Thêm nhiều cơ hội mới
Khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam càng ngày thì nhu cầu tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa về thiết bị, linh kiện CNHT càng nhiều. Hồi đầu tháng 9, 20 tập đoàn là các DN FDI như Samsung, Panasonic, BOSCH, Konica, Platinum, Techtronic Tools Việt Nam (TTI)… đã đến TP.HCM tìm kiếm nguồn cung nội địa cho hơn 500 danh mục chi tiết linh kiện sản phẩm CNHT.
Đại diện Tập đoàn TTI cho biết, hiện tập đoàn mới có 80 DN trong nước là nhà cung ứng trực tiếp, với khả năng đáp ứng 40% nhu cầu sản phẩm CNHT, 60% nhu cầu còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư cho 3 nhà máy sản xuất đang hoạt động tại TP.HCM, Đồng Nai, TTI đã xây dựng chiến lược tìm kiếm 200 DN cung ứng sản phẩm CNHT trong nước từ nay đến năm 2025. Sản phẩm cần cung ứng rất đa dạng, như mô tơ, ốc vít, bo mạch, công tắc, máy móc, gia công cơ khí, đúc nhôm, lò xo, dây nguồn…
Tương tự, Samsung đặt mục tiêu có 250 nhà cung ứng cấp 1 về sản phẩm CNHT nhưng hiện tại tập đoàn này mới có được 100 đối tác và tiếp tục tìm kiếm thêm những đối tác mới.
Việc tìm kiếm nhà cung ứng trong nước của DN nước ngoài liên tục tăng thời gian qua. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP.HCM cho biết, từ năm 2020 đến nay, DN đón vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối đã gia tăng tìm kiếm nguồn cung sản phẩm CNHT trong nước. Gần như các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đều đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cơ hội là vậy nhưng vì nhiều lý do các DN trong nước vẫn chưa thể nắm bắt. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, một số ngành công nghiệp đang có thế mạnh tại thành phố như dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, điện tử... nhưng ngành sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng linh kiện để hỗ trợ sản xuất lại rất yếu. Chính vì thế, các ngành sản xuất này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến sản xuất bị động, chi phí cao. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành CNHT tại TP.HCM còn thấp, chỉ đạt khoảng 65%.
Ngành CNHT Việt Nam vẫn chưa lớn |
Nhưng khó vào chuỗi
Dù cơ hội mở ra ngày càng nhiều nhưng trên thực tế, các DN trong nước vẫn chưa thể tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu. Nội lực cung ứng sản phẩm CNHT của các DN Việt Nam còn “mỏng” và “yếu” so với nhu cầu ngày càng tăng của các DN FDI. Không chỉ vậy, các DN còn gặp khó khi phải đáp ứng các yêu cầu về quản trị, đổi mới công nghệ nên thường phải lùi lại phía sau, tuột cơ hội vào tay các DN FDI.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, hàng loạt chương trình, chính sách đã được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đưa ra nhằm khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành CNHT ở Việt Nam để hướng đến việc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dù lượng DN FDI đã gia tăng rất mạnh nhưng đến nay cả nước mới có 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Số DN này chỉ chiếm 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Điều đáng nói là các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam chủ yếu làm được ở phần gia công cơ bản với các linh kiện và các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, chiếm giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm hoàn thiện DN.
Tính theo từng ngành, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Cụ thể, với ngành điện tử, gia dụng mới chỉ đạt từ 30-35% nhu cầu linh kiện, điện tử. Tỷ lệ này với các ngành ô tô, xe máy đạt khoảng 40% còn trong ngành dệt may, da giày, nội địa hóa đạt 40-45%. Với những ngành công nghệ cao như tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt 5-15%.
Cũng theo ông Nghĩa, phần lớn DN hoạt động trong ngành CNHT là DN nhỏ và vừa, và hoạt động trong môi trường thiếu đủ thứ, từ vốn, năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ và thậm chí cả con người. Vì vậy, dù có rất nhiều DN sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam thông báo tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí… nhưng DN Việt không đủ năng lực để đáp ứng. Từ đó, việc đặt chân được vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI là rất khó.
Đánh giá về năng lực của DN, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định: “DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho các DN FDI. Chỉ có các nhà cung cấp cấp 1 tại Việt Nam là DN có vốn đầu tư nước ngoài mới đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của khối DN FDI”.
Còn quá ít DN làm nhà cung ứng trực tiếp cho DN FDI |
Để thúc đẩy quá trình phát triển cho DN sản xuất sản phẩm CNHT, TS. Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải quy hoạch và xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, khu công nghiệp này phải có giá thuê và diện tích cho thuê phù hợp với quy mô sản xuất của DN, có chính sách ưu đãi giá thuê đất, miễn giảm thuế đi kèm để kích thích đầu tư; minh bạch tiêu chí đầu tư; sẵn sàng dịch vụ cung ứng hậu cần để thuận lợi cho DN hoạt động.
Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Công ty Toyota Việt Nam mới đây đã khởi động chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến DN trong lĩnh vực CNHT. Cụ thể, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ chuyên sâu cho 4 DN thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su. Toyota cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng DN đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực cho DN. Chương trình nằm trong Dự án Hợp tác hỗ trợ DN trong nước trong lĩnh vực CNHT của Bộ Công Thương được triển khai từ năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số DN trong nước và tăng cường liên kết giữa DN trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô. Bốn DN được Toyota Việt Nam hỗ trợ lần này, gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty MTV Cao su 75, Công ty CP Công nghiệp Kim Sen. |