Chạy đua phân phối iPhone: Ai có lợi?

ĐẶNG QUÝ YÊN| 03/04/2012 06:13

Những ràng buộc về cam kết sử dụng đối với khách hàng và chính sách không phân phối lại của các nhà mạng được giao quyền phân phối iPhone đã khiến thị trường iPhone co cụm lại. Hàng xách tay nhờ vậy mà có đất sống.

Chạy đua phân phối iPhone: Ai có lợi?

Những ràng buộc về cam kết sử dụng đối với khách hàng và chính sách không phân phối lại của các nhà mạng được giao quyền phân phối iPhone đã khiến thị trường iPhone co cụm lại. Hàng xách tay nhờ vậy mà có đất sống.

Chiều 28/3, khá nhiều người bắt gặp một nhóm chuyên gia đàm phán của Apple đến làm việc tại tổng hành dinh của MobiFone tại Hà Nội. Động thái này khiến người trong ngành nghĩ nhiều đến khả năng MobiFone sẽ là mạng di động thứ ba tại Việt Nam phân phối iPhone.

Bản hợp đồng còn dang dở

Đây không phải lần đầu thông tin MobiFone bắt tay với Apple để phân phối iPhone được nói đến. Cách đây hai năm, trong cuộc chạy đua để có tấm vé phân phối điện thoại thông minh có logo trái táo, MobiFone cũng từng có mặt cùng với hai đối thủ cạnh tranh là VinaPhone và Viettel.

Theo công bố của MobiFone thời điểm đó, nhà mạng này sẽ chính thức phân phối iPhone chỉ sau hai nhà mạng kia vài ngày. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không được thực hiện và cho đến tận bây giờ, MobiFone vẫn còn nằm ngoài cuộc chơi.

Trên thực tế, vào thời điểm tung ra chiếc điện thoại iPhone đầu tiên, Apple đã lựa chọn hình thức phân phối độc quyền thông qua một nhà mạng của quốc gia mà thương hiệu này vươn đến. Thế nhưng sau đó Apple đã thay đổi quan điểm và chọn phương pháp bắt tay với nhiều nhà mạng cùng lúc.

Cụ thể như trường hợp VinaPhone và Viettel hiện nay. Và sức hút từ iPhone chính là động lực để các nhà mạng lao vào cuộc chiến giành quyền phân phối này.

Từ thời của iPhone 3Gs, VinaPhone lẫn Viettel đều công bố khả năng tiêu thụ của mình là... sạch kho. Gần 15.000 chiếc iPhone 3Gs đã được VinaPhone và Viettel bán hết sau 4 tháng nhập hàng. Riêng với iPhone 4, chỉ sau vài ngày nhập hàng, hai đơn vị này đã tiêu thụ được hơn 4.000 chiếc.

Tuy không tạo ra cú hích tiêu dùng như những “người tiền nhiệm” khi về đến thị trường Việt Nam, nhưng iPhone 4s cũng được người dùng chào đón nồng nhiệt.

Theo báo cáo mới đây về thị trường điện thoại di động tại Việt Nam của ISD, mức tiêu thụ smartphone tiếp tục tăng và tính riêng quý IV/2011, con số tăng này là 75% so với trước đó. Thị trường smartphone sẽ duy trì đà tăng trưởng và dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số vào năm 2012.

Trong đó, theo ông Daniel Pang, Giám đốc Nghiên cứu phụ trách khu vực ASEAN thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC, thị trường thiết bị dùng hệ điều hành iOS tiếp tục trở nên ngày càng cạnh tranh.

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhìn vào lượng người dùng iPhone phổ biến ở Việt Nam hiện nay rất dễ đoán được số lượng tiêu thụ không hề nhỏ của sản phẩm này. Đáng tiếc, mảng sản phẩm hấp dẫn như thế nhưng những doanh nghiệp phân phối điện thoại chuyên nghiệp lại đứng ngoài cuộc.

Thời cơ cho thị trường hàng lậu


Theo số liệu của Apple, tại thị trường Việt Nam, hãng này có khoảng 40 nhà bán lẻ và 5 nhà phân phối chính thức, gồm: VinaPhone, Viettel, FPT Distributions, Thakral và Jel là hai nhà phân phối đến từ Singapore.

Trong đó chỉ có VinaPhone và Viettel là được quyền phân phối iPhone. Những nhà phân phối còn lại chỉ được quyền phân phối các sản phẩm máy nghe nhạc, máy tính và phụ kiện...

Như vậy, những đơn vị phân phối điện thoại chuyên nghiệp như FPT, Thế Giới Di Động, Viễn Thông A hay Mai Nguyên... muốn bán iPhone thì đều phải... mua lại từ Viettel hoặc VinaPhone.

“Các nhà mạng không có chính sách phân phối lại sản phẩm, muốn bán iPhone chính hãng, chúng tôi cũng phải xếp hàng mua như người dùng thông thường”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc Công ty Mai Nguyên, tiết lộ.

Vì lý do này mà giá bán iPhone ở các đơn vị này tất nhiên phải nhỉnh hơn so với nhà mạng và cơ chế bán hàng cũng ở dạng “bán cho có”. Thống kê số lượng bán hàng từ hệ thống chuỗi cửa hàng phân phối điện thoại cao cấp Mai Nguyên cho thấy, hiện doanh số tiêu thụ của Apple ở chuỗi cửa hàng này vẫn đạt mức 9,1%.

Nguyên nhân là do khách hàng không muốn bị ràng buộc bởi cam kết sử dụng với nhà mạng, chấp nhận mua với mức giá cao hơn. Bù lại, họ được nhận sự chăm sóc từ phía các đơn vị cung cấp hàng chính hãng nhưng không chính thức này.

Nhà mạng thì ràng buộc bằng cam kết sử dụng, còn chuỗi cửa hàng phân phối chuyên nghiệp thì bán giá đắt hơn, với số đông khách hàng còn lại, đến với cửa hàng bán hàng xách tay là giải pháp tất yếu.

Dạo một vòng quanh địa bàn TP.HCM, không khó để nhận thấy các cửa hàng trang trí theo phong cách “táo” nhưng không được ủy quyền phân phối mọc lên ngày một nhiều, kèm theo đó là các bảng quảng cáo rầm rộ cho iPhone, iPad… xách tay giá rẻ.

Các sản phẩm iPhone 4s, The new iPad... có mặt rất sớm ở thị trường Việt Nam cũng là qua kênh này vì không tốn thời gian hoàn tất các thủ tục nhập khẩu, phân phối... Thực tế, hàng xách tay là hàng lậu, trốn thuế nên giá sẽ rẻ hơn, tính cạnh tranh vì vậy mà cao hơn.

“Khi các nhà cung cấp khác đã chuẩn hóa quy trình phân phối điện thoại di động của mình tại Việt Nam thì Apple vẫn chưa quan tâm. Nhu cầu về iPhone quá lớn tại thị trường Việt Nam bị trói bởi những điều kiện như hiện nay đã giúp hàng xách tay có đất sống trở lại”, ông Nguyên phân tích.

Phải chăng, trong cuộc đua phân phối iPhone này, lợi ích thuộc về... những đơn vị bán hàng trốn thuế nhiều nhất?

Trở lại vụ đàm phán của Apple và MobiFone, nếu thông tin này chính xác và thỏa thuận giữa hai bên đạt được, Việt Nam sẽ có thêm một đơn vị phân phối iPhone. Nhưng có giải được cơn khát của người dùng và có làm giảm đất sống của thị trường hàng xách tay hay không vẫn là câu hỏi khó!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chạy đua phân phối iPhone: Ai có lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO