Nhộn nhịp thị trường “gọi thợ” qua ứng dụng điện thoại

Anh Vũ| 10/09/2019 01:16

Từ năm 2017 đến nay, tiếp nối trào lưu bùng nổ từ các dịch vụ đặt xe qua điện thoại thông minh như Grab, Go-viet… hoặc giao thức ăn như Foody, Now… thì thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện trào lưu gọi thợ sửa chữa dịch vụ tại nhà qua ứng dụng.

Lợi thế thị trường

Theo đó, hàng loạt các ứng dụng “gọi thợ” được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp dự án bằng cách tạo ra các ứng dụng nêu trên. Cụ thể như, Rada (lọt vào chung khảo cuộc thi Nhân tài đất việt năm 2017), Starwin, Goitho… và vừa ra mắt đầu tháng 9/2019 là Thegioitho với mong ước thu hút được 1 triệu hồ sơ ứng viên thợ trên ứng dụng để cung cấp dịch vụ đến người dùng. 

Các ứng dụng “gọi thợ” đều hoạt động theo nguyên tắc tương tự như ứng dụng đặt xe đã rất thông dụng trong đời sống. Nghĩa là thông qua điện thoại người dùng có thể tự mình đặt lịch các thợ sửa chữa theo yêu cầu như tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy tính hoặc điện - nước, giúp việc nhà… với vài thao tác đăng ký trên màn hình điện thoại. 

Sau khi đăng ký xong thì ứng dụng sẽ thông qua kết nối định vị điện thoại để liên kết với thợ trong khu vực gần bạn nhất mà không cần phải tra cứu thêm dữ liệu qua mạng hoặc liên hệ người thân tìm người giúp đỡ dịch vụ sửa chữa. Trường hợp khác, nếu người dùng đã thi công hệ thống điện - nước trong một ngôi nhà và cần  kiểm định lại thì có thể thông qua ứng dụng Thế Giới Thợ để tìm thợ điện và thợ nước thẩm định lại mức độ thi công xem có đảm bảo đúng như chất lượng đã thỏa thuận khi hoàn công. 

the-gioi-tho-01-4929-1568087425.jpg

Ông Trần Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Thế Giới Thợ giới thiệu ứng dụng Thế giới thợ với mong ước kết nối được 1 triệu thợ cung ứng cho thị trường Việt Nam

Lý giải về sự ra đời của Thế giới thợ, ông Trần Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Thế Giới Thợ, chia sẻ: “Trong vòng 3-5 năm tới, nếu Việt Nam không có một ứng dụng nào đủ sức cạnh tranh thì người Việt sẽ vô hình chung trở thành nguồn lao động dồi dào cho các tập đoàn nước ngoài ngay trên chính đất nước của mình. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các anh em là cá nhân; tổ đội; cửa hàng để cung cấp thêm việc làm cho họ, giúp họ cải tiến dịch vụ để phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Qua đó xây dựng nên hình ảnh một cộng đồng thợ chuẩn mực và chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam”.

Dịch vụ thợ không đơn giản

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Giáo dục Nghề Nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kết trên 63 tỉnh thành cả nước, năm 2018 có tổng số khoảng 2.078.350 sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo nghề, từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề.

Như vậy thị trường lao động thợ khá lớn, nhưng không phải người thợ nào cũng có thể may mắn tìm được công việc phù hợp trình độ chuyên môn. Việc các người thợ có thể thông qua các kết nối điện thoại để tự mình giải bài toán thu nhập bằng chính sức lao động của mình là một điều rất tốt cho cộng đồng ngày nay. Thế nhưng, mọi việc liên quan đến dịch vụ thợ không hề đơn giản bởi nếu không xử lý khéo léo có thể tạo ra những điểm trừ vào niềm tin của người dùng. 

Chẳng hạn, ứng dụng Radar sau màn “ra mắt” cuộc thi Nhân Tài Đất Việt năm 2017 và có một thời gian dài hoạt động trên chợ ứng dụng Android, iOS thì đến nay đã nhận rất nhiều ý kiến không tốt. Cụ thể, ông A.D bình luận: “Ứng dụng quá tệ, mình gọi bảo dưỡng vệ sinh điều hòa mà thợ làm hỏng mất một cái, lại đổ thừa cho máy mình cháy lốc máy và báo giá thay mới 4 triệu, ứng dụng vớ vẩn, khuyên mọi người đừng cài, quan trọng vẫn là ở con người thôi…”.

Trường hợp khác còn kèm theo các bình luận ác ý: “Ứng dụng quản lý kém, thợ sửa thiếu chuyên nghiệp. Khiếu nại cả tuần không ai xử lý” hoặc “Ứng dụng không còn hoạt động thì phải, gọi thợ mà không thể nhập số điện thoại được, cứ báo lỗi số điện thoại không đúng. Gọi số hotline thì không ai nghe máy…”.

Ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc một trung tâm sửa chữa chính hãng ở quận 3, TP.HCM cho biết: “Việc các ứng dụng gọi thợ để kết nối cộng đồng là rất tốt, nhưng cần thêm một thời gian nữa để sàng lọc thợ giỏi thật sự thông qua tiêu chí đánh giá của khách hàng, tương tự hệ thống đánh giá sao trên ứng dụng đặt xe. Qua đó mới có thể đánh giá được những người thợ lành nghề và loại bỏ dần các thợ không chuyên nghiệp chỉ biết sửa chữa lặt vặt vài món điện gia dụng như: quấn mô tơ quạt điện, hàn chì thay tụ bo mạch đơn giản còn trường hợp những mạch điện phức tạp tích hợp bộ xử lí thì không thể làm bừa”.

Chẳng hạn, trung tâm sửa chữa vẫn phải nuôi quân một đội thợ sửa chữa chuyên nghiệp và họ phải tham dự khóa huấn luyện sửa chữa mạch điện tử các hãng lớn tại Việt Nam như Toshiba, Philips, Sharp… và được cấp chứng nhận đã biết cách sửa dòng máy A, B theo đúng kỹ thuật. Thậm chí, một số thợ lành nghề chỉ cần khách hàng gọi điện đến mô tả ký hiệu máy, đời máy, lỗi phát sinh là đã đoán biết 50% bệnh. Nên khi họ đến tận nhà, thẩm định lại lần nữa là thay đúng linh kiện bị lỗi chứ không cần phải mò mẫm từng bệnh càng sửa càng hư, ông Minh nói thêm. 

Nhìn chung, thị trường “gọi thợ” qua ứng dụng vẫn đang là một mảnh đất màu mỡ cho các dự án khởi nghiệp về công nghệ áp dụng mô hình “kinh tế chia sẻ”. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường để tìm thợ giỏi và áp dụng bài toán dịch vụ phù hợp để vận hành một hệ thống trung gian kết nối giữa những con người với nhau không đơn giản. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ tận nhà sẽ còn phát sinh rất nhiều vấn đề khác như tài sản, bảo hiểm và thậm chí là an toàn tính mạng vì “gọi thợ” vào tận trong nhà và trách nhiệm giữa các bên sẽ là những bài toán nan giải kế tiếp cho các ứng dụng này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhộn nhịp thị trường “gọi thợ” qua ứng dụng điện thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO