Xiaomi đặt cược vào ứng dụng điện thoại

LÂM NGHI| 07/11/2014 05:58

Điện thoại Mi4, dòng sản phẩm hàng đầu của Xiaomi được bán với giá thấp nhất là 327 USD. Về thông số kỹ thuật, Mi4 không thua kém gì Samsung Galaxy S5.

Xiaomi đặt cược vào ứng dụng điện thoại

Xiaomi vừa công bố báo cáo tài chính năm 2013, trong đó tiếp tục nhấn mạnh chiến lược kinh doanh dựa trên mức giá so với các hãng điện thoại lớn như Apple, Samsung lẫn LG, HTC.

Theo Bloomberg, điện thoại Mi4, dòng sản phẩm hàng đầu của Xiaomi được bán với giá thấp nhất là 327 USD. Trong khi đó, về thông số kỹ thuật, Mi4 không thua kém gì Samsung Galaxy S5.

Hãng Xiaomi đã không áp dụng chiến lược giảm chất lượng sản phẩm để hạ giá thành. Bằng chứng là Mi4 sử dụng cùng pin và bộ cảm biến quang học của Sony, bộ xử lý, Wi-fi và chíp âm thanh của Qualcomm, chip RAM của Sangsung và các thành phần khác tương tự như những dòng điện thoại cao cấp của các đối thủ khác.

Về thiết kế, những chiếc Mi có giao diện trực quan, đơn giản hóa các chi tiết trên điện thoại. Mi cũng được cải tiến trên hệ điều hành của Android, Google và không để người dùng bị ảnh hưởng bởi các bloatware như những nhà sản xuất điện thoại khác.

Với những thông số này, có thể xem chiếc Mi4 là một sản phẩm gần như hoàn hảo, hoàn toàn có thể cạnh tranh với những đại gia khác trong lĩnh vực smartphone. Nhưng vì sao Xiaomi lại áp một mức giá rẻ như vậy cho dòng điện thoại này?

Câu trả lời khả dĩ nằm ở chiến lược bán ứng dụng điện thoại của Xiaomi. Trong đó, điện thoại chỉ là công cụ để người dùng có thể sử dụng các ứng dụng riêng do chính công ty này thiết kế.

"Chúng tôi là một công ty về internet và phần mềm hơn là một công ty sản xuất phần cứng", Hugo Barra - Phó chủ tịch điều hành toàn cầu của Xiaomi cho biết trong một hội thảo về công nghệ gần đây.

Barra vẫn thường xuyên lặp đi lặp lại thông điệp này trong những bài phát biểu với công chúng. Tuy nhiên, các số liệu tài chính công bố trên tờ Wall Street Journal lại cho thấy đây chỉ mới là một hoài bão về kế hoạch tương lai xa của Xiaomi. Trên thực tế, cơ cấu lợi nhuận hàng năm của công ty này vẫn là 94% đến từ việc bán điện thoại di động.

Xét trên bình diện thị trường, Xiaomi gia nhập làng điện thoại thế giới khá trễ nên phải áp dụng chiếc lược về giá để tránh những cuộc đối đầu trực diện với những tay chơi đã xác lập thế đứng vững chắc. Để làm được điều này, Xiaomi chọn cách cắt giảm các chi phi marketing để tập trung cho chất lượng sản phẩm.

Năm qua, Xiaomi chi rất ít cho các chiến dịch quảng bá hình ảnh và thay bằng việc tổ chức các diễn đàn trao đổi với người dùng trên mạng xã hội. Trong năm 2013, Xiaomi chỉ chi 3,2% lợi nhuận cho marketing và bán hàng. Con số này của Apple cao gấp 40 lần, Samsung cũng chi đến 16,4% doanh số bán hàng để đầu tư vào marketing.

Song, chiến lược này chỉ mang lại tỷ suất lợi nhuận cho Xiaomi chỉ bằng một nửa của Apple lẫn Samsung. Năm qua, lợi nhuận ròng của Xiaomi là 566 triệu USD.

Lei Jun, CEO của Xiaomi

Trong đó, hãng công nghệ Trung Quốc này đặt hết giá trị cạnh tranh của mình vào thị trường ứng dụng. Lei Jun, sáng lập Xiaomi đã mô tả thế này:

"Khi tôi còn làm việc tại Kingsoft, tôi đã có cơ hội để làm việc với Nokia và Motorola, 2 gã khổng lồ của thị trường điện thoại thời điểm đó. Một ngày nọ, tôi được chỉ định phụ trách mảng R&D của họ. Tuy nhiên, họ chỉ khai thác chất xám chứ không tiếp nhận những sáng kiến của tôi.

Vì vậy, tôi đã nghĩ rằng, nếu tôi có thể chế tạo ra một chiếc điện thoại, bạn cứ đề xuất tất cả những điều bạn mong muốn có trong chiếc điện thoại đó. Nếu những điều đó là khả thi, chúng tôi sẽ tiến hành chế tạo chiếc điện thoại đó cho bạn ngay lập tức.

Tôi sẽ liên tục cập nhật những công nghệ mới với bạn và bạn sẽ thấy mọi điều bạn muốn sẽ thành hiện thực chỉ sau 1 tuần".

Chuyên gia Leonid Bershidsky của Blommberg cho rằng thế giới đang ở thời kỳ marketing dẫn dắt kinh doanh. Vì vậy chiến lược phát triển một dòng sản phẩm rồi mang ra giới thiệu với công chúng không còn là cách tiếp cận thị trường phù hợp. Thay vào đó, hình thức kinh doanh tương tác sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà sản xuất.

Quan điểm này được Lei Jun khẳng định "khi điện thoại Xiaomi đã có chỗ đứng vững vàng ở thị trường châu Âu và Mỹ thì người dùng sẽ không có bất kỳ lý do gì để trả thêm tiền cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ từ các hãng khác. Đây là điều chúng tôi đã làm được ở thị trường Trung Quốc". 

Tuy nhiên, viễn cảnh này đòi hỏi Xiaomi nỗ lực nhiều hơn nữa khi giá trị thương hiệu của hãng điện thoại Trung Quốc này vẫn còn cách quá xa so với hai đại gia ngành công nghệ Apple và Samsung trên thị trường thế giới.

>Xiaomi: "Trộm táo" Apple?
>Xiaomi bám sát Samsung và Apple

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xiaomi đặt cược vào ứng dụng điện thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO