Thiết yếu hay xa xỉ?

THỤY LÂM| 24/04/2010 09:02

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có những cuộc họp đầu tiên bàn về khả năng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên một số dòng điện thoại di động đắt tiền nhằm hạn chế nhập siêu.

Thiết yếu hay xa xỉ?

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có những cuộc họp đầu tiên bàn về khả năng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên một số dòng điện thoại di động (ĐTDĐ) đắt tiền nhằm hạn chế nhập siêu. Cần khẳng định đây là bước đi cần thiết, nhưng khi tiến hành chính sách này cũng cần khu biệt rõ vấn đề: ĐTDĐ là hàng thiết yếu hay hàng xa xỉ?

Người người dùng điện thoại

Có thể khẳng định ngay rằng, ĐTDĐ từ lâu đã trở thành một loại hàng hóa thiết yếu. Dùng ĐTDĐ liên lạc trong làm ăn, thông tin liên lạc thường xuyên giúp bảo đảm công việc trôi chảy và đạt hiệu quả. Ngày nay, đến học sinh cấp 1 cũng cần ĐTDĐ để mỗi khi tan học, các em chỉ cần nhá máy cho bố mẹ hoặc người thân biết đến đón về.

Đó là chuyện nhỏ và bình thường nhất. Thời đại 3G rồi 4G sẽ đến, chiếc ĐTDĐ trở thành nơi hội tụ công nghệ: ĐTDĐ có tích hợp chip chứa các dữ liệu về thông tin cá nhân để ra vào công ty, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến, tra cứu thông tin văn hóa, giải trí, xã hội... Thậm chí ở Nhật Bản hay Hàn Quốc đã có thử nghiệm dịch vụ báo cháy, rò rỉ gas... đến ĐTDĐ.

Ở Việt Nam, số thuê bao ĐTDĐ đến hết quý I/2010 đã đạt 117,9 triệu thuê bao. Tất nhiên, số người dùng ĐTDĐ không tương ứng với con số này, thậm chí thấp hơn nhiều, song qua đó có thể thấy, việc sử dụng ĐTDĐ đã phổ biến trong xã hội như thế nào.

Thời đại thông tin liên lạc nhiều khi trở thành chìa khóa thành công trong nhiều thương vụ làm ăn, chiếc ĐTDĐ luôn phải đi theo bên người, thậm chí còn có người cùng lúc dùng nhiều ĐTDĐ với nhiều số thuê bao. Những năm qua, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu ĐTDĐ với tổng trị giá trên dưới 1 tỷ USD, đa phần là các dòng máy giá rẻ cho đến trung bình, những dòng máy giá bán từ 5 triệu đồng trở lên chỉ chiếm từ 10 - 20% thị phần trong tổng số cả chục triệu chiếc ĐTDĐ bán trên thị trường.

Về đại thể, ĐTDĐ cần được xem là hàng tiêu dùng thuộc lĩnh vực công nghệ. Tính chất “sản xuất” của ĐTDĐ không rõ ràng như máy tính hay các thiết bị mạng, viễn thông... Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng: dù là hàng tiêu dùng nhưng ĐTDĐ đã trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu, không những không thể thiếu mà còn là một loại phương tiện, thiết bị mang tới nhiều giá trị gia tăng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Áo công nghệ, ruột xa xỉ

Tại thị trường Việt Nam, các dòng điện thoại thông minh (smartphone) của những thương hiệu lớn như Nokia, Samsung, LG... đều không có giá dưới 4 triệu đồng/chiếc. Còn các thương hiệu như BlackBerry, iPhone, HTC... có giá từ 7, 8 triệu đồng đến mười mấy triệu đồng/chiếc.

Tính thiết yếu của những chiếc ĐTDĐ này không mất đi, nhưng chúng trở nên xa xỉ vì giá quá cao, thay vì dùng chúng người ta vẫn có thể đảm bảo liên lạc bằng chiếc điện thoại giá chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/chiếc. Như vậy, đừng lấy cớ tiếp cận công nghệ mới để khỏa lấp tính xa xỉ của hành vi tiêu dùng này.

Tiếp cận công nghệ cũng có cái giá của nó, sẽ được ưu tiên, ưu đãi nếu ứng dụng cho sản xuất hay tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ cộng đồng, còn chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân thuần túy, thì sự tiếp cận công nghệ mới = tiêu dùng. Chính vì thế, không thể tiếp tục thả lỏng đối với hành vi tiêu dùng xa xỉ như vậy.

Các ràng buộc về cam kết mậu dịch trong khu vực ASEAN và với Trung Quốc không cho phép Việt Nam nâng thuế nhập khẩu ĐTDĐ từ mức 0% hiện nay, tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật dùng thuế TTĐB thì trong tầm tay. Mỗi chiếc Vertu giá vài ngàn USD vẫn được nhập về và có người mua sử dụng, mà số người này chỉ là một bộ phận nhỏ trong dân chúng, nên việc đánh thuế TTĐB lên mặt hàng này không có tác động lớn đến dân sinh, mà trái lại còn tăng được nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Trên thực tế, có nhiều dòng điện thoại đắt tiền, đơn cử như Vertu, lại không có công nghệ gì tiên tiến. Giá cao chỉ vì thương hiệu và được làm thủ công với các chất liệu quí hiếm, đắt tiền.

Đánh thuế TTĐB đối với các dòng ĐTDĐ xa xỉ là việc nên làm. Vấn đề là cần xác định ranh giới, mức giá từ bao nhiêu thì đánh thuế: 4, 5, hay 8, 10 triệu đồng/chiếc? Cần nhớ rằng, giá mặt hàng ĐTDĐ trên thế giới giảm hằng tuần. Trong năm 2010 này, những dòng điện thoại có giá trên 3 triệu đồng/chiếc có thể vô tư dùng được 3G. Đây là cuộc đua của các hãng sản xuất ĐTDĐ nhằm cạnh tranh với nhau.

Chính sách thuế dù để ngăn chặn nhập siêu, nhưng cũng phải bảo đảm cho quyền lợi chung của đại đa số người tiêu dùng. Một chiếc ĐTDĐ có giá bán từ 4 - 5 triệu đồng tại Việt Nam hiện nay nếu bị xếp vào diện “hàng xa xỉ” để đánh thuế thì e rằng chưa thuyết phục lắm. Siết chặt nhưng cũng cần có cái nhìn thoáng để tạo môi trường làm ăn thuận lợi cho doanh nghiệp, có như thế thì nền kinh tế mới phát triển ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiết yếu hay xa xỉ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO