Mạnh từ nguồn nhân lực

THỤY LÂM| 19/10/2009 06:33

Đề án “Tăng tốc để sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin” hiện đang trong bước dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nhấn mạnh đến khái niệm “mạnh”...

Mạnh từ nguồn nhân lực

Đề án “Tăng tốc để sớm đưa VN trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin” (Đề án) hiện đang trong bước dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nhấn mạnh đến khái niệm “mạnh”. Song đáng tiếc, khái niệm này lại chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.

Mới đây tại TP.HCM, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu cùng với đại diện nhiều DN trong khi góp ý cho đề án này, đã đặt câu hỏi: “Mạnh” ở đây được định nghĩa như thế nào từ nội hàm đến ngoại diên? Mức độ “mạnh” phải có định lượng, con số để có thể đo lường được, chứ không thể nói “mạnh” một cách chung chung, mơ hồ...

Trong dự thảo Đề án, mức độ “mạnh” chỉ được xác định bằng vài con số khá sơ sài: Đến năm 2020, VN sẽ đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông Quốc tế về CNTT, và lọt vào danh sách mười quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, nếu được xếp hạng thứ 60, thì bản thân sự xếp hạng này cũng chưa thể bao hàm đủ các tiêu chí để khẳng định một quốc gia mạnh về CNTT. Thứ hai, lọt vào danh sách quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm và nội dung số, còn khác biệt rất xa với việc được lọt vào danh sách các quốc gia có giá trị gia công phần mềm và nội dung số lớn nhất. Sự hấp dẫn bao hàm yếu tố tiềm năng, trong khi giá trị gia công đã biến tiềm năng thành hiện thực, khẳng định “mạnh” thực sự.

Nhưng đáng nói hơn, cái gốc của khái niệm “mạnh” được đề cập còn mờ nhạt. Theo TS. Nguyễn Trọng, một quốc gia mạnh về CNTT phải là một quốc gia mạnh về cả sản xuất và tiêu thụ. Tiêu thụ mạnh phản ánh khả năng tiếp cận và tiếp thu các công nghệ mới của thế giới một cách nhanh chóng và rộng rãi, qua đó nâng cao ứng dụng nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu thụ nhiều mà không làm ra được gì bán cho thế giới, thì chưa thể gọi là “mạnh” thực sự. Minh chứng trên thế giới hiện nay, những quốc gia và vùng lãnh thổ có nền CNTT hùng mạnh như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... đều có nền sản xuất rất mạnh và sản phẩm CNTT của họ chiếm lĩnh khắp thế giới.

Theo ông Ngô Văn Vị - Tổng giám đốc VTB, trong khuôn khổ Đề án, chi tiêu tới năm 2020 lên đến hơn 140.000 tỷ đồng, nhưng dành hơn 120.000 tỷ đồng mua sắm hạ tầng, tặng thiết bị nghe nhìn, trong khi đầu tư cho sản xuất và giáo dục chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Tất nhiên, không thể suy nghĩ theo lối cũ là VN sẽ tiến đến sản xuất tất cả, mạnh về tất cả, nhưng ít nhất phải có trọng tâm và trọng tâm đó cần được đầu tư tương xứng.

Con người là cái gốc của mọi vấn đề. Muốn VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT thì trước hết phải có nguồn nhân lực dồi dào, đạt trình độ quốc tế. Nguồn nhân lực như thế sẽ giúp tiếp cận công nghệ mới, tiếp thu nhanh các chuyển giao, và sáng tạo được công nghệ mới đưa vào sản xuất. Có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đúng thì mới mong trở thành quốc gia mạnh về CNTT, và trở thành quốc gia mạnh về CNTT cũng là vì con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạnh từ nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO