Thời của trợ lý ảo

HOÀNG HÀ| 20/09/2015 06:57

Công nghệ trợ lý ảo đang định hình tương lai của internet và hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Thời của trợ lý ảo

Công nghệ trợ lý ảo đang định hình tương lai của internet và hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Đọc E-paper

Một đám đông khổng lồ đổ xô tới sân vận động Bill Graham Civic Auditorium ở San Francisco vào ngày 9/9 vừa rồi. Họ đã biến địa điểm thường tổ chức các buổi nhạc rock máu lửa thành một chương trình giới thiệu sản phẩm công nghệ của Apple.

Tại đây, CEO Apple Tim Cook đã lên sân khấu để công bố bản cập nhật của Apple Watch, iPhone, iPad, hộp truyền hình set-top mới. Nhưng ngôi sao thực sự của chương trình này là Siri. Siri đã có sẵn trên iPhone và nay sẽ xuất hiện trên điều khiển TV từ xa mới của Apple.

Theo đó, người dùng sẽ không cần dùng tay bấm bấm đổi kênh hoặc tìm chương trình mới, thay vào đó, chỉ cần đơn giản ra lệnh cho chiếc điều khiển. Nếu muốn biết thời tiết hoặc kết quả của một sự kiện thể thao, cũng qua giọng nói, Siri sẽ giúp người dùng có được câu trả lời nhanh chóng.

Siri trên TV là ví dụ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng trợ lý ảo lan rộng trong các sản phẩm công nghệ. Ứng dụng này có tính năng như một cô thư ký thông minh, tận tụy nhắc nhở các cuộc hẹn, cần cù tìm kiếm thông tin và nhẫn nại hoàn thành các nhiệm vụ khác.

Apple mua lại Siri vào năm 2010 với giá 200 triệu USD, đang dẫn đầu trong công nghệ ảo này. Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ khác cũng đang cố bắt kịp Apple.

Chẳng hạn, Google và Microsoft tích hợp các trợ lý ảo trên smartphone là Google Now và Cortana. Amazon tung ra một thiết bị chơi nhạc, đọc sách và có thể giúp mua hàng thông qua Amazon.

Mới đây, Baidu, một người khổng lồ internet Trung Quốc, đưa ra trợ lý kỹ thuật số Duer và khoe rằng "công nghệ nhận diện giọng nói của Baidu hoạt động tốt hơn những gì mà công nghệ hiện nay có thể làm được trong môi trường bị nhiễu tiếng ồn, chẳng hạn như trong xe hơi hay đám đông".

Còn Facebook đã thông báo về khả năng sớm tung ra dịch vụ hướng dẫn khách mang tên "M" trong ứng dụng chat Facebook Messenger. M có thể giúp người dùng Messenger trả lời các câu hỏi cũng như thực hiện các công việc như mua hàng, giao hàng, lên lịch trình đi du lịch, đặt nhà hàng ăn uống, lên lịch cuộc hẹn...

Sự gia tăng của các ứng dụng trợ giúp cá nhân như Siri được đánh giá là bước đi quan trọng định hình tương lai của internet và là tiến hóa của công nghệ "tìm kiếm", hướng tới một dịch vụ tương tác cá nhân nhiều hơn.

Theo Gartner, khoảng 38% người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng các dịch vụ trợ lý ảo trên smartphone thời gian gần đây; vào cuối năm 2016, dự báo khoảng hai phần ba người tiêu dùng ở các thị trường phát triển sẽ sử dụng chúng hằng ngày.

Các phần mềm trợ lý ảo dự đoán tình huống tốt hơn những gì người dùng cần dựa trên hành vi trong quá khứ và vị trí của họ. Hàng loạt các thương hiệu lớn trong công nghệ cao đang dành hàng tỷ USD để nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo, "máy học"... cũng với mục đích tạo nên công nghệ thông minh hỗ trợ con người.

Riêng Apple đang tuyển tới 90 chuyên gia trong lĩnh vực này, còn Facebook đã kịp tuyển về chuyên gia nổi tiếng về trí thông minh nhân tạo Yann LeCun.

Công nghệ nhận dạng giọng nói đang được hoàn thiện dù vẫn chưa hoàn hảo. Theo Aparna Chennapragada - người đứng đầu của Google Now, 2 năm trước, Google Now giải thích sai khoảng 25% nhưng hiện nay sai số chỉ là 8%.

Các công ty đang tập trung để giải quyết công nghệ sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng ngay trên các thiết bị của họ để chủ động đưa ra khuyến cáo thay vì chỉ đáp ứng yêu cầu. Ví dụ, Google sử dụng công nghệ "tìm kiếm" và lọc email để tự động nhắc người dùng về các cuộc hẹn hoặc lịch các chuyến bay.

Công nghệ định vị toàn cầu - đã là một tính năng tiêu chuẩn trên smartphone - đang giúp trợ lý ảo thực hiện đa nhiệm hơn. Nếu một người muốn được nhắc mua sữa khi đi đến siêu thị, một cảnh báo sẽ nhấp nháy khi điện thoại phát hiện họ đến gần siêu thị.

Công nghệ trợ lý ảo cũng có thể tự động hóa việc lập kế hoạch cho các cuộc họp. Chẳng hạn, Clara Labs và thương hiệu x.ai sử dụng thuật toán để tự động lên kế hoạch các cuộc họp. Dennis Mortensen - ông chủ của x.ai tiên đoán, các ứng dụng này sẽ tốt đến mức "người dùng sẽ không biết là họ đang đối thoại với một cái máy".

Hầu hết ứng dụng trợ lý ảo trên smartphone hiện nay chủ yếu là tiện ích "rảnh tay" nhưng các hãng đang đòi hỏi nhiều bước phức tạp hơn. Chẳng hạn Echo, sản phẩm của Amazon, có thể nhận lệnh để bật/tắt một bản nhạc nào đó, tra cứu thông tin, bày cách nấu các món ăn... Hay ứng dụng Cortana đã liên kết với Uber để giúp người sử dụng đặt xe và tìm kiếm phiếu giảm giá.

Nhưng sự gia tăng của trợ lý ảo đặt ra một số thách thức, đặc biệt là quyền riêng tư. Bởi vì các ứng dụng này sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng và có thể được sử dụng cho bên thứ ba.

Ví dụ, Google Now và Facebook M có thể kiếm được tiền bằng cách bán quảng cáo và khai thác dữ liệu người tiêu dùng. Khi được yêu cầu đặt vé từ TP.HCM tới Hà Nội, trợ lý ảo của bạn sẽ chọn giá vé rẻ nhất hay vé của một hãng hàng không có mối quan hệ quảng cáo với các ứng dụng trợ lý ảo? Dù là trí tuệ nhân tạo nhưng các trợ lý ảo này vẫn có những ông chủ thực sự sau lưng...

>Nokia "trở lại" với camera thực tế ảo

>HTC ra mắt tai nghe thực tế ảo Vive

>Cuộc "đổ bộ" của công nghệ phân tích cảm xúc

>Samsung, Apple dẫn đầu thị trường thiết bị thông minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời của trợ lý ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO