Sống chung với... spam

THỤY LÂM| 14/05/2010 09:56

Thư rác (spam) rồi tin nhắn rác di động (spam SMS) đang gắn nền công nghệ thông tin non trẻ của Việt Nam với những hình ảnh xấu. Không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng, tiếng xấu spam còn gây hại đến môi trường đầu tư và kinh doanh.

Sống chung với... spam

Thư rác (spam) rồi tin nhắn rác di động (spam SMS) đang gắn nền công nghệ thông tin non trẻ của Việt Nam với những hình ảnh xấu. Không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng, tiếng xấu spam còn gây hại đến môi trường đầu tư và kinh doanh.

Thư rác, chuyện không nhỏ

Theo báo cáo về tình trạng thư rác toàn cầu quý I/2010 của hãng bảo mật Sophos, Việt Nam nằm ở vị trí thứ 5 về phát tán nhiều thư rác trên thế giới. Từ chỗ nằm trong tốp 10, Việt Nam đã ngày càng thăng hạng và được các hãng bảo mật xếp vào diện quốc gia có tình trạng phát tán thư rác diễn biến phức tạp. Với tỷ lệ 3,4%, Việt Nam chỉ xếp sau Mỹ (13,1%), Ấn Độ (7,3%), Brazil (6,8%) và Hàn Quốc (4,8%).

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu về phát tán thư rác và đứng thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh: Quý Hòa

Song song với tình trạng thư rác, hãng bảo mật Symantec mới đây cũng đưa ra báo cáo về các mối đe dọa bảo mật, theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á phát tán mã độc (malware) và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tình trạng tin nhắn SMS rác chưa được thống kê, nhưng thời gian qua đã diễn biến phức tạp, không chỉ là tin khuyến mãi, quảng cáo, mà còn có cả tin lừa lọc, đe dọa... Một số vụ gửi tin nhắn rác SMS đe dọa đã bị khởi tố vụ án và thủ phạm đã bị tống giam, thế nhưng chế tài cho hành vi này vẫn chưa được xử lý theo các điều khoản thuộc Bộ luật Hình sự.

Tình trạng tin nhắn SMS rác đã có lúc làm dư luận bức xúc sôi trào khiến nhà mạng phải vào cuộc ngăn chặn, cơ quan chức năng siết chặt quản lý thuê bao trả trước. Phải nói rằng, Việt Nam đã tiến đến ranh giới “cường quốc spam” khá nhanh, mang không ít tiếng xấu.

Như Trung Quốc, dù đã thoát khỏi tốp 10 quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất trong quý I/2010, nhưng theo ông Graham Cluley, chuyên gia tư vấn công nghệ cấp cao của Sophos, Trung Quốc vẫn còn chịu tai tiếng vì bị cho là nơi xuất phát của hàng loạt vụ tấn công vào các mạng và hệ thống máy tính của doanh nghiệp và chính phủ.

Không có luật kẻo bị “rác đè”

Theo thượng úy Trần Xuân Linh (Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khu vực phía Nam), sau khi gần như biến mất vào năm 2008, spam hình ảnh đã quay lại trong năm 2009. Trong lần trở lại này, không ít spam hình ảnh là các mẫu quảng cáo có hình ảnh gửi qua e-mail, được gọi là EDM (e-mail direct marketing), giới thiệu từ các sản phẩm giáo dục, bảo hiểm, hàng tiêu dùng đến thuốc viagra...

Với sự tăng tiến nhanh chóng về tình trạng thư rác như thế, một chuyên gia người nước ngoài, ông Manish Goel, Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo mật Online Trust Alliance, cho rằng, Việt Nam cần mạnh tay trừng trị thủ phạm tung thư rác bằng cách xây dựng và thông qua bộ luật về chống thư rác, qua đó, có thể hợp tác và hội nhập toàn cầu về vấn đề này.

Nạn thư rác tăng nhanh ở Việt Nam nhưng cũng là vấn đề chung của thế giới trong thời đại số ngày nay. Sự hợp tác rộng mở trong lĩnh vực này cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật và an ninh mạng, đồng thời chung tay ngăn chặn tình trạng thư rác.

Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) đã bổ sung một số điều, tạo cơ sở chắc chắn hơn để xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao như phát tán virus, gây rối hệ thống mạng, sử dụng thông tin bất hợp pháp qua mạng...

Tuy nhiên, về tình trạng thư rác và tin nhắn rác, nhận thức của đa phần người Việt Nam chỉ dừng lại ở mức gây ra phiền phức, quấy rối hơn là một loại tội phạm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phát tán thư rác.

Theo đó, hành vi gửi 5 e-mail quảng cáo đến một địa chỉ trong vòng 24 giờ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Hành vi nặng hơn có thể phạt tiền tới 80 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định ra đời tới nay đã gần hai năm vẫn ít có đối tượng nào bị xử phạt dù trên thực tế, thư rác và tin nhắn rác vẫn tiếp tục được phát tán rộng rãi và có tần suất ngày càng cao.

Trong khi đó ở Mỹ, phát tán thư rác đã bị coi là một loại tội phạm. Tháng 11/2007, Todd Moeller đã bị một tòa án ở New York tuyên phạt 27 tháng tù, sau đó “cộng sự” của anh ta là Adam Vitale cũng bị tuyên phạt 30 tháng tù. Hai người này vào năm 2005 đã ký thỏa thuận với một người cung cấp tin để gửi thư rác quảng cáo đến cho 1,3 triệu địa chỉ thuê bao của mạng AOL thuộc Tập đoàn Time Warner.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống chung với... spam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO