Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sĩ, đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính trong những tuần gần đây, khi giá cổ phiếu liên tục rớt về mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ khi Lehman Brothers sụp đổ, trong khi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng này đã tăng từ mức chỉ 57 điểm cơ bản đầu năm nay, lên mức kỷ lục 350 điểm cơ bản vào những ngày đầu tháng 10 này.
Mọi việc bắt đầu từ lá thư nội bộ bị rò rỉ do Tổng giám đốc Ulrich Korner gửi cho nhân viên nhằm trấn an lo ngại về sức khỏe tài chính của Credit Suisse khi chuẩn bị triển khai kế hoạch tái cấu trúc lớn sẽ được công bố vào cuối tháng 10 này. Tuy nhiên, đây chỉ là giọt nước làm tràn ly khi niềm tin của giới đầu tư và khách hàng dành cho Credit Suisse đã bị thử thách liên tục trong những năm gần đây, từ các cáo buộc rửa tiền, những thương vụ đầu tư lỗ nặng, cho đến cuộc khủng hoảng nhân sự khi nhiều lãnh đạo cấp cao liên tiếp ra đi.
Trong khi giá cổ phiếu vẫn bị bán khống, khó khăn lớn hơn của Credit Suisse nằm ở kế hoạch tái cấu trúc. Hiện Credit Suisse đang cân nhắc bán một số mảng hoạt động và huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Ngân hàng Credit Suisse đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn và thử thách |
Hiện Credit Suisse đang tìm cách cắt giảm triệt để đầu tư bằng cách thành lập công ty riêng từ các mảng kinh doanh lớn hoặc bán mảng sản phẩm chứng khoán hóa nhằm chấm dứt chuỗi bê bối và thua lỗ triền miên trong nhiều năm. Ngân hàng này cũng xem xét mời một nhà đầu tư mua một phần cổ phần và bơm tiền vào công ty con được tách ra từ mảng ngân hàng đầu tư và tư vấn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu đang ở gần mức thấp kỷ lục, ban giám đốc của Credit Suisse lại không muốn phát hành cổ phiếu.
Dù quá trình tái cấu trúc còn chưa diễn ra, nhưng những thiệt hại nặng nề mà Credit Suisse đang phải gánh lấy là đáng kể. Theo một số thông tin, vì những biến động mạnh về giá cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse khiến những khách hàng giàu có của nhà băng này hoảng sợ, một số người ở Trung Đông và châu Á đã nhanh chóng rút hàng trăm triệu USD về.
Credit Suisse hiện quản lý khối tài sản trị giá 763 tỷ franc (768 tỷ USD) cho khách hàng giàu có khắp thế giới tính đến ngày 30/6/2022 vừa qua, giảm từ mức 856 tỷ franc hồi đầu năm nay, do thị trường cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm và ngân hàng cắt đứt quan hệ với một số khách hàng Nga.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, xuất phát từ các khoản cho vay dưới chuẩn, có một tập đoàn tài chính được xem là khâu yếu nhất nên sụp đổ trước - Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 khâu yếu nhất là quỹ đầu cơ LTCM. Chính vì vậy, trong cuộc khủng hoảng đang hình thành lần này, nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại Credit Suisse đang là mắt xích yếu nhất và có thể trở thành nạn nhân đầu tiên.