Băn khoăn “hai gờ”

THỤY LÂM| 18/11/2010 05:45

Hai gờ” ở đây xin được nói rõ rằang không phải công nghệ 2G đang bị 3G thay thế dần, mà dùng để chỉ công nghệ 3G và 4G khi xét về hiện tại 3G đang dần phổ dụng...

Băn khoăn “hai gờ”

“Hai gờ” ở đây xin được nói rõ rằang không phải công nghệ 2G đang bị 3G thay thế dần, mà dùng để chỉ công nghệ 3G và 4G khi xét về hiện tại 3G đang dần phổ dụng, trong khi xét về xu thế thì 4G đã chạm ngõ, đặt ra trước các nhà mạng về bài toán đầu tư và khai thác công nghệ như thế nào để không bị rơi lại phía sau nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

3G gập ghềnh

Mới đây trong cuộc tọa đàm “Ứng dụng thời 3G”, ông Lê Trung Hậu, Giám đốc Marketing của Yahoo!Việt Nam, cho rằng “năng lực 3G tại Việt Nam mới chỉ được khai thác khoảng 5%”.

Con số định lượng này, có thể còn gặp nhiều ý kiến chưa đồng thuận vì tới nay chưa có cuộc nghiên cứu khảo sát nào để đưa ra con số định lượng chính thức, song phải công nhận năng lực của 3G trên thực tế mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ.

Theo ông Nguyễn Thiện Bàng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ viễn thông (Vinaphone) khu vực 2, các kiểm định trong điều kiện kỹ thuật lý tưởng tốc độ download của 3G đạt 14,3Mbp.

Tất nhiên trên thực tế, tốc độ này biến thiên nhiều. Tuy nhiên ông Bàng vẫn có ví von rằng: “Chúng tôi làm đường từ 10 - 12 làn xe nhưng hiện mới chỉ chạy được một làn”.

Các nhà mạng tại Việt Nam hiện cung cấp hơn 300 dịch vụ giá trị gia tăng, nhưng trong đó số lượng dịch vụ 2G vẫn chiếm ưu thế, chạy trên nền 3G mới phát triển được vài dịch vụ cơ bản và 3G đang được sử dụng nhiều vào việc truy cập internet tốc độ cao (qua điện thoại có tính năng 3G hoặc USB 3G).

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Nam Á, cho rằng: “3G ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng là do thiết bị đầu cuối còn cao, thứ đến nữa là số lượng ứng dụng chưa nhiều”.

Trong tình trạng như thế, bài toán đặt ra đối với các nhà mạng là làm sao phải kích cầu để thu hồi vốn sớm khi đã bỏ ra hàng tỷ USD để đầu tư.

Không thể kỳ vọng thu hồi được vốn trong vài ba năm, nhưng cũng không thể để bị chôn vốn đến hàng chục năm ròng. Giảm giá cước 3G, khuyến mãi ào ào, cũng chỉ là một cách.

Trên thực tế, với băng thông 3G tại Việt Nam hiện nay khó có thể sử dụng dịch vụ Video on Demand thực sự có chất lượng. Theo ông Trí, muốn chạy tốt dịch vụ này và các ứng dụng cao hơn, phải có mạng 4G.

Giữa đôi dòng

Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 4G cho một số doanh nghiệp (DN) với thời hạn trong một năm tại Hà Nội và TP.HCM.

Vừa qua, VNPT cũng đã thử nghiệm 4G tại Hà Nội, vấn đề chọn công nghệ Wimax hay LTE dường như đã ngã ngũ ở Việt Nam khi các nhà mạng hướng nhiều hơn đến LTE với hậu thuẫn lớn từ Qualcomm trong khi sự hậu thuẫn Wimax từ Intel đang dần nhợt nhạt.

Một điều đáng chú ý được ông Trí chia sẻ là 3G có thể nâng cấp tối đa lên đến 168Mbp.

Có nghĩa là, trong khi phải tính toán có đầu tư 4G hay không thì nhà mạng còn có “khoảng cách” để tăng cường băng thông của 3G. Thế nhưng, ông Trí cho rằng, ngay cả với tốc độ tối đa thì cũng khó có thể chạy được các dịch vụ như Video on Demand một cách “mượt mà”.

Mặc dù vậy, theo dõi động thái của các nhà mạng trước công nghệ 4G mà một số nước, đơn cử là Ấn Độ đang triển khai, chúng ta không thấy sự háo hức như cách đây ba năm khi nói về việc đầu tư và chọn lựa công nghệ cho 3G.

Vấn đề lớn nhất được cho là tăng trưởng 3G tại Việt Nam không đạt kỳ vọng, vốn thu hồi không đạt như kế hoạch, khiến các nhà mạng thận trọng hơn, dù biết rằng 4G không thể triển khai trong một, hai năm tới.

Các nhà mạng lớn ở Việt Nam hiện hầu hết là DN nhà nước, vì thế áp lực đầu tư và kinh doanh phải đạt hiệu quả đôi khi dễ trở thành “chiếc mũ” chụp lên.

Hơn nữa, trước dư luận, một khi 3G chưa mang đến hiệu quả thực sự về kinh doanh, thì DN cũng không thể vung tay đầu tư tiếp lên 4G khi đa phần năng lực 3G chưa được khai thác.

Nhưng nhìn ở một góc độ khác, những DN chưa “sa lầy” vào đầu tư 3G lại có cái nhìn “tươi sáng” hơn. FPT quyết định mua cổ phần đa số tại EVN Telecom với định hướng sẽ triển khai 4G, dù rằng 3G của EVN Telecom đã chính thức khai trương cũng đang chìm dần theo dịch vụ 2G èo uột của nhà mạng này.

Lúc này, sự tỉnh táo không hẳn phải bắt đầu từ nhà mạng là các DN vốn luôn phải tính toán thiệt hơn - lời lỗ trong kinh doanh, mà chính Bộ Truyền thông và Thông tin dù đã đánh động đến 4G nhưng cũng không nên quá thúc ép nhà mạng phải triển khai trong thời hạn nhất định sau khi thắng thầu tần số như đã làm khi triển khai 3G.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Băn khoăn “hai gờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO