Thị trường nội dung số: Khách trên sân nhà

KHÁNH VÂN| 24/12/2011 09:43

Phát triển song hành cùng sự bùng nổ internet tại Việt Nam cách đây 7 năm, nhưng ngành sản xuất nội dung số nội địa non trẻ vẫn chỉ là “khách” ngay trong sân nhà bởi sự bất bình đẳng về chính sách quản lý và hỗ trợ giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài.

Thị trường nội dung số: Khách trên sân nhà

Phát triển song hành cùng sự bùng nổ internet tại Việt Nam cách đây 7 năm, nhưng ngành sản xuất nội dung số nội địa non trẻ vẫn chỉ là “khách” ngay trong sân nhà bởi sự bất bình đẳng về chính sách quản lý và hỗ trợ giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài.

Cuộc chiến sống còn

DN nội dung số nội địa chiếm chưa đầy 40% thị phần - Ảnh: M.T

Năm 2011, các DN lớn như Google, Yahoo, Facebook thu được khoảng 40 triệu USD từ quảng cáo tại Việt Nam. Con số hấp dẫn này cho thấy thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam rất tiềm năng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là doanh thu những DN này đang chiếm 60% thị phần. Tất cả DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này đang bị lép vế, chiếm chưa đầy 40%.

“Cho dù đã chính thức hay không chính thức kinh doanh tại Việt Nam, thì thực tế, các DN hàng đầu thế giới như Google, Yahoo!, Facebook... đang cạnh tranh rất quyết liệt với các DN trong nước ngay tại sân nhà”, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, Chủ tịch Câu lạc bộ DN nội dung số Việt Nam chia sẻ.

Trên thực tế, cuộc chiến thị phần giữa DN khai thác trực tuyến nội và ngoại đang diễn ra hết sức gắt gao. Bởi vì, các DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin như FPT, VTC, VNG... đều đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực nội dung số vì nhìn thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, năm 2010, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 25 triệu USD, tăng trưởng gần 80% so với doanh thu năm 2009 chỉ 278 tỷ đồng. Năm nay, dù kinh tế suy giảm, tốc độ tăng trưởng của quảng cáo trực tuyến còn tăng cao hơn năm trước.

Cùng với sự tăng trưởng, con số thống kê hiện hiện nay đang cho thấy sự phân bố của thị trường quảng cáo trực tuyến đang có thay đổi.

Nếu trước đây doanh thu của quảng cáo trực tuyến nằm phần nhiều ở các báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp, thì hiện nay, các công cụ tìm kiếm, email, chat và đặc biệt là các mạng xã hội đang “lên ngôi”, cả về lượng người dùng và cả về doanh thu.

Hàng loạt DN Việt Nam hiện nay đang tập trung đầu tư vào mạng xã hội và thương mại điện tử. Riêng trong lĩnh vực mạng xã hội, tại Việt Nam hiện nay có hơn 30 mạng xã hội đang hoạt động, trong đó, có những sản phẩm đã nổi tiếng như Zing Me của VNG, GO.vn của VTC, banbe của FPT...

Tuy nhiên, khi đại gia Facebook đã thu được doanh thu và đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, câu chuyện cạnh tranh đang làm hàng loạt DN trong nước phải lo ngại.

“Tiềm lực và công nghệ là thế mạnh rất lớn của các DN nước ngoài. Nhưng điều chúng tôi lo ngại nhất lại không nằm ở đó, mà là ở chính sách quản lý của nhà nước.

Hiện nay, có thể nói rằng các DN nội dung số đang ở trong tình trạng bảo hộ ngược: DN nước ngoài thì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mà không bị ràng buộc, không có chế tài xử lý, trong khi DN Việt Nam lại có rất nhiều đơn vị, rất nhiều quy định quản lý, xử phạt.

Nếu cứ tiếp diễn thế này, có thể thấy ngành nội dung số sẽ biến mất như ngành điện tử nước nhà trước đây”, ông Phan Anh Tuấn, Phó giám đốc VTC Online, Trưởng dự án mạng xã hội GO.vn, bức xúc.

Nỗi lo bảo hộ ngược

Trước khi cuộc chiến mạng xã hội nổ ra như hiện nay, thì ở những cuộc chiến khác, các DN Việt Nam cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sự “ra đi” của công cụ tìm kiếm nội địa VinaSeek là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho câu chuyện đó.

Ra đời sớm, sớm chiếm lĩnh thị trường trong nước ngay từ khi các DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, vào năm 2000, VinaSeek là cái tên số 1 tại mảng thị trường tìm kiếm tại Việt Nam.

VINASA dự báo vào năm 2014, sẽ có khoảng 46% dân số Việt Nam sử dụng internet như một phần quan trọng nhất của cuộc sống, đặc biệt là với những bạn trẻ. Doanh số năm 2014 sẽ lên tới 20.000 tỷ đồng so với con số 2.500 tỷ đồng vào năm 2009.

Mọi việc cứ xấu dần đi khi Google và một số DN hàng đầu khác đầu tư vào hoạt động này tại Việt Nam, ra phiên bản tìm kiếm tiếng Việt và hưởng lợi từ việc kinh doanh xuyên biên giới: họ không phải đóng thuế, không phải kiểm duyệt từ khóa tìm kiếm...

Thị phần cứ dịch chuyển dần về phía nước ngoài, và tới năm 2011, không còn bất cứ sản phẩm “made in Việt Nam” nào xuất hiện trên top 3 bảng xếp hạng công cụ tìm kiếm Việt Nam, thay vào đó là ba công cụ hoàn toàn từ nước ngoài là Google, Bing và Yahoo!

Những “cái chết” tương tự có thể thấy ở nhiều sản phẩm nội dung số nổi tiếng Việt Nam khác, trong quá trình cạnh tranh cùng Google, Yahoo!, Youtube... trên sân nhà.

Và bây giờ, khi chúng ta gần như đã thua trắng trên các mặt trân tìm kiếm, email và chat, câu hỏi đặt ra là: các DN Việt có tiếp tục thua khi phải đối đầu cùng một ông lớn khác, trong lĩnh vực mới nhất của ngành nội dung số là mạng xã hội hay không?

Thực tế đã chứng minh nỗ lực và thế mạnh của các DN Việt Nam hoàn toàn có thể giúp cho họ có được những sản phẩm đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Thế nhưng, DN Việt phải xin phép, chịu sự quản lý nội dung chặt chẽ từ nhiều cơ quan quản lý và đứng trước hàng loạt chế tài xử phạt, thậm chí rút phép nếu vi phạm nặng trong khi các DN nước ngoài không cần tuân thủ quy định nào của Việt Nam.

Vướng môi trường pháp lý, sự cạnh tranh này không còn ở thế công bằng. Tiền vốn, con người, chất lượng sản phẩm... đã chuẩn bị sẵn để cạnh tranh, thế nhưng, trong quyết tâm “ra trận”, canh cánh nỗi lo chính sách trong lòng, liệu DN Việt có đủ tự tin để làm nên nghiệp lớn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường nội dung số: Khách trên sân nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO