Cú chuyển mình để Mark Zuckerberg vực dậy từ "ảo mộng" metaverse
Sau 1 năm hứng chịu nhiều chỉ trích xung quanh "ảo mộng" Metaverse, Mark Zuckerberg đã giúp công ty của mình phục hồi ngoạn mục.
Một năm qua, CEO Meta (Facebook) Mark Zuckerberg không còn xa lạ với sự chỉ trích và hoài nghi xung quanh kế hoạch đầu tư phát triển vũ trụ ảo metaverse. Theo báo cáo tài chính gần nhất của Meta, các con số khổng lồ không chỉ cho thấy sự gia tăng đáng kể về doanh thu quảng cáo, mà còn cả sự gia tăng về chi phí, nhất là trong việc phát triển metaverse cùng trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện, việc phát triển metaverse được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Thực tế của Meta. Trong báo cáo, nơi này có doanh thu 276 triệu USD, giảm mạnh so với mức 452 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Tính từ năm 2021, đơn vị này đã lỗ hơn 40 tỷ USD, với 13,7 tỷ USD chỉ trong năm ngoái. Hiểu đơn giản, Meta cho phép mỗi năm metaverse "đốt" khoảng 5 tỷ USD và chỉ riêng 2 quý đầu 2023, con số này đã đạt 3,7 tỷ USD.
Theo Meta, dự kiến khoản lỗ từ hoạt động của Phòng thí nghiệm Thực tế sẽ tăng đáng kể vào năm 2024, khi công ty tiếp tục đầu tư mạnh vào thực tế ảo tăng cường và mở rộng hệ sinh thái. Bản thân Zuckerberg cũng đã cho biết Meta sẽ tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này sau 2023, và thừa nhận rằng việc đặt cược lớn như vậy trong dự án metaverse có thể gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư dài hạn.
Trên thực tế, cách đây một năm, ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng mất niềm tin và cáo buộc Zuckerberg phá hoại hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta, trong khi lại vung tiền cho "ảo mộng" của mình. Nhận xét này không phải là không có cơ sở, khi vào ngày Meta công bố thu nhập quý III yếu kém hồi năm ngoái, giá cổ phiếu của nó đã giảm hơn 20%.
"Metaverse sẽ đem đến cái chết từ từ cho chúng tôi. Mark Zuckerberg sẽ tự tay giết chết công ty bằng thứ được gọi là metaverse", một nhà phát triển phần mềm từng nhận xét vào thời điểm đó.
Dù vậy, Meta đang dần trở lại, với mảng kinh doanh cốt lõi vốn thu hút hơn 3 tỷ người dùng mỗi ngày thông qua Facebook, Instagram và WhatsApp, phục hồi mạnh mẽ. Quý III năm nay, công ty báo cáo doanh thu 34,1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ thời kỳ bùng nổ kỹ thuật số của Covid-19. Lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi, lên 11,6 tỷ USD và giá cổ phiếu của công ty cũng tăng 250% kể từ mức thấp nhất vào năm ngoái.
Cú chuyển mình của Mark Zuckerberg và Meta
Trên các phương tiện truyền thông, CEO Meta không được đánh giá cao về năng lực kinh doanh, mà thay vào đó gây chú ý nhiều hơn nhờ những thứ khác như đam mê võ thuật gần đây, trận đấu (chưa bao giờ xảy ra) với Elon Musk, hay những lời cáo buộc Meta cố tình tìm cách khiến người dùng nghiện Facebook và Instagram. Song, trong vài tháng cuối năm 2022, Zuckerberg đã có 2 quyết sách kinh doanh hết sức đáng chú ý.
Nhằm đối phó với sức ép từ phía nhà đầu tư, Zuckerberg đã triển khai một trong những bước chuyển mình nhanh nhất lịch sử công nghệ, khi cắt giảm kế hoạch chi tiêu của Meta bằng cách giảm chi phí và sa thải hàng loạt nhân viên. Bên cạnh đó, để đáp lại ChatGPT của Open AI và làn sóng xôn xao xung quanh AI tạo sinh, vị tỷ phú cũng đích thân phát động một cuộc cách mạng nội bộ với mục tiêu sử dụng công nghệ này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta.
Theo lời kể từ những nhân sự gần gũi, vào thời điểm nhận ra bản thân đã gây nên sự phẫn nộ như thế nào cho các nhà đầu tư, CEO Meta cũng trở nên có chiến lược hơn. Nick Clegg - cố vấn thân cận của Zuckerberg, cho biết sếp của anh không thích những người xung quanh cứ "la hét". Trong trường hợp của metaverse, khi hiểu mục tiêu dài hạn của bản thân mâu thuẫn với tầm nhìn ngắn hạn của nhà đầu tư, vị CEO đã "liệu cơm gắp mắm". Dù vậy, nhiều kế hoạch đầu tư dài hạn vẫn được giữ lại và được Zuckerberg nhấn mạnh rằng chúng chủ yếu liên quan đến AI chứ không phải metaverse - hành động hết sức hữu ích khi chỉ vài tuần sau đó, Chat GPT đã trở thành cơn sốt.
Hai làn sóng công nghệ lớn là AI trong hiện tại và metaverse trong tương lai. Đây là màn đánh cược dài hạn. Tôi không thể đảm bảo mình đúng, nhưng metaverse là mục tiêu mà thế giới hướng đến.
Mark Zuckerberg - Nhà sáng lập, CEO của Meta
Trên thực tế, Meta đã dành nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng AI cho mình. Thay vì tạo ra các chatbot, công ty đang tìm cách sử dụng AI để cải thiện mức độ tương tác và tối đa hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi, cũng như nghiên cứu các tai nghe thực tế hỗn hợp cho metaverse. Hơn nữa, các lãnh đạo cấp cao của Meta đã sớm nhận ra rằng họ có tất cả yếu tố để tận dụng tối đa AI, từ việc có đủ trung tâm dữ liệu cho đến bộ xử lý đồ họa (GPU).
Đến tháng 2 năm nay, Meta đã tìm ra lĩnh vực cần tập trung và đến tháng 7, công ty đã cung cấp miễn phí mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 cho các nhà phát triển. Vào tháng 9 qua, công ty đã có thể công bố thế hệ đầu tiên của các thiết bị liên quan đến AI, như kính thông minh. Theo The Economist, việc giúp LLama trở thành mã nguồn mở đã biến Zuckerberg từ "kẻ phản diện" thành người hùng của Thung lũng Silicon.
Leigh Marie Braswell của Kleiner Perkins - một công ty đầu tư mạo hiểm, cho biết các startup "thực sự hoan nghênh" hành động này, khi nó cho phép nhiều người phát triển hoạt động kinh doanh liên quan đến AI. Hơn nữa, AI tạo sinh hứa hẹn mang đến cho Meta những thay đổi không hề kém cạnh so với Microsoft và Alphabet - 2 công ty từ sớm đã đặt cược vào các mô hình ngôn ngữ lớn độc quyền và thu hút hầu hết sự quan tâm.
Ván cược dần cho thấy hiệu quả lẫn rủi ro
Hiện, Meta đang đưa các ảnh đại diện chatbot vào mạng xã hội của mình, với kỳ vọng rằng điều này sẽ tăng thời gian người dùng ở lại đọc tin tức và giúp các doanh nghiệp tương tác với khách hàng trên ứng dụng nhắn tin. Tuy nhiên, điều thực sự hấp dẫn hơn cả trong thời gian tới là tiềm năng quảng cáo của AI.
Theo Eric Seufert - một nhà phân tích độc lập, từ khi Apple hạn chế khả năng theo dõi dữ liệu người dùng của Meta trên các ứng dụng của bên thứ ba trên iPhone, Zuckerberg đã phải đại tu hoạt động kinh doanh quảng cáo "đến mức tối đa". Và, Meta đã thực hiện điều này khá hiệu quả bằng cách sử dụng AI để mô hình hóa hành vi của người dùng, thay vì theo dõi chính hành vi đó.
Cụ thể, công ty hồi năm ngoái đã triển khai một công nghệ quảng cáo có tên Advantage+, hoạt dụng AI để tự động hóa việc tạo chiến dịch quảng cáo. Bình luận về điều này, Brent Thill của ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết các nhà quảng cáo đã rất ấn tượng, trong khi nhà bán lẻ quần áo J. Crew Factory nói với Meta rằng các tính năng trên đã giúp tăng lợi tức chi tiêu quảng cáo của họ lên gần gấp 7 lần.
Trong tương lai, AI tạo sinh sẽ còn có thể cải thiện tự động hóa. Tháng này Meta đã ra mắt các công cụ cho phép các nhà quảng cáo vẽ ngay lập tức với các hình nền và từ ngữ khác nhau. Dù đến nay đây vẫn là những bước đi chập chững, Andy Wu của Trường Kinh doanh Harvard đã so sánh chúng giống như sự khởi đầu của một cơn sốt tìm vàng. Theo ông, bằng cách tạo ra các chiến dịch quảng cáo dựa trên AI tạo sinh, Zuckerberg và Meta hoàn toàn có thể thu về mức lợi nhuận nhờ công nghệ này nhiều như nhà sản xuất GPU hàng đầu thế giới là Nvidia.
Dù vậy, các nhà quảng cáo vẫn có mối lo riêng của mình. Dẫn lời một người làm quảng cáo tại AdWeek NYC - một hiệp hội trong ngành quảng cáo, The Economist cho biết có thể xem các chiến dịch được AI hỗ trợ của Meta là một loại "hộp đen", khi nó là nơi công ty này kiểm soát tất cả dữ liệu. Theo đó, một số cho rằng điều này sẽ mang lại cho công ty của Zuckerberg ảnh hưởng rất lớn đến nhận dạng thương hiệu cũng như rủi ro làm hoen ố thương hiệu doanh nghiệp nếu AI hoạt động sai trái.
Ngoài ra, số khác lại lo lắng về việc AI sẽ có những hành động không hay để tăng mức độ tương tác trên mạng xã hội của Meta - điều có thể gây tổn hại cho các thương hiệu. Và, sự tranh cãi về các hình ảnh giả mạo về cuộc xung đột ở Dải Gaza trên mạng xã hội thời gian qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy lĩnh vực vẫn còn tiềm ẩn rủi ro như thế nào.
Đồng thời, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi trước những kế hoạch dài hạn của CEO Meta. Mark Mahaney của ngân hàng đầu tư Evercore ISI, cho rằng 95% trong số họ muốn Zuckerberg chi ít hơn cho metaverse. Nhiều người cũng bày tỏ sự thận trọng với kế hoạch đầu tư cho phần cứng, chẳng hạn như tai nghe thực tế ảo, thiết bị vốn có xu hướng tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các sản phẩm số.
Tuy nhiên, Zuckerberg vẫn sẽ "không từ bỏ" ván cược dài hạn của mình, theo Clegg. Chia sẻ tầm nhìn này, một số người đam mê thực tế ảo xem AI là vị cứu tinh của metaverse, vì nó giúp phát triển các công nghệ theo dõi chuyển động của bàn tay và giúp người sáng tạo xây dựng thế giới 3 chiều với chi phí thấp hơn. Trong đó, kính thông minh của Meta tích hợp chatbot Meta AI và được Ray-Ban sản xuất, là một điển hình cho điều này, khi nó vừa có thể nắm bắt những gì người đeo nhìn thấy, vừa có thể phát trực tiếp trên mạng xã hội, vừa trả lời các câu hỏi.