constantijn Huygens, thư ký riêng của Thân vương Frederick Henry xứ Orange, đồng thời cũng là người chuyên đặt hàng, mua lại các tác phẩm nghệ thuật riêng cho Thân vương, bị thu hút bởi tác phẩm của hai hoạ sĩ trẻ. Huygens trở thành người bảo trợ cho Rembrandt và Lievens. Thân vương xứ Orange là người đứng đầu giới quý tộc Hà Lan, bởi vậy việc được Huygens bảo trợ giống như một sự khẳng định vị thế cho hai hoạ sĩ trẻ, khiến họ càng trở nên toả sáng.

Ban đầu hội hoạ phương Tây thường phục vụ mục đích tôn giáo, tiếp theo là phục vụ tầng lớp quý tộc. Trong suốt nhiều thế kỷ, các hoạ sĩ sống nhờ đơn đặt hàng từ nhà thờ và những nhân vật cao quý. Họ thực hiện những tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử và Kinh thánh, vẽ các bức tranh lý tưởng hoá hành động anh hùng… Rembrandt và nhiều hoạ sĩ khác cũng theo hướng đi này. Nhưng với Rembrandt, đó mới chỉ là khởi đầu. Ông trở nên nổi tiếng nhờ việc khai thác được các cung bậc cảm xúc đầy kịch tính chỉ trong một khung hình, và sẽ còn phát triển theo hướng này về sau, một cách đầy tinh tế.

Chân dung tự hoạ với đôi mắt mở to, 1630. Tranh khắc axit. Bức tranh có kích thước rất nhỏ, chỉ 5,1 × 4,5 cm. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Rembrandt ở thể loại chân dung tự hoạ. Ông đã đưa vào tác phẩm những cảm xúc mạnh mẽ.)

Chân dung tự hoạ với đôi mắt mở to, 1630. Tranh khắc axit. Bức tranh có kích thước rất nhỏ, chỉ 5,1 × 4,5 cm. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Rembrandt ở thể loại chân dung tự hoạ. Ông đã đưa vào tác phẩm những cảm xúc mạnh mẽ)

Năm 25 tuổi, Rembrandt quyết định chuyển đến sống ở Amsterdam. Khởi đầu của ông ở đây không thể tốt hơn. Tranh của Rembrandt thoả mãn thị hiếu của khách hàng thời kỳ này, người ta lại ấn tượng với việc ông được Huygens bảo trợ, nên đơn đặt hàng đến tới tấp. Với số tiền gom góp được từ khi ở Leiden, Rembrandt hùn vốn cùng Hendrick van Uylenburgh, một nhà buôn nghệ thuật chuyên kinh doanh với nhiều khách hàng quốc tế. Hoạt động mua bán nghệ thuật tại Hà Lan lúc này đang rất sôi nổi và Rembrandt đã kiếm được không ít.

Rembrandt ngày một nổi tiếng. Đến 29 tuổi, ông đã trở thành một người cực kỳ giàu có. Ông cưới Saskia, cháu gái của Hendrick. Ông sống trong những căn nhà khang trang bề thế bậc nhất và điên cuồng sưu tầm nghệ thuật.

Làm ra nhiều tiền, nhưng chi tiêu nhiều hơn

Thực ra việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật là một phần trong hoạt động kinh doanh của Rembrandt, nhưng khi đã trở nên phong lưu về vật chất, ông mua vào một số lượng rất lớn tác phẩm nghệ thuật, các đồ vật quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới, những hiện vật mang tính lịch sử và khoa học, vũ khí, thậm chí cả thú nhồi bông và nhiều thứ khác… Tóm lại, Rembrandt làm ra rất nhiều tiền, nhưng chi tiêu còn nhiều hơn nữa. Và Saskia, vợ ông, là một người cũng có cách sống, cách chi tiêu giống như chồng bà.

Với lối sống như vậy, không có gì lạ khi Rembrandt vẫn lao động cật lực, vẽ những bức tranh nổi tiếng, thu nhận nhiều học trò, kiếm ra nhiều tiền, nhưng dần dần lại lâm vào khó khăn tài chính.

Một sự kiện có thể coi như bước ngoặt, đẩy Rembrandt xuống dốc cho đến cuối đời, đó là rạn nứt trong mối quan hệ với nhà bảo trợ Huygens. Huygens là người đã đặt Rembrandt thực hiện loạt tranh Khổ nạn của Chúa Jesus cho thân vương Frederick Henry, nhưng khi loạt tranh hoàn thành (1639), tranh cãi đã nổ ra vì Rembrandt đòi nâng tiền công. Không những ông bị từ chối, mà khoản tiền còn bị trả chậm, và ông nhận được ít hơn mong đợi (trong khi các khoản chi của ông rất lớn, cứ mỗi ngày một tăng thêm, và ông đã trông đợi rất nhiều vào khoản thu này để trang trải chi phí). Tệ hơn, Rembrandt không bao giờ còn nhận được một đơn đặt hàng quan trọng nào từ Huygens.

Bức Đội tuần đêm, 1642. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Rembrandt. Hiện tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia, Amsterdam (Hà Lan)

Bức Đội tuần đêm, 1642. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Rembrandt. Hiện tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia, Amsterdam (Hà Lan)

Từ sự kiện này về sau, cuộc sống của Rembrandt gặp nhiều khó khăn, mà phần lớn những khó khăn này đến từ lối sống của ông. Các hoạt động nghệ thuật và dạy học của ông vẫn tạo ra khoản thu đáng kể nhưng không đủ bù đắp cho số tiền chi ra. Những người thân lần lượt qua đời, trong đó có vợ ông. Saskia để lại gia tài lớn, nhưng chia làm hai phần, một phần cho con trai Titus của họ, một phần cho Rembrandt, với điều kiện ông không được tục huyền. Chính điều kiện này đã khiến Rembrandt vướng phải một số bê bối tình ái về sau, gây ra ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ông. Và rồi cuối cùng, ông phá sản. Sau khi bán đi căn nhà và bộ sưu tập nghệ thuật đắt giá, ông vẫn không đủ tiền để trang trải nợ nần. Rembrandt chỉ còn giữ lại được các hoạ cụ để tiếp tục vẽ và dạy vẽ.

Vào những năm 1950, nghĩa là khoảng hai mươi năm về cuối cuộc đời Rembrandt, thị hiếu của công chúng thay đổi. Rembrandt đã đi từ phong cách kinh viện, dần dần khai thác sâu vào cảm xúc, để lại nhiều dấu ấn cá nhân trên tranh. Ông khai thác tâm lý con người, đặc biệt không tâng bốc, không cố khiến những điều bình dị, đời thường trở nên hoàn hảo bằng ngôn ngữ hội hoạ. Trong khi thị trường thời điểm đó lại thích những tác phẩm mang sự tinh tế, lý tưởng hoá. Tranh của Rembrandt không còn được yêu thích nữa, và vẫn còn bị chối bỏ bởi chủ nghĩa kinh viện cho đến hai trăm năm sau. Phải đến thế kỷ 19, làn sóng cách mạng nổ ra, giới nghệ sĩ vượt thoát khỏi sự kìm hãm của các quy tắc khắt khe trói buộc, lúc đó Rembrandt và tác phẩm của ông mới được tôn vinh trở lại.

Ngày nay, Rembrandt được xem là một trong những bậc thầy của hội hoạ thời kỳ hoàng kim Hà Lan. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, cả tranh vẽ và tranh in khắc. Học trò của ông có rất nhiều người thành danh với hội hoạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đời thăng trầm của bậc thầy hội họa Hà Lan và bài học đắt giá về quản lý tài chính cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO