Tivi OLED chưa thể cất cánh

10/09/2013 07:26

Được đánh giá là màn hình thế hệ tiếp theo, OLED - màn hình tivi dùng đèn đi-ốt chiếu sáng hữu cơ - đã trở thành công nghệ chủ đạo trong thế giới điện thoại thông minh.

Tivi OLED chưa thể cất cánh

Được đánh giá là màn hình thế hệ tiếp theo, OLED - màn hình tivi dùng đèn đi-ốt chiếu sáng hữu cơ - đã trở thành công nghệ chủ đạo trong thế giới điện thoại thông minh.

Chiếc tivi OLED màn hình cong có giá 13.000 USD của LG
>>Samsung nắm được công nghệ 5G siêu tốc
>>Vì sao Samsung thống lĩnh thị trường smartphone?
>>
LG Magic Remote – bộ điều khiển tivi qua giọng nói và cử chỉ
>>Giám đốc LG bị bắt vì lấy cắp công nghệ màn hình của Samsung
>>
Sony chính thức trình làng SmartWatch 2
>>Sony khởi sắc, ông Hirai chưa thở phào
>>
LG khơi dậy cuộc đua TV OLED
>>Sony giới thiệu màn hình OLED 7"4 giá 3850USD

Samsung, chẳng hạn, đã sử dụng màn hình OLED cỡ nhỏ trong các dòng smartphone của mình, trong đó có dòng Galaxy.

Ưu thế của công nghệ OLED là cho phép màn hình sản xuất ra nhẹ và đạt độ siêu mỏng (có thể đạt tới 4 mm) và tiết kiệm năng lượng hơn các màn hình hiện nay.

Đó là lý do một số nhà sản xuất hàng điện tử đã vận dụng thế mạnh của OLED cho tivi. Tháng 1/2013, LG Electronics đã bán chiếc tivi OLED màn hình phẳng 55 inch đầu tiên tại Hàn Quốc với giá khoảng 10.000 USD và sau đó là tivi OLED mắc tiền hơn có màn hình cong với giá 13.000 USD. Samsung cũng nối gót với tivi OLED màn hình cong với giá 13.000 USD.

Ưu thế nổi bật của tivi OLED là nhẹ hơn, cho hình ảnh sống động và sắc nét hơn tivi LCD (màn hình tinh thể lỏng). Những ưu thế này là lý do chính để các nhà sản xuất tin rằng sẽ có một thị trường lớn cho tivi OLED.

Thế nhưng, giờ cả LG lẫn Samsung đều đua nhau giảm giá loại tivi này để khuyến khích người mua. Hồi cuối tháng 8, LG cho biết sẽ giảm giá tivi OLED màn hình cong tới 30% xuống còn khoảng 10.000 USD.

Trước đó 2 tuần, Samsung cũng đã giảm 30% giá tivi OLED. “Giá bán cao đã cản trở việc hình thành thị trường tivi OLED”, theo thông cáo của Samsung hồi tháng 8. LG thì cho biết muốn tivi OLED “vừa túi tiền với một lượng lớn người tiêu dùng hơn”.

Những điều này cho thấy thách thức mà tivi OLED đang phải đối mặt. Công nghệ sản xuất màn hình OLED cỡ lớn vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, rất khó cho các nhà sản xuất thực hiện sâu hoạt động đầu tư cơ bản vào lĩnh vực này để có thể sản xuất đại trà nhằm giảm chi phí, nhất là trong bối cảnh thị trường tivi có biên lợi nhuận ngày càng mỏng đi.

“Công nghệ OLED vẫn còn chưa “trưởng thành” và chi phí sản xuất đang cực kỳ cao đối tivi OLED màn hình cỡ lớn”, C.W. Chung, chuyên gia phân tích tại Nomura ở Seoul, nhận xét.

Chuyên gia phân tích Alberto Moel của Sanford C. Bernstein, cũng cho rằng: “Sản xuất tivi lớn dùng màn hình OLED đến nay vẫn chưa có tính kinh tế”. Theo ông, để thị trường tivi OLED cất cánh, cần phải có những đột biến hơn trong công nghệ sản xuất OLED cỡ lớn.

Có thể thấy rõ điều này qua trường hợp của Sony. Hãng điện tử Nhật đã giới thiệu mẫu tivi màu OLED đầu tiên trên thế giới có màn hình 11 inch vào năm 2007.

Nhưng cho đến nay, Công ty vẫn còn tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất của công nghệ này ở các tivi có màn hình lớn hơn. Mảng tivi của Sony đã có 9 năm không sinh lợi và Hãng đã không hề sản xuất chiếc tivi OLED nào trong 6 năm qua.

Lượng tivi OLED bán ra trên toàn cầu sẽ đạt 9 triệu chiếc vào năm 2016

Sony vẫn chưa công bố kế hoạch tung ra tivi OLED, mặc dù Công ty vẫn đang nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Sony đã trình làng một chiếc tivi OLED nguyên mẫu có độ phân giải cực cao với màn hình 56 inch tại Triển lãm hàng Điện tử năm nay ở Mỹ. Sony cũng đang hợp tác với Panasonic để phát triển một phương thức sản xuất mới cho màn hình OLED.

Cho đến nay, Samsung và LG vẫn là 2 công ty duy nhất trên thế giới sản xuất tivi OLED màn hình cong và đều là màn hình 55 inch. Nhưng đi đầu trong phân khúc này không đồng nghĩa với việc họ sẽ thành công.

Mặc dù tivi OLED có thể bán với giá gấp 2-3 lần tivi LCD cùng cỡ nhưng chi phí sản xuất cao sẽ khiến các nhà sản xuất tivi OLED gặp khó khăn. “Càng bán nhiều, họ càng lỗ nhiều”, Kim Yang-Jae, chuyên gia phân tích tại Woori Investment & Securities, nhận xét.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia phân tích Mark Newman thuộc Bernstein cho biết, mặc dù Samsung đã xây dựng được một lĩnh vực kinh doanh hiệu quả và sinh lời xung quanh màn hình OLED nhỏ dành cho thiết bị di động, nhưng việc lặp lại thành công trên thị trường tivi sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Theo ông, sản xuất màn hình OLED cỡ lớn thì hiệu quả thấp hơn nhiều so với màn hình OLED nhỏ. Và cũng không chắc là người tiêu dùng sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua tivi OLED trong khi có thể mua loại tivi LCD tốt nhất với giá thấp hơn nhiều.

“Tivi OLED có thể có tiềm năng trong dài hạn, nhưng chúng tôi không nghĩ rằng thị trường sẽ cất cánh trong ngắn hạn”, ông dự đoán.

Theo ông Moel, lượng tivi OLED bán ra trên toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ hơn 20.000 chiếc, chiếm chỉ 0,01% thị trường tivi màn hình phẳng thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm tới, thị trường tivi OLED được dự báo sẽ khả quan hơn khi công nghệ OLED phát triển hơn, cho phép các nhà sản xuất có thể giảm chi phí sản xuất. Theo hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch, sẽ có tới 7 triệu tivi OLED được bán ra trong năm 2016.

Con số này chiếm chưa tới 3% thị trường tivi nói chung nhưng lại chiếm tới 1/3 phân khúc tivi màn hình từ 55 inch trở lên. Để đạt được con số này, giá bán cần phải xuống dưới mức 3.000 USD vào năm 2016.

Trong khi tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ OLED, theo ông Kim, hiện tại LG và Samsung đang hy vọng việc cải thiện năng suất sản xuất đối với màn hình OLED có thể giúp giảm chi phí. “Khi năng suất sản xuất màn hình tăng, giá có thể giảm mạnh tương ứng. Đó cũng là chiến thuật quan trọng của cả Samsung lẫn LG”, ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tivi OLED chưa thể cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO