Như chưa hề có cuộc... suy thoái

THỤY LÂM| 07/01/2010 08:28

Hầu hết các ngành trong nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đều khó thoát khỏi bóng mây u ám của cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Nhưng với thị trường thông tin di động, dường như chưa hề có cuộc suy thoái nào tác động đến...

Như chưa hề có cuộc... suy thoái

Hầu hết các ngành trong nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đều khó thoát khỏi bóng mây u ám của cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Nhưng với thị trường thông tin di động (TTDĐ), dường như chưa hề có cuộc suy thoái, suy giảm nào tác động đến...

“Khủng hoảng kinh tế toàn cầu trầm trọng nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái 1929-1933 đã không đụng đến được... cọng lông chân của ngành TTDĐ Việt Nam”, một chuyên gia trong lĩnh vực hầu như luôn “sốt” này ví von như thế.

Ảnh: M.T

Thực ra chẳng phải là ví, mà thực tế đúng như vậy. Cần nhớ lại, ngay trong buổi lễ trao giấy phép hoạt động mạng 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/8/2009, các nhà mạng đã mạnh miệng công bố đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD, vào mạng 3G.

Đây là một cách kích cầu đầu tư thông qua công nghệ 3G, nhưng dư luận lúc này xem ra có vẻ chưa xuôi. Ngay cả nhiều ý kiến của các chuyên gia công nghệ thông tin - viễn thông và báo giới chuyên viết về lĩnh vực này cũng bi quan nhận định rằng, việc các doanh nghiệp công bố đầu tư vào mạng 3G là chỉ để lấy điểm chính trị cũng như PR cho thương hiệu, và các doanh nghiệp này hầu hết thuộc Nhà nước.

Nhưng thực tế đã trả lời. Tiếp theo VinaPhone, MobiFone cũng đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G, chú trọng vào thị trường Hà Nội, TP.HCM và các đô thị. Như vậy, sau phút mạnh miệng ban đầu, xem ra sau đó các nhà mạng cũng đã có “chấn chỉnh” lại khẩu khí, và tỉnh táo hơn trong việc đầu tư. Sự đầu tư có trọng điểm là khu vực đô thị, nơi nhu cầu sử dụng điện thoại di động và sự am hiểu, thích thú công nghệ mới đạt mức độ cao nhất trong xã hội.

Phải nói rằng, chỉ có những đại gia lắm tiền nhiều của mới dám tuyên bố đầu tư và thực hiện đúng lời cam kết bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng trong bối cảnh suy thoái vẫn còn thấp thoáng đâu đó trên bầu trời kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu xét ở một góc độ khác, mới thấy động thái đầu tư vào 3G của các nhà mạng hoàn toàn hợp lẽ. Bởi ngay trong quý I/2009, doanh số của mạng di động Viettel không hề bị suy giảm do suy thoái kinh tế, ngược lại còn tăng trưởng khá mạnh. Đến quý II, Viettel ước đạt 24.222 tỷ đồng doanh thu, tăng đến 78% so với cùng kỳ năm 2008. Viettel đặt mục tiêu doanh thu năm 2009 vượt doanh số của toàn Tập đoàn VNPT năm 2008, tức đạt từ 55.000 - 60.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 80%.

Tuy nhiên, bị Viettel rượt thì VNPT cũng chạy, thậm chí còn chạy nhanh với cái “đuôi tên lửa” đẩy siêu tốc là hai mạng di động MobiFone và VinaPhone. Tổng kết năm 2008, MobiFone đạt 17.000 tỷ đồng, vừa tròn 1 tỉ USD. Nhưng doanh số của mạng này đã tăng mạnh trong năm 2009, dự kiến cán mức 27.000 tỷ đồng, tăng đến 10.000 tỷ đồng, gần xấp xỉ 60%. VinaPhone năm 2008 đạt 14.000 tỷ đồng doanh thu, năm 2009 cán mức 1 tỷ USD là trong tầm tay.

Nêu ra vài con số của ba mạng di động hàng đầu để thấy rằng, việc tăng doanh số trong lĩnh vực TTDĐ, đặc biệt đối với MobiFone, Viettel, VinaPhone, tương đối dễ dàng, dù trên thực tế đã có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác phá sản và suy giảm doanh thu.

Thử lấy một trường hợp để so sánh: Năm 2008, Tập đoàn FPT đạt doanh số gần 17.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD, với số lượng lao động gần 10.000 người. FPT mất 20 năm gầy dựng và phát triển để đạt được con số doanh thu trên. Bước sang tuổi 21 vào năm 2009, FPT dự kiến doanh thu cả năm có tăng nhưng không nhiều, nếu cộng thêm khoản trượt giá do giá USD tăng thì tập đoàn này có thể không đạt được doanh thu 1 tỷ USD. Mới thấy, sự tăng trưởng của lĩnh vực TTDĐ là phi mã và ngoạn mục. So sánh thứ hai, phải mất 20 năm FPT mới bước được vào nhóm “doanh nghiệp tỷ đô”, trong khi đó, MobiFone chỉ mất 15 năm hơn, còn VinaPhone có lẽ chỉ cần 14 năm hơn.

Như vậy, tuy đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng Việt Nam lại có ba mạng di động nằm trong danh sách “doanh nghiệp tỷ đô” vốn còn đếm trên đầu ngón tay tại nước ta. Đáng nói hơn, cả ba mạng di động có doanh số dư sức vượt qua mức 1 tỷ USD đều đạt được trong phạm vi doanh nghiệp đơn lẻ, chứ không cần phải cộng dồn doanh số như nhiều trường hợp tập đoàn, tổng công ty. Có thể nói, đây chính là điểm sáng về tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng một cách bất chấp, tăng trưởng như chưa hề có cuộc suy thoái kinh tế nào đi qua...

Với sức tăng trưởng như thế của ngành TTDĐ nói riêng và ngành viễn thông nói chung, kế hoạch đạt doanh số 10 tỷ USD vào năm 2010 của ngành bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin trở thành quá lạc hậu vì đã bị qua mặt từ năm 2008. Tình hình này đặt ra một việc cần làm ngay là các bộ, ngành phải tính toán lại kế hoạch tăng trưởng cho các lĩnh vực trên.

Bay được qua đỉnh khủng hoảng kinh tế trong hai năm 2008-2009 như thế, thì năm 2010, các mạng di động sẽ vẫn còn tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt nhân tố mới 3G bước vào thị trường sẽ kích thích các dịch vụ giá trị gia tăng phát triển mạnh, sẽ mang đến nguồn doanh thu mới đầy tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Như chưa hề có cuộc... suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO