Hãy chia tay kỷ nguyên PC

THỤY KHA| 04/09/2013 09:20

Quyết định nghỉ hưu của CEO Steve Ballmer càng cho thấy kỷ nguyên PC thực sự đã thoái trào.

Hãy chia tay kỷ nguyên PC

Quyết định nghỉ hưu của CEO Steve Ballmer càng cho thấy kỷ nguyên PC thực sự đã thoái trào.

>Steve Ballmer giải phẫu Microsoft
>CEO Microsoft bất ngờ tuyên bố sắp nghỉ hưu
>Steve Ballmer và những sai lầm "tỷ đô" tại Microsoft

Đọc E-paper

Steve Ballmer, một trong những CEO lâu năm nhất của Microsoft, gần đây đã đệ đơn xin nghỉ hưu. Sự ra đi của ông Ballmer là một bất ngờ vì trước đó, vào tháng 7, ông còn công bố kế họach tổ chức lại Microsoft cho những chiến lược mới.

CEO Ballmer nhận rất nhiều chỉ trích mặc dù doanh thu của Microsoft đã tăng gấp ba lần trong 13 năm ông tại vị, ước đạt doanh thu 77,8 tỷ USD và lợi nhuận 21,9 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, có thể nói Ballmer là "anh hùng không gặp thời" khi phải đối đầu với sự hùng mạnh của Apple và Google.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Seattle Times, ông Ballmer đã phủ nhận rằng sự ra đi của mình do chịu áp lực từ các cổ đông. Có lẽ Ballmer nhận thấy kỷ nguyên của máy tính cá nhân (PC) đã qua, những "ông già hết thời" như Ballmer và Bill Gates nên nhường bước cho những người trẻ nhanh nhạy hơn.

Microsoft từng trên đỉnh một kim tự tháp từ sự bùng nổ của ngành công nghiệp PC. Thời hoàng kim của liên minh "Wintel", có tới 90% PC sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft và bộ vi xử lý của Intel. Tuy nhiên, người tiêu dùng lũ lượt bỏ PC để chuyển sang sử dụng các thiết bị di động của Apple hoặc chạy hệ điều hành Android của Google. Vì thế, doanh số PC đã giảm ở mức hai chữ số.

Từ đỉnh hoàng kim, các đối tác chính của Microsoft như Dell, Hewlett- Packard cũng trượt dài trong khó khăn. Công ty nghiên cứu thị trường Frank Gillett của Forrester ước tính thị phần cho các thiết bị cá nhân của Windows giảm từ 95% xuống còn khoảng 30%.

Microsoft phản ứng với đà xuống dốc này quá muộn màng với Windows 8, phiên bản mới dành cho máy tính màn hình cảm ứng, máy tính bảng và các biến thể cho điện thoại di động với hy vọng mở ra một kỷ nguyên máy tính mới, đáp ứng được những xu hướng chính như: di động, kết nối mạng xã hội, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data)...

Nhưng sự kỳ diệu không xảy ra. Rất ít doanh nghiệp vội vàng thay thế Windows 8, thậm chí còn chưa kịp biết đến phiên bản trước đó là Windows 7. Máy tính bảng Surface của Microsoft cũng thất bại khiến hãng lỗ gần 1 tỷ USD. Hệ điều hành cho smartphone Windows Phone, với vẻn vẹn 3,3% thị phần (theo Gartner) cũng bị bỏ xa phía sau iPhone và các thiết bị Android.

Bên cạnh Microsoft, Intel cũng không theo kịp sự bùng nổ trong thị trường smartphone và tablet. Mặc dù Intel cũng đã tung ra chuẩn ultrabook thế hệ mới dùng chip Haswell, thiết kế mỏng hơn, chip đồ họa mạnh hơn, tiết kiệm điện năng hơn, trang bị màn hình cảm ứng, dễ dàng chuyển đổi thành máy tính bảng hơn. Hãng sản xuất chip này có quý thứ tư liên tiếp sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng nặng nề từ việc người dùng từ bỏ PC chuyển qua tablet.

Intel mới đây đã tiết lộ sẽ chi 13 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2013. Một phần lớn trong khoản đầu tư này phục vụ cho mục đích giúp Intel vươn lên trong thị trường vi xử lý di động, vốn đang bị chiếm lĩnh bởi các SoC dùng kiến trúc của công ty đối thủ là ARM. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 7 mẫu smartphone dùng chip Intel được bán ra thị trường.

Theo IDC, trong quý II/2013, sản lượng máy tính cá nhân truyền thống (gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay) trên toàn cầu chỉ đạt 75,6 triệu máy, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây đã là quí thứ 5 liên tiếp, cũng là thời kỳ suy giảm kéo dài nhất trong lịch sử thị trường PC. Tỷ lệ suy giảm trong thời gian tới sẽ chậm hơn, nhưng sẽ khó có sự tăng trưởng trước năm 2015, bất chấp mọi nỗ lực của Microsoft và Intel.

Viễn cảnh ảm đạm của ngành công nghiệp PC khiến lãnh đạo HP mới đây cho biết không muốn ở lại thị trường này nữa với kế hoạch rao bán mảng PC và khai tử webOS. Hai công ty máy tính lớn của Đài Loan, Acer và Asus, cũng đang dần chuyển hướng tập trung cho mảng thiết bị di động.

Hãng Dell lên tiếng về nguy cơ "diệt vong" nếu chỉ kinh doanh máy tính cá nhân, bởi trong quý I, thu nhập ròng của Dell giảm tới 80%, xuống còn 130 triệu USD. Con số này chỉ bằng 1/4 con số ước tính 499,7 triệu USD. Doanh thu từ mảng máy tính (bao gồm cả phần mềm và các phụ kiện) giảm 9%, xuống còn 8,9 tỷ USD. Lợi nhuận hoạt động của mảng này giảm 65%, xuống còn 224 triệu USD.

Tạp chí PC World chính thức thông báo phát hành số cuối cùng sau hơn 30 năm hoạt động như một biểu tượng báo hiệu kỷ nguyên PC đã thoái trào. Ray Ozzie, người từng giữ cương vị kiến trúc sư trưởng thay cho Bill Gates và là nhà chiến lược công nghệ tại tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới, tin rằng: "Mọi người cứ tranh cãi về việc chúng ta đã ở giai đoạn hậu PC hay chưa. Vì sao phải tranh cãi chứ? Rõ ràng chúng ta đang ở trong thế giới đó rồi". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy chia tay kỷ nguyên PC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO